Cần test nhanh kháng nguyên chứ không phải kháng thể, để chặn đứng chuỗi lây truyền COVID-19

VietTimes – “Cần sử dụng biện pháp test nhanh để chặn đứng chuỗi lây truyền của COVID-19, nhưng là test nhanh kháng nguyên chứ không phải test nhanh kháng thể như chúng ta đang làm” – TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, khẳng định.
Lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Đà Nẵng  (Ảnh: VH)
Lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Đà Nẵng (Ảnh: VH)

Phóng viên: Trước tình trạng dịch bệnh COVID-19 vẫn đang lan nhanh ở nhiều tỉnh thành, liệu chúng ta có nên sử dụng biện pháp test nhanh để kịp thời phát hiện, khoanh vùng cách ly người mang virus SARS-CoV-2, bởi đã xuất hiện người có kết quả âm khi test nhanh, nhưng sau đó lại dương tính khi xét nghiệm bằng PCR như ở Hà Nội, thưa bác sĩ?

TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu: Rất cần có những xét nghiệm test nhanh virus SARS- CoV-2 để phát hiện sơ bộ những ca dương tính, đặc biệt khi cần ngăn chặn tình trạng dịch lan trong cộng đồng, khi đó cần sàng lọc cách ly số lượng nhiều người nghi ngờ có tiếp xúc với nguồn lây. Test nhanh tìm virus cũng sẽ hữu ích rất nhiều khi có một ca bệnh nội khoa - ngoại khoa - sản khoa… cần loại trừ COVID, như trường hợp có bệnh nhân chuyển từ vùng dịch (Đà Nẵng) về chẳng hạn!

Nhưng test nhanh này phải là test tìm kháng nguyên (thành phần của virus). Nhưng rất tiếc hiện nay test nhanh kháng nguyên ở Việt Nam lại chưa phổ biến, chủ yếu mới chỉ sử dụng test nhanh kháng thể. Các test nhanh kháng thể chỉ cho phép phát hiện những người đã có kháng thể trong máu, đây có thể là những người đã mắc bệnh (thường kháng thể chỉ xuất hiện sau khi đã khởi bệnh một tuần hoặc lâu hơn)!

Kháng thể cũng có trên những người đã từng nhiễm bệnh không triệu chứng trước đây, hoặc đã được chích ngừa (hiện nay thì COVID19 chưa có vắc xin nên tình huống này chưa xảy ra). Như vậy test nhanh kháng thể không giúp phát hiện những trường hợp vừa phát bệnh (trong tuần lễ đầu tiên). Đây là các trường hợp có sự hiện diện của virus trong đường hô hấp - có thể lây bệnh.

Chính vì vậy trong hướng dẫn chẩn đoán, cách ly điều trị hiện nay của Việt Nam vẫn là dùng xét nghiệm Realtime RT-PCR phát hiện virus SARS-CoV-2, mà không sử dụng các xét nghiệm huyết thanh học (trong đó có test nhanh kháng thể).

TS BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu - Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới TP.HCM (Ảnh: HB)
TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu - Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới TP.HCM (Ảnh: Hòa Bình)


Phóng viên:
Thưa bác sĩ, vì tình trạng âm giả của test nhanh có thể để lọt virus ra cộng đồng, có ý kiến cho rằng chỉ nên test nhanh trong khu cách ly hoặc tại các bệnh viện vì các môi trường này có thể kiểm soát được nguồn lây nhiễm? Nhưng thực tế là cả Hà Nội và TP.HCM đều đang có số lượng lớn những người về từ Đà Nẵng cần phải xét nghiệm để kiểm tra?

TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu: Trong khu cách ly vẫn cần xét nghiệm tìm virus bằng Realtime RT-PCR hoặc test nhanh kháng nguyên (có giá trị tương đương Realtime RT-PCR). Test nhanh kháng thể không có giá trị gì giúp kịp thời phát hiện ca dương tính để tiếp tục tìm các ca F1 (có tiếp xúc với ca dương để cách ly)!

Cho dù Hà Nội và TP.HCM đang có số lượng lớn người cần xét nghiệm thì vẫn phải trang bị nguồn lực để thực hiện xét nghiệm Realtime RT-PCR vì hiện nay chưa có xét nghiệm nhanh tìm kháng nguyên phù hợp.

Bộ Y tế đang hỗ trợ Hà Nội làm 40.000 xét nghiệm Realtime RT-PCR sau khi đã làm test nhanh kháng thể là vì kết quả của test nhanh kháng thể dù có âm tính vẫn không loại trừ các ca đang nhiễm virus và nguy cơ lây lan ra cộng đồng.

Nên lưu ý là có đến gần 40% trường hợp ca nhiễm là không có triệu chứng; tuy nhiên các ca này hoàn toàn có thể trở thành nguồn lây phát tán mạnh virus nếu không có biện pháp cách ly ngăn chặn lây lan. TP.HCM hiện vẫn đang làm xét nghiệm Realtime RT-PCR cho toàn bộ người về từ Đà Nẵng.

Phóng viên: Thưa bác sĩ, tại sao nhiều nước khác làm test nhanh có thể thành công trong khoanh vùng, dập dịch? Ví dụ như Hàn Quốc chẳng hạn?

TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu: Xin hiểu đúng đó là vì họ dùng test nhanh phát hiện kháng nguyên. Chúng ta không nên nói chung chung “test nhanh” rất dễ gây hiểu lầm mà phải phân biệt cho rõ test nhanh tìm kháng nguyên với test nhanh tìm kháng thể.

Đà Nẵng đã triển khai lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho 3.300 người dân theo phương pháp xét nghiệm gộp (Ảnh: VH)
TP.HCM hiện vẫn đang làm xét nghiệm Realtime RT-PCR cho toàn bộ người về từ Đà Nẵng (Ảnh: VH)


Kháng nguyên (antigen) là một thành phần của tác nhân gây bệnh được chọn làm đích truy tìm trong xét nghiệm nhanh tìm kháng nguyên. Kháng nguyên sẽ được phát hiện trong họng mũi bệnh nhân đồng thời với sự hiện diện của RNA của virus (phát hiện bằng PCR).

Sau khi tác nhân gây bệnh xâm nhập vào cơ thể người thì được hệ thống miễn dịch nhận biết và tạo ra các đáp ứng miễn dịch, bao gồm đáp ứng miễn dịch dịch thể (tạo ra kháng thể đặc hiệu chống tại tác nhân gây bệnh) và miễn dịch tế bào (thông qua tế bào Lympho T).

Kháng thể sẽ xuất hiện trong máu sau một tuần mắc bệnh và nồng độ kháng thể sẽ tăng cao dần! Khi có kháng thể thì kháng nguyên trong họng mũi có thể đã âm tính! Test nhanh kháng thể do đó nếu cho kết quả dương tính thì giúp kết luận người này hoặc đang mắc bệnh với thời gian bệnh đã kéo dài từ 7 ngày trở lên, hoặc đã từng bị bệnh trước đây (từ vài tháng đến năm), hoặc đã được chích vắc xin COVID và đã có miễn dịch.

Giá trị của test nhanh kháng nguyên (nếu với độ nhạy và đặc hiệu tốt) có thể thay thế PCR khi giải quyết các tình huống số lượng cần sàng lọc quá nhiều. Không chỉ Hàn Quốc mà nhiều nước khác đã làm vậy và đã thành công khoanh vùng, dập dịch. Test nhanh kháng nguyên cũng rất hữu ích khi cần sàng lọc loại trừ COVID-19 cho các ca bệnh nặng cần xử trí cấp cứu nhưng có yếu tố dịch tễ đến từ vùng dịch tại các phòng sàng lọc của các bệnh viện.

Ở Việt Nam cho đến hiện nay do chưa có test nhanh tìm kháng nguyên, nên buộc phải sử dụng xét nghiệm Realtime RT-PCR để đạt mục tiêu khoanh vùng, dập dịch, không để virus phát tán ra cộng đồng.

Phóng viên: Xin cảm ơn bác sĩ!