Năm 2017, Trung Quốc nhập của Mỹ hơn 12 tỷ USD đậu tương, nhưng gần đây do ảnh hưởng của chiến tranh thương mại, việc mua bán đã bị gián đoạn. Từ ngày 28 đến 30/8, đoàn đại biểu Trung Quốc đã tới Mỹ để dự hội chợ toàn cầu do Hiệp hội đậu tương Mỹ (USSEC) tổ chức. Đoàn khách Trung Quốc đã đi thăm các trang trại trồng đậu ở bang Missouri, hội đàm với các hãng cung cấp đậu Mỹ…hành trình giống như mọi năm, có điều kết thúc mà chẳng ký được hợp đồng mua bán nào.
Một thành viên đoàn đại biểu thương mại Mỹ cho phóng viên hãng Reuters biết, tháng 12/2018 và tháng 1/2019, tình hình cung ứng đậu của Trung Quốc sẽ rất căng thẳng, dự tính đến khi đó phải mua ít nhất 13 triệu tấn đậu của Mỹ. Một thành viên khác nói, tuy không xác định được chiến tranh thương mại sẽ kéo dài bao lâu, nhưng do số lượng mua của Brazil không đủ, giá lại tăng trong khi giá đậu Mỹ đang xuống thấp nên các công ty Trung Quốc đã tính đến chuyện phải quay lại với thị trường Mỹ.
Thu hoạch đậu tương ở nông trại Mỹ
|
Một thành viên đoàn là đại diện cho hơn 10 xí nghiệp ép đậu nói, từ cuối tuần trước, giá đậu hạt ở Trung Quốc bắt đầu tăng, điều đó có nghĩa là lượng hàng dự trữ thương mại ngày càng trở nên căng thẳng; trong khi đó giá đậu của Mỹ trong 3 tháng qua đã giảm tới 18%.
Tháng 10 hàng năm là mùa đậu tương Mỹ đưa ra thị trường, chậm hơn nửa năm so với Argentina và Brazil. Thông thường Trung Quốc mua đậu hạt của các nước về để ép thành dầu ăn và sử dụng bã đậu cho chăn nuôi. Sau khi bùng phát chiến tranh thương mại với Mỹ, Trung Quốc hy vọng gia tăng mua đậu về dự trữ trong kho, đồng thời mua được các sản phẩm đã chế biến từ Nam Mỹ.
Theo Reuters, Bộ Nông nghiệp Argentina hôm 28/2 cho viết, họ đã bất ngờ được hưởng lợi từ sự căng thẳng mậu dịch giữa Trung Quốc và Mỹ. Lần đầu tiên trong 3 năm qua, Argentina sẽ xuất khẩu dầu nành sang Trung Quốc. Hiện nay 29 ngàn tấn dầu nành đã tập kết ở Trung tâm thương mại Raliosa, gần cảng miền Đông; ngoài ra 2 con tàu chở đầy dầu nành cũng lên đường tới Trung Quốc; dự kiến lượng dầu nành xuất sang Trung Quốc là 90 ngàn tấn. Argentina cũng hy vọng sau vụ thu hoạch đậu tương vào tháng 5 tới, họ sẽ bắt đầu xuất khẩu bã đậu tới Trung Quốc.
Argentina mua đậu hạt Mỹ ép dầu rồi bán cho Trung Quốc thu lợi
|
Tuy nhiên, do vùng nông nghiệp chủ yếu Pampas của Argentina bị hạn hán nghiêm trọng nên số lượng đậu tương bị giảm sút nghiêm trọng, các hãng ép đậu buộc phải mua đậu hạt từ Mỹ, Paraguay hoặc Brazil về để chế biến rồi bán dầu nành và bã đậu cho Trung Quốc. Tạp chí chuyên ngành Oil World từng nghiên cứu chỉ rõ, cho dù Trung Quốc có đặt mua nhiều bã đậu của Argentina thì do nước này thiếu đậu hạt, họ vẫn phải mua của Mỹ về để ép dầu mới đáp ứng được nhu cầu của Trung Quốc. Vì vậy, dù Trung Quốc có đặt mua của Argentina thì cũng không tránh được đậu tương của Mỹ, chỉ là đi đường vòng, gián tiếp nhập khẩu đậu Mỹ mà lại bị đắt hơn.
Một quốc gia khác được hưởng lợi từ chiến tranh thương mại Trung – Mỹ là Ấn Độ. Tờ “Economic Times” của Ấn Độ ngày 28/8 đã dẫn một bản báo cáo của Bộ Thương mại nước này cho biết, trong cuộc chiến mậu dịch Trung – Mỹ, các mặt hàng Mỹ xuất sang Trung Quốc do chịu thuế suất cao nên sức cạnh tranh giảm sút. Nếu các thương gia Ấn Độ biết nắm lấy thời cơ, tăng cường xuất khẩu sang Trung Quốc và chiếm lấy thị trường khổng lồ này mà Mỹ để lại thì sẽ trở thành quốc gia được lợi chủ yếu trong cuộc chiến tranh thương mại lần này.
Bài báo phân tích ít nhất 100 loại sản phẩm của Ấn Độ có thể chiếm chỗ hàng Mỹ. Báo này viết, Ấn Độ có thể chiếm tỷ trọng lớn hơn trong thị trường bông, ngô, hạnh nhân, tiểu mạch và cao lương của Trung Quốc; nho tươi, bông, thuốc sợi, các loại hóa chất là thị trưởng trị giá hơn 100 tỷ USD trước đây Mỹ xuất sang Trung Quốc, Ấn Độ cũng đã xuất những hàng này sang Trung Quốc; đây là thời cơ để gia tăng lượng hàng xuất khẩu này.
Báo Ấn Độ nói về khả năng hàng hóa nước họ chiếm chỗ hàng Mỹ trên thị trường Trung Quốc
|
Tờ “Economic Times” nhấn mạnh, sau khi Mỹ phát động chiến tranh thương mại, Trung Quốc đã đáp trả bằng cách đánh thuế 15% đến 25% các sản phẩm Mỹ, trong khi chỉ thu mức thuế bình thường từ 5% đến 10% những mặt hàng cùng loại nhập từ các nước khác. Mặt khác, theo Hiệp định mậu dịch Châu Á – Thái Bình Dương ký năm 2005, hàng hóa Ấn Độ xuất sang Trung Quốc còn được giảm từ 6 đến 35% mức thuế nên sức cạnh tranh càng lớn.
Ví dụ ngô, trong năm 2017 – 2018 Ấn Độ xuất khẩu 143,6 triệu USD ra thế giới, cùng thời kỳ Mỹ nhập 600 triệu USD ngô của Mỹ. Sau khi xảy ra chiến tranh thương mại, Ấn Độ có thể được hưởng ưu đãi 100% về ngô xuất sang Trung Quốc theo Hiệp định nói trên. Nếu hàng xuất khẩu Ấn Độ có thể chiếm lĩnh thị trường mà Mỹ để lại thì sẽ có cơ hội thu hẹp con số 63 tỷ USD nhập siêu trong cán cân xuất nhập khẩu với Trung Quốc.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu