Tự vệ tạm thời
Ngày 7/3/2015, Bộ trưởng Bộ Công thương đã chính thức áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời đối với mặt hàng phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam từ các nước với mã HS:7207.11.00; 7207.19.00, 7207.20.29; 7207.20.99; 7224.90.00; 7213.10.00; 7213.91.20; 7214.20.31; 7214.20.41; 7227.90.00; 7228.30.10; 9811.00.00.
Theo đó, mức thuế tự vệ tạm thời đối với phôi thép là 23,3% dưới dạng thuế nhập khẩu bổ sung được áp dụng cho hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam với mặt hàng sắt hoặc thép không hợp kim ở dạng bán thành phẩm (mã 7207), cụ thể với mã 7207.11.00 mặt cắt ngang hình chữ nhật (kể cả hình vuông) có chiều rộng nhỏ hơn hai lần chiều dày (trước đó thuế áp dụng là 9%); 7207.19.00; với mặt hàng 7207.20 có hàm lượng carbon từ 0,25% trở lên tính theo trọng lượng; 7224 thép hợp kim khác ở dạng thỏi đúc hoặc dạng thô, các bán thành phẩm bằng thép hợp kim cũng bị áp dụng thuế tự vệ 23,3%.
Đối với thép dài, mức thuế tự vệ tạm thời là 14,2% dưới dạng thuế nhập khẩu bổ sung. Áp dụng cho sắt hoặc thép không hợp kim, dạng thanh và que, dạng cuộn cuốn không đều, được cán nóng (HS 7213); sắt hoặc thép không hợp kim ở dạng thanh và que khác chưa được gia công quá mức rèn, cán nóng, kéo nóng hoặc ép đùn nóng, nhưng kể cả những dạng này được xoắn sau khi cán (HS 7214); các dạng thanh và que, của thép hợp kim khác, được cán nóng, dạng cuộn không đều (HS 7227), các dạng thanh và que khác bằng thép hợp kim khác, các dạng góc khuôn và hình bằng thép hợp kim khác, thanh và que rỗng bằng thép hợp kim hoặc không hợp kim (7228). Đặc biệt, thép hợp kim có chứa nguyên tố Bo và/hoặc Crom trừ chủng loại thép cán phẳng được cán nóng (HS 9811.00.00) trước đây được áp thuế 0% giờ bị áp thuế tự vệ 14,2%.
Văn bản của Bộ Công thương quy định áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời với hàng hóa nhập khẩu từ tất cả các quốc gia/vùng lãnh thổ khác nhau, ngoại trừ các nước đang phát triển và kém phát triển có lượng xuất khẩu vào Việt Nam không quá 3% tổng lượng nhập khẩu của Việt Nam từ tất cả cá quốc gia/vùng lãnh thổ. Để miễn trừ thuế tự vệ tạm thời, khi nhập khẩu hàng hóa phải cung cấp cho hải quan giấy chứng nhận xuất xứ và giấy chứng nhận chất lượng hàng hóa.
Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký, tức là sẽ áp dụng kể từ ngày 22/3/2016, áp dụng trong khoảng thời gian không vượt quá 200 ngày tức là đến hết ngày 7/10/2016.
Biện pháp tự vệ tạm thời sẽ chấm dứt hiệu lực trong trường hợp Bộ Công thương ra quyết định áp dụng biện pháp tự vệ chính thức.
Trong trường hợp quyết định cuối cùng của Bộ trưởng Bộ Công thương cho thấy việc thi hành biện pháp tự vệ tạm thời là chưa cần thiết hoặc mức thuế tự vệ cuối cùng thấp hơn mức thuế tự vệ tạm thời đã áp dụng thì khoản chênh lệch thuế đó sẽ được hoàn trả cho người nộp thuế theo quy định của pháp luật.
Trước đó, Bộ Công thương đã ra quyết định điều tra áp dụng biện pháp tự vệ với thép hợp kim và phôi thép nhập khẩu. Với kết quả điều tra trong năm 2015 giá bán hàng nhập khẩu giảm nhanh và mạnh gần 30% gây sức ép lớn tới giá bán của hàng hóa trong nước, doanh nghiệp sản xuất trong nước không có lãi, đối với thép dài, mức giảm của hàng hóa nhập khẩu là hơn 20% trong năm 2015.
“Lời kêu cứu” của Hòa Phát
Quyết định áp dụng các biện pháp tự vệ tạm thời của Bộ Công thương nhiều khả năng có liên quan đến công văn “cầu cứu” số 43/2016/THP mà CTCP Thép Hòa Phát đã gửi lên Chính phủ ngày 18/02/2016.
Theo đó, căn cứ trên thống kê của Tổng cục Hải quan, Thép Hòa Phát cho biết “phôi thép trong tháng 01/2016 đã nhập khẩu ồ ạt và gia tăng với tốc độ, cường độ mạnh”.
Công ty đang nắm giữ 23% thị phần thép Việt Nam dẫn chứng rằng, tháng 1/2016, lượng phôi thép nhập khẩu tháng 01/2016 là 326.000 tấn, bằng 1/6 tổng lượng phôi thép nhập khẩu năm 2015 và tăng 220% so với cùng kỳ năm 2015.
Còn trước đó, tính trong cả năm 2015, lượng nhập khẩu phôi thép là 1,9 triệu tấn, tăng hơn 300% so với năm 2015.
Theo CTCP Thép Hòa Phát, dự kiến nếu phôi thép tiếp tục được nhập khẩu với tốc độ này, lượng nhập cả năm 2016 vào Việt Nam sẽ không đưới 4 triệu tấn, bằng 70% lượng phôi trong nước sản xuất năm 2015.
“Với lượng nhập khẩu quá lớn, ngành sản xuất thép Việt Nam chắc chắn không thể trụ vững và gặp rất nhiều khó khăn, nguy cơ quay trở lại 10 năm trước, phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn phôi xuất khẩu”, Thép Hòa Phát lo lắng.
Kịch bản trên, theo Thép Hòa Phát, là trái với chủ trương của Chính Phủ tại Quyết định số 55/2007/QĐ-TTg coi ngành sản xuất phôi thép là ngành công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của ngành công nghiệp thép Việt Nam, đến đời sống của hàng chục vạn cán bố công nhân viên ngành thép và kéo theo nhiều hậu quả khác.
“Chúng tôi tha thiết kính mong Thủ tướng chỉ đạo các Bộ ngành, có biện pháp cấp thiết giảm lượng phôi thép nhập khẩu, cứu ngành sản xuất phôi thép trong nước, duy trì ổn định ngành thép Việt nam, đảm bảo ổn định đời sống cho người lao động”, CTCP Thép Hòa Phát kiến nghị.
Văn bản “cầu cứu” trên của Thép Hòa Phát, theo tài liệu mà VietTimes thu thập được, có số công văn đến Tổng cục Hải quan vào ngày 23/02/2016.
Tuy nhiên, Thép Hòa Phát cũng không phải là đơn vị đầu tiên lên tiếng về mối nguy từ phôi thép nhập khẩu
Trước đó, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII, đoàn đại biểu Lào Cai đã đề nghị có biện pháp phối hợp, kiểm tra chống bán phá giá và phòng vệ thương mại, loại bỏ những hành vi gian lận thương mại trong việc nhập khẩu phôi thép để bảo vệ sản xuất trong nước; xây dựng hàng rào kỹ thuật nhằm ngăn chặn hiệu quả việc nhập khẩu phôi thép không đúng theo đăng ký; truy xuất thuế và xử phạt hành vi gian lận để bảo vệ các đơn vị sản xuất trong nước.
Hữu Vinh