Nỗ lực làm chậm tốc độ lây nhiễm dịch COVID-19
Tại buổi làm việc với tỉnh Long An về công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh vào ngày 30/7, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đánh giá: Tỉnh Long An đã chủ động lên phương án cho số ca mắc COVID-19 cao. Tuy nhiên, vấn đề mà Long An cần quan tâm nhất trong thời điểm này là ưu tiên tối đa, tạo mọi điều kiện cho công tác điều trị, hạn chế bệnh nhân COVID-19 chuyển nặng, rất nặng.
Bộ Y tế nhất trí với các phương án chống dịch của tỉnh và lưu ý địa phương cần thực hiện nghiêm Chỉ thị 16, tận dụng thời gian này để cố gắng làm chậm tốc độ lây nhiễm dịch bệnh.
“Tỉnh càng thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 thì càng làm giảm tác động đến kinh tế xã hội trên địa bàn, đồng thời, thực hiện truy vết nhanh, cách ly kịp thời, xét nghiệm nhanh để nhanh chóng đưa F0 ra khỏi cộng đồng, chặn nguồn lây nhiễm”- ông Long nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khảo sát mặt bằng xây dựng Trung tâm hồi sức tích cực tại Long An (Ảnh - Thái Bình) |
Đối với công tác điều trị, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long lưu ý tỉnh Long An cần thực hiện theo hướng dẫn chuyên môn về phân tầng điều trị. Trong đó, ở tầng điều trị 2 cần phải thiết lập hệ thống oxy trung tâm. Tầng điều trị thứ 3 chỉ dành điều trị bệnh nhân nặng, rất nặng và phải có khu vực điều trị hồi sức tích cực. Việc phân tầng cần thực hiện nghiêm để tránh quá tải cho bệnh viện tuyến cuối điều trị bệnh nhân COVID-19 trên địa bàn.
Liên quan đến việc thiết lập Trung tâm hồi sức tích cực quy mô 500 giường tại tỉnh Long An, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết: “Với mặt bằng thuận tiện tại Nhà khách Công đoàn, các chuyên gia của Bộ Y tế và địa phương sẽ nhanh chóng thiết lập Trung tâm hồi sức tích cực tại đây. Bộ Y tế đã bổ nhiệm Giám đốc BVĐK Trung ương Thái Nguyên kiêm nhiệm Giám đốc Trung tâm hồi sức tích cực này. Bộ cũng sẽ điều nhân lực và trang thiết bị đồng hành cùng tỉnh, tuy nhiên tỉnh vẫn phải chủ động trên tinh thần “4 tại chỗ”.
Cùng với đó, Bộ trưởng đề nghị tỉnh cần có phương án về điều động nhân lực, huy động trang thiết bị, vật tư y tế cho Trung tâm ngay từ bây giờ để thiết lập xong là đưa vào hoạt động ngay.
Về việc điều phối trong công tác điều trị bệnh nhân COVID-19, Bộ trưởng cho rằng Long An cần thiết lập bộ phận điều phối bệnh nhân, nắm chắc thông tin về tình hình điều trị trên địa bàn để có sự điều phối bệnh nhân phù hợp với diễn biến sức khoẻ của bệnh nhân.
Về tiêm vaccine phòng COVID-19, Bộ trưởng đề nghị tỉnh đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng trong bối cảnh có dịch, tiêm mũi 1 càng nhanh càng tốt.
Tăng tốc truy vết F0 qua sàng lọc trong cộng đồng
Thông tin về tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Long An, đại diện tỉnh Long An cho biết: Tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh những ngày qua diễn biến rất phức tạp và khó lường. Tổng số ca bệnh trên địa bàn tỉnh tính đến nay là 5.468 ca nhiễm, trong đó có 5.452 ca cộng đồng, 16 ca nhập cảnh. Ngoài ra, có 615 ca điều trị khỏi và 58 trường hợp tử vong.
3 huyện có số ca mắc COVID-19 cao nhất là Cần Giuộc, Đức Hòa và Bến Lức. Từ ngày 19/7 đến nay, Long An thực hiện Chỉ thị số 16 nên số ca mắc có xu hướng giảm. Tuy nhiên, do đang thực hiện truy vết F0 sàng lọc cộng đồng nên số ca mắc vẫn ở mức cao. Đến nay, tỉnh đã phong tỏa 519 điểm, đã kết thúc 96 điểm. Toàn tỉnh có 57 khu cách ly tập trung với năng lực khoảng 11.500 giường, hiện 32 khu cách ly đang hoạt động với 2.178 người.
Về công tác xét nghiệm, hiện Long An có 47 cơ sở với năng lực hơn 15.000 / ngày; xét nghiệm khẳng định 2.350 mẫu đơn/ ngày; 11.750 mẫu đơn/ ngày. Long An có 16 cơ sở điều trị COVID-19 theo chiến lược phân tầng (gồm 3 tầng điều trị khác nhau). Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Long An đã chuẩn bị phương án 10.000 ca mắc COVID-19 trên địa bàn.
Nhân viên y tế làm việc trong phòng xét nghiệm (Ảnh - BYT) |
Nhằm hỗ trợ, đồng hành cùng Long An chống dịch, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Y tế, từ ngày 1/7, Tổ công tác của Bộ Y tế do TS. Hoàng Quốc Cường- Phó Viện trưởng Viện Pasteur TP. HCM - làm tổ trưởng gồm 6 thành viên là các chuyên gia về lĩnh vực dịch tễ, điều trị, xét nghiệm,… của các bệnh viện/viện trực thuộc Bộ Y tế đã về “cắm chốt” tại Long An.
Ngoài ra, đoàn công tác gồm 80 cán bộ, bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên các chuyên ngành hồi sức, cấp cứu, truyền nhiễm, xét nghiệm… giàu kinh nghiệm trong điều trị COVID-19 của tỉnh Bắc Giang cũng đã đến hỗ trợ tỉnh Long An chống dịch từ ngày 20/7.
Đoàn Bến Tre có 12 cán bộ, thầy thuốc và đoàn Bắc Ninh có 15 cán bộ, thầy thuốc cũng đã có mặt hỗ trợ y tế Long An chống dịch.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu