Phát biểu tại Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp về phục hồi nền kinh tế sáng nay (9/5), ông Lê Đức Thọ (Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam - VietinBank) cho biết VietinBank và các ngân hàng thương mại đã triển khai các chương trình tín dụng với lãi suất cho vay thấp hơn rất nhiều so với trước khi có dịch bệnh, đồng thời giảm mạnh phí dịch vụ.
“VietinBank cam kết bảo đảm các nhu cầu vốn chính đáng của doanh nghiệp và người dân” - ông Lê Đức Thọ khẳng định.
Theo đó, VietinBank và các ngân hàng nhà nước luôn chủ động phát huy vai trò chủ lực, trụ cột của hệ thống, đi đầu và thực hiện có kết quả các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế xã hội của Đảng và Nhà nước.
Ông Thọ cho hay, tính đến hết tháng 4/2020, VietinBank đã giải ngân cho 6.000 khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, với doanh số giải ngân mới trên 130.000 tỷ đồng. Đồng thời, nhà băng này cũng giảm từ 2 - 2,5% lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực thiết yếu của nền kinh tế .
Năm 2020, VietinBank dự kiến sẽ dành từ 3.000 - 4.000 tỷ đồng từ cắt giảm lợi nhuận để hỗ trợ lãi suất và giảm phí dịch vụ, đồng hành và chia sẻ khó khăn với các khách hàng.
Cụ thể, từ ngày 23/1 đến nay, VietinBank đã giảm hơn 800 tỷ đồng tiền lãi để hỗ trợ cho các khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Ngân hàng cũng thực hiện cơ cấu lại thời gian trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng, công khai minh bạch điều kiện, thủ tục cơ cấu nợ, đơn giản hóa quy trình, hồ sơ cho vay.
“Đến hết tháng 4/2020, VietinBank đã thực hiện cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho 1.500 khách hàng với dư nợ trên 50.000 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ đến hạn cần cơ cấu lại là trên 5.000 tỷ đồng” - ông Thọ thông tin.
Chủ tịch VietinBank cũng đề nghị các doanh nghiệp xây dựng và triển khai các phương án, dự án thực sự khả thi, tập trung nguồn lực, cân đối nguồn trả nợ; thực hiện minh bạch tài chính, chứng minh khó khăn thiệt hại, không trục lợi chính sách. Đây là cơ sở để ngân hàng giúp đỡ các doanh nghiệp phục hồi, bảo đảm phát triển kinh tế.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần tận dụng cơ hội tái cấu trúc sản xuất kinh doanh, tài chính, tham gia chuỗi liên kết, ứng dụng công nghệ, và minh bạch dòng tiền, tạo cơ sở để xem xét thay thế các hình thức thế chấp tài sản để vay vốn.
“Việc hỗ trợ giảm lãi suất và phí dịch vụ của các NHTM bản chất là từ nguồn vốn tự huy động, từ cắt giảm chi phí và cắt giảm lợi nhuận của ngân hàng. Do đó, có những giới hạn nhất định và cần chia sẻ của cộng đồng doanh nghiệp và đối tác” - ông Thọ nói.
Theo vị Chủ tịch VietinBank, ngành ngân hàng sẽ chịu tác động lớn nhất của dịch bệnh do giảm nhu cầu tín dụng, các khách hàng giảm khả năng trả nợ đến hạn, tăng nguy cơ phát sinh nợ xấu.
Người đứng đầu VietinBank đề nghị Chính phủ phê duyệt sửa đổi nghị định số 91 ngày 13/10/2015, phê duyệt tăng vốn tự có của các ngân hàng có vốn nhà nước để các ngân hàng mở rộng tăng trưởng tín dụng, cung ứng vốn cho nền kinh tế, các doanh nghiệp, đón đầu các cơ hội mới sau khi dịch bệnh được kiểm soát.
Ngoài ra, ông Lê Đức Thọ cũng kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông giảm cước phí tin nhắn với dịch vụ ngân hàng bằng với phí tin nhắn thông thường hoặc ít nhất là giảm 50% để các ngân hàng giảm phí dịch vụ cho khách hàng./.