Con tàu không may mắn Peak Pegasus. |
80 ngàn tấn đậu tương phải xuống biển
Đúng 12h trưa 6/7 (theo giờ Bắc Kinh), Trung Quốc chính thức áp mức thuế mới tăng 25% đối với 34 tỷ USD hàng hóa nhập từ Mỹ để trả đũa quyết định của Tổng thống Donald Trump áp đặt mức thuế và quy mô tương tự đối với sản phẩm nhập của Trung Quốc. Một số hãng kinh doanh là những nạn nhân gánh chịu thiệt hại đầu tiên.
Theo trang tin Đông Phương, chiếc tàu “Peak Pegasus” chở 80 ngàn tấn đậu hạt xuất phát từ Seatle theo dự kiến sẽ cập cảng Đại Liên trước 12h trưa 6/7 là thời điểm hai bên Mỹ, Trung áp đặt mức thuế tăng thêm 25% đối với số hàng hóa đã công bố trong danh mục trước đó. Do Trung Quốc bắt đầu thực hiện áp dụng mức thuế mới với những hàng hóa Mỹ trong đó có hạt đậu từ 12h01’ trưa ngày 6/7 nên việc tàu cập bến trước thời điểm này để thông quan mang tính then chốt; tuy nhiên do tàu không kịp cấp bến trước 12h và bên mua hủy đơn đặt hàng nên phía bán đã tức giận cho đổ tất cả số hàng này xuống biển.
Hành trình của con tàu Peak Pegasus
|
Vị trí tàu Peak Pegasus ở ngoài cảng Đại Liên thể hiện trên trang theo dõi tàu thuyền quốc tế
|
Thực tế, con tàu đã không thể đến cảng Đại Liên trước thời điểm 12h trưa 6/7 được. Người phụ trách hải quan cảng Đại Liên xác nhận: trước thời điểm áp dụng mức thuế mới, họ đã nhận được thông tin trình báo xin thông quan của con tàu chở đậu tương này; tuy nhiên, do đậu tương là loại nông sản cần phải được kiểm dịch, không thể trình báo để thông quan trước, do đó số đậu hạt trên tàu “Peak Pegasus” phải bị áp mức thuế mới tăng thêm 25%.
Theo trang web Marine Traffic theo dõi hành trình của các con tàu trên toàn cầu thì tàu “Peak Pegasus” xuất phát lúc 19h43’ tối 18/6/2018 từ cảng Seatle, dự kiến tới cảng Đại Liên, Trung Quốc vào chiều ngày 5/7. Theo hiển thị trên trang Marine Traffic thì con tàu đã có hành trình 18 ngày trên biển. Con tàu này được hạ thủy năm 2013, dài 228,99m, rộng 32,26m, có trọng tải 43.005 tấn (điều này mâu thuẫn với tin trên Đông Phương nói tàu chở 80 ngàn tấn đậu hạt).
Hành trình của tàu “Peak Pegasus” đã trở thành tâm điểm theo dõi của các cư dân mạng, nhất là người Trung Quốc. Họ đặt tên cho nó là “Đại Đậu quân”. Chiếc tàu được thiết kế chạy với tốc độ 12.5 hải lý/h mặc dù khi tới gần Trung Quốc đã vượt Hoàng Hải với tốc độ lên tới 14 hải lý/h nhưng vẫn không kịp. Vào lúc 11h trưa ngày 6/7, thời điểm lẽ ra nó đã phải cập cảng Đại Liên từ lâu thì vẫn còn ở cách đó 85 hải lý; phải đến 17h07 phút con tàu mới tới được phía ngoài cầu cảng. Thông tin trên mạng cho biết, do bên mua hủy đơn đặt hàng nên phía bán đã cho đổ tất cả số đậu này xuống biển.
Theo thông tin về con tàu trên mạng, đến sáng 7/7 tàu Peak Pegasus vẫn neo đậu ngoài biển gần cảng Đại Liên, nếu chủ hàng không muốn nộp mức thuế mới tăng thêm 25% thì chỉ có thể đổ xuống biển để tiêu hủy hoặc chở bán cho quốc gia khác vì theo quy định về xuất khẩu nông sản thì không được chở hàng quay trở lại nơi xuất phát.
Đông Phương cho biết 80 ngàn tấn đậu tương này trị giá 150 triệu NDT (525 tỷ VND), nếu thông quan sau thời điểm 12h sẽ bị trả thêm 27,5 triệu NDT (96,25 tỷ VND) bởi mức thuế đã tăng 25%, khoản tiền thuế này do bên mua là Tổng Công ty dự trữ lương thực Trung Quốc phải chịu. Do nó không cập cảng đúng hợp đồng nên khách hàng Trung Quốc đã hủy đơn hàng, chủ hàng không có cách nào khác ngoài việc đổ số đậu hạt này xuống biển.
Đậu tương trở thành 'chiến trường' trong chiến tranh thương mại Mỹ - Trung
|
Đậu hạt trở thành “chiến trường” quan trọng trong cuộc chiến mậu dịch Mỹ - Trung
Mức ỷ lại thị trường Trung Quốc trong xuất khẩu nông sản của Mỹ khá cao. Năm 2017, có tới hơn 60% sản lượng đậu tương của Mỹ được bán sang Trung Quốc. Việc Trung Quốc áp dụng biện pháp trả đũa đối với xuất khẩu đậu tương của Mỹ là đòn khiến đậu tương Mỹ xuất khẩu sa sút mạnh cả về lượng lẫn giá. Từ tháng 5 đến đầu tháng 7, giá đậu tương đã giảm từ 10,5 USD/bushel xuống còn 8,5 USD/bushel (27,2kg), giảm tới 18% so với mức giá thấp nhất trong năm trước đây.
Số liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ cho thấy, 5 tháng đầu năm 2018, số lượng đậu tương Mỹ xuất sang Trung Quốc đã giảm tới 21%. Đối với nông dân Mỹ sống nhờ xuất khẩu nông sản thì đó là một tai họa vì đó không đơn giản là vấn đề “anh không mua thì tôi bán cho người khác”. Với số lượng đậu khổng lồ đó, người Mỹ ăn không hết mà cũng khó có thể tìm được khách mua mới tiêu thụ xuể. Trong cuộc chiến tranh thương mại đang không ngừng leo thang, người bị hại cuối cùng ở Mỹ chính là những nông dân sống nhờ đất đai, “có muốn đi đâu cũng không được”.
Hình ảnh tàu ăn hàng đậu tương tại Mỹ
|
Cuộc sống của nông dân Mỹ hiện nay được coi là khá giả. Trên thực tế từ năm 2013 đến nay do liên tiếp được mùa nên nông sản bị tồn đọng trong kho khá nhiều, giá không thể tăng được, thu nhập tĩnh của các nông trang Mỹ đang có xu hướng giảm đi. Ngoài ra, nông dân Mỹ còn phải đối phó với sự cạnh tranh quốc tế đến từ Nam Mỹ và Nga, nay với cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, tương lai của họ càng trở nên bấp bênh.
Nếu so sánh với mức thu nhập bình quân đầu người thì thu nhập của nông dân Mỹ cũng không phải là cao: người làm nghề nông dưới 5 năm có mức thu nhập 26 ngàn USD/năm, người có tuổi nghề 5-10 năm thu nhập 30 ngàn USD, người 10-15 năm thu nhập 37 ngàn USD, người từ 15-20 năm có thu nhập 48 ngàn USD. Qua đó có thể thấy, người làm nghề nông có 20 năm tuổi nghề thu nhập mới ngang mức bình quân đầu người của cả nước Mỹ, những người trẻ, mới làm nghề thì thu nhập khá thấp. Tuy ở Mỹ có tới hàng trăm nông dân là triệu phú, nhưng đó đều là những chủ nông trang lớn, họ khống chế tuyệt đại bộ phận lợi nhuận nông nghiệp Mỹ; còn những nông hộ nhỏ lẻ thì cuộc sống vẫn khó khăn.
Thu hoạch đậu tương tại một nông trại Mỹ
|
Trong khi nông dân Mỹ bị thiệt hại nặng về không xuất được đậu tương sang Trung Quốc thì Trung Quốc cũng lao đao bởi với mức thuế mới, các nhà máy chế biến của Trung Quốc cũng không thể nhập được vì giá quá cao, sản phẩm bán ra sẽ không có lãi. Trung Quốc là nước tiêu thụ đậu tương lớn thứ 2 và là nước nhập khẩu hạt đậu tương nhiều nhất thế giới, 86% nhu cầu của Trung Quốc dựa vào nhập khẩu; năm 2017 họ phải nhập tới 32,86 triệu tấn trị giá 14 tỷ USD.
Sau khi Trung Quốc tăng thuế nhập đối với đậu Mỹ, nhiều nhà máy chế biến buộc phải quay sang nhập của Brazil. Tuy nhiên các hãng xuất khẩu Brazil đã tranh thủ “đục nước béo cò” bằng cách tăng giá đậu ngay sau khi những va chạm thương mại Mỹ - Trung bắt đầu, riêng tháng 5 Trung Quốc đã đặt mua tới 19 chuyến tàu chở đậu từ Brazil.
Chuyên gia nghiên cứu về thương mại Trung Quốc Tạ Á Hiên cho rằng: việc Trung Quốc áp thuế suất mới với hạt đậu Mỹ e rằng là “tự vác đá ghè chân mình” vì việc nhập khẩu hạt đậu là không thể dừng, nếu giá đậu trên thị trường quốc tế tăng thêm 30% thì chỉ số CPI của Trung Quốc cũng tăng thêm 0,5%, gây nên nguy cơ lạm phát và làm không gian thao tác chính sách tiền tệ bị hẹp lại, gây nên biến số cho thị trường vốn.
Theo tờ Bình Quả (Hongkong) ngày 6/7, giá đậu tương ở sở giao dịch hàng hóa Chicago tháng 6 đã giảm 16%, còn giá bột đậu tương – nguyên liệu để chế biến các sản phẩm từ đậu tương ở Trung Quốc đã tăng 4%. Sau thời điểm 6/7 thì giá ắt sẽ còn tiếp tục biến động…