Kiểm soát chặt một số mặt hàng thép nhập khẩu
Theo Bộ Tài chính, chính sách và thủ tục thông quan đối với mặt hàng thép nhập khẩu, do mức thuế quy định tại Biểu thuế ưu đãi và các Biểu thuế ưu đãi đặc biệt có sự chênh lệch về mức thuế nên phát sinh gian lận về xuất xứ và khai báo mã HS.
Theo kiến nghị của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) tháng 10/2015, trong 9 tháng đầu năm 2015, các doanh nghiệp Trung Quốc đã gian lận nhằm trốn thuế, đưa gần 1 triệu tấn phôi thép Trung Quốc “đội lốt” hợp kim vào Việt nam và đề nghị tăng cường kiểm tra, quản lý đối với mặt hàng phôi thép nhập khẩu từ Trung Quốc.
Xuất phát từ lý do trên, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành kiểm soát việc nhập khẩu thép theo quy định tại Thông tư liên tịch 44/2013/TTLT-BCT-BKHCN, kiểm tra kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm hành vi nhập khẩu, sử dụng không đúng mục tiêu đã đăng ký và không đảm bảo chất lượng khi đưa vào các công trình xây dựng, đề xuất các giải pháp trước mắt và lâu dài (về hàng rào kỹ thuật, hành chính) để quản lý chặt chẽ, ngăn ngừa các hành vi gian lận trong việc nhập khẩu thép và phôi thép.
Riêng về thủ tục hải quan đối với mặt hàng thép nhập khẩu, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) áp dụng phân luồng kiểm tra chi tiết hồ sơ đối với các mặt hàng thép thuộc diện quản lý chuyên ngành và quản lý thuế như kiểm tra chất lượng theo Thông tư 44; giấy phép nhập khẩu tự động theo Thông tư 12/2015/TT-BCT; thép làm cốt bê tông kiểm tra chất lượng theo Quy chuẩn Việt Nam tại Thông tư 21/2011/TT-BKHCN, mặt hàng thép có form C/O thuộc diện hưởng thuế ưu đãi...
Đồng thời, kiểm tra thực tế hàng hóa (100%) đối với các mặt hàng xuất xứ Trung Quốc thuộc diện trong nước đã sản xuất được; kiểm tra thực tế hàng hóa 100% và lấy mẫu phân tích đối với các mặt hàng thép Trung Quốc (trong nước chưa sản xuất được) để xác định đúng bản chất hàng hóa xác định mã số chính xác, mặt hàng thuộc diện áp dụng biện pháp chống phá giá và mặt hàng thép hợp kim chứa Bo (Boron) có nguy cơ gian lận cao.
Bộ Tài chính khẳng định việc tăng cường kiểm tra chặt chẽ đối với một số mặt hàng thép nhập khẩu chính là biện pháp phi thuế quan nhằm hạn chế nhập khẩu, bảo hộ sản xuất trong nước khi mức thuế nhập khẩu giảm theo lộ trình còn 0% theo các cam kết đã ký.
Liên quan đến vướng mắc về ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với nhà máy tại Cần Thơ của Công ty TNHH Nước Giải khát Suntory Pepsico Việt Nam, Bộ Tài chính cho biết đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu và trả lời Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ và Công ty TNHH Nước Giải khát Suntory Pepsico Việt Nam theo quy định tại văn bản quy phạm pháp luật về thuế.
Tuy nhiên, công ty vẫn tiếp tục kiến nghị đề nghị được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp như giấy chứng nhận đầu tư do Ban Quản lý các Khu chế xuất và Công nghiệp Cần Thơ cấp thì Bộ Tài chính phải phối hợp với các bộ để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định theo đúng thẩm quyền và quy định pháp luật.
Rà soát, kết nối một cửa quốc gia theo đúng lộ trình
Đại diện Bộ Tài chính cũng cho biết, Cơ chế một cửa quốc gia được Thủ tướng Chính phủ giao Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) chủ trì và được chính thức triển khai từ cuối năm 2014 và tới thời điểm hiện tại đã có 9 bộ, ngành tham gia kết nối.
Trong đó, thủ tục hải quan đã được thực hiện hoàn toàn bằng phương thức điện tử trên phạm vi toàn quốc, trừ một số trường hợp đặc thù (chiếm tỷ lệ không quá 2% trên tổng số các lô hàng xuất khẩu/nhập khẩu). Việc xử lý hồ sơ và thực hiện các thủ tục hành chính khác (như kiểm tra/kiểm nghiệm hàng hóa, phương tiện) theo quy định quản lý chuyên ngành do các Bộ, ngành chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện và kết quả đó được kết nối (online) với một cửa Quốc gia.
Kết quả thực hiện đến nay, về mặt số lượng, các thủ tục hành chính đã kết nối Cơ chế một cửa quốc gia mới đạt gần 30% so với tổng số thủ tục hành chính. Trong lĩnh vực quản lý hàng hóa xuất khẩu/nhập khẩu/quá cảnh, đối với các Bộ, ngành đã kết nối, tạm đánh giá, Bộ triển khai nhiều thủ tục nhất (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - 8 thủ tục) đạt khoảng 40% trên số lượng các thủ tục do Bộ chủ quản cần phải đưa lên Cơ chế một cửa quốc gia.
Đối với các thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực giao thông vận tải hiện mới chỉ triển khai cho tàu biển đối với 8/25 cảng vụ hàng hải, việc triển khai cho tàu thuyền Việt Nam hoạt động nội địa vào/ra cảng biển mới chính thức triển khai từ 1/3/2016. Cho đến nay, thủ tục đối với tàu thuyền ra/vào cảng thủy nội địa; thủ tục cho phương tiện vận tải và hàng hóa chuyên chở trên phương tiện vận tải xuất cảnh/nhập cảnh/quá cảnh qua đường bộ, đường hàng không, đường sắt; thủ tục cấp phép cho phương tiện vận tải quá cảnh theo hiệp định quá cảnh hàng hóa giữa Việt Nam và một số nước láng giềng có chung biên giới đường bộ (Ví dụ: Lào, Campuchia) vẫn chưa được chính thức triển khai trên Cơ chế một cửa quốc gia.
Để tiếp tục triển khai Cơ chế một cửa quốc gia đáp ứng yêu cầu, Bộ tài chính (Tổng cục Hải quan) đang phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng Kế hoạch tổng thể triển khai Cơ chế một cửa quốc gia giai đoạn 2016 – 2020 với mục tiêu đến năm 2018 tất cả các thủ tục hành chính liên quan trực tiếp đến hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh của các Bộ, ngành phải được thực hiện thông qua cổng thông tin một cửa quốc gia ở cấp độ 4.
Song song với đó, theo đề nghị của Bộ Tài chính, ngày 17/11/2015,Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2026/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu”, trong đó yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ quản lý chuyên ngành hàng hóa xuất nhập khẩu phải rà soát sửa đổi, bổ sung 87 văn bản quy phạm pháp luật, các quy định liên quan đến quản lý chuyên ngành, yêu cầu quy định rõ về thời gian tiếp nhận hồ sơ, thời gian kiểm tra chuyên ngành, thời gian trả lời kết quả, đẩy mạnh ứng dụng việc trao đổi thông tin dữ liệu điện tử trong lĩnh vực kiểm tra chuyên ngành để rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa.
Quyết định của Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành phải rà soát, rút gọn danh mục mặt hàng nhập khẩu cần phải kiểm tra tại cửa khẩu và những mặt hàng nhập khẩu kiểm tra trước khi đưa vào lưu thông trên thị trường theo hướng đẩy mạnh sang kiểm tra sau thông quan, giảm áp lực lưu kho bãi và thời gian hàng hóa tại cửa khẩu.
Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành triển khai khẩn trương việc rà soát, cải cách thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực mình phụ trách, kết nối vào cổng thông tin một cửa quốc gia theo đúng lộ trình đưa ra.
Theo TTXVN