Bộ trưởng Tài chính: dự thảo Luật Thuế Tài sản có nhiều ý kiến trái chiều

VietTimes-- Phát biểu với báo giới chiều 20/4, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng, mặc dù thừa nhận, thời gian qua dư luận có nhiều ý kiến trái chiều về dự thảo Luật Thuế Tài sản, nhưng khẳng định dự luật này được đề xuất trên cơ sở chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ.
Bọ trưởng Đinh Tiến Dũng
Bọ trưởng Đinh Tiến Dũng

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định, tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các cơ quan, tổ chức, đặc biệt là ý kiến của đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của chính sách, tham khảo kinh nghiệm nước ngoài, đánh giá tác động của từng chính sách trong đề nghị xây dựng luật theo đúng quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật để hoàn thiện đề án luật thuế tài sản”.

Tuy nhiên, ông Dũng cũng thừa nhận rằng, trong bối cảnh cắt giảm thuế quan theo lộ trình hội nhập, cộng thêm giá dầu giảm sâu trong thời gian qua thì một trong những vấn đề phải làm là mở rộng nguồn thu.

Bộ trưởng Tài chính: dự thảo Luật Thuế Tài sản có nhiều ý kiến trái chiều ảnh 1
Bộ Tài chính đã nêu 2 phương án lấy ngưỡng không chịu thuế là 700 triệu đồng hoặc lấy ngưỡng không chịu thuế là 1 tỷ đồng.

Như VietTimes đã phản ánh, Điều rất đang tiếc là dự thảo luật này, cũng như nhiều dự thảo thuế khác hoàn toàn lờ đi yêu cầu rất quan trọng về chi tiêu chặt chẽ hơn, cơ cấu lại nguồn chi của Bộ Chính trị.

Nhìn tỷ lệ chi hiện nay không khỏi giật mình. Trong quý 1 năm nay, chi thường xuyên đã phình đến mức đáng lo ngại là 75,6% tổng chi ngân sách, còn chi đầu tư phát triển đã co lại, chỉ chiếm 14,2% tổng chi ngân sách.

Bên cạnh đó, theo tính toán của Ngân hàng Thế giới, chi đầu tư bị cắt giảm khá nhanh - từ 9,1% GDP trung bình trong giai đoạn 2011 - 2016 xuống còn khoảng 7,8% GDP năm 2017. Định chế này cho biết, cách tiếp cận này có thể không hoàn toàn được coi là bền vững về lâu dài vì Việt Nam vẫn rất cần đầu tư đáng kể cho hạ tầng để hỗ trợ tăng trưởng trong tương lai.

Không thể kéo mãi tình trạng chi cho đầu tư ngày càng teo lại, chi thường xuyên ngày càng phình to như thế này.

Cũng tại cuộc gặp báo chí này, Bộ trưởng Dũng nêu lên một số giải pháp nhằm tiết kiệm chi ngân sách, đặc biệt là giảm chi thường xuyên. Bộ trưởng khẳng định, thời gian qua, các cơ quan đã thực hiện tiết kiệm các khoản chi cho hội nghị, hội thảo, lễ hội và một số nơi đã thực hiện khoán xe công,...

Thời gian tới, Bộ trưởng Dũng khẳng định, vấn đề cần thực hiện là tinh giản bộ máy, giảm biên chế, đẩy mạnh xã hội hóa đơn vị công lập. Tuy vậy, Bộ trưởng cũng cho rằng, để làm được như vậy, các ngành, các cấp phải có sự vào cuộc.

Nói riêng về Bộ Tài chính, Bộ trưởng cho biết, 2 năm qua bộ đã thực hiện thí điểm khoán xe công. Kết quả theo ông là tốt. Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đang trình Chính phủ trong 15 nghị định, trong đó có 1 nghị định về xe công.

Bộ trưởng tiết lộ, cơ quan này đang rà soát, sắp xếp lại cơ quan thuộc Kho bạc Nhà nước, năm nay sẽ giải thể, sáp nhập 43 phòng giao dịch kho bạc các tỉnh, thành phố.

Với hệ thống thuế, Bộ trưởng cho biết, năm 2018, cơ quan chức năng sẽ sắp xếp từ 327 chi cục thuế quận, huyện, thị xã còn 154 chi cục. Năm 2019, ngành sẽ tiếp tục sắp xếp 53 chi cục quận, huyện thành còn 25 chi cục. Năm 2020, sắp xếp 168 chi cục thuế quận, huyện thành còn 78 chi cục, giảm 90 chi cục.

Trước đó, ngày 13/4, Bộ Tài chính đã tổ chức họp báo về dự án Luật thuế tài sản trong đó có dự kiến thu thuế tài sản với đất, nhà ở, tàu bay, du thuyền, ôtô.

Riêng với nhà ở, Bộ Tài chính đã nêu 2 phương án lấy ngưỡng không chịu thuế là 700 triệu đồng hoặc lấy ngưỡng không chịu thuế là 1 tỷ đồng.

Hai phương án thuế suất thuế được tính đến là áp dụng mức thuế suất thuế tài sản chung là 0,3% hoặc 0,4%.

Ngày 13/4/2018, ngay sau khi Bộ Tài chính tổ chức họp báo và có công văn gửi các cơ quan, tổ chức ở Trung ương và địa phương, đồng thời gửi đăng trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ Tài chính và Cổng Thông tin điện tử Chính phủ xin ý kiến về đề nghị xây dựng dự án Luật thuế tài sản, trong đó dự kiến thu thuế tài sản đối với đất ở, đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp và nhà ở, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã yêu cầu Bộ Tài chính công khai quy trình nói trên; đồng thời phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền trong quá trình đề xuất chính sách, xây dựng các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật nói chung, dự án Luật này nói riêng, tạo sự đồng thuận trong xã hội.