Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục đứng cuối bảng cải cách hành chính

VietTimes – Đây là năm thứ 2 liên tiếp Bộ Giao thông Vận tải đứng cuối bảng xếp hạng chỉ số cải cách hành chính trong 17 bộ, cơ quan ngang bộ.
Cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ. Ảnh: Internet
Cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ. Ảnh: Internet

Theo tờ VNE, sáng 19/5, Ban chỉ đạo cải cách hành chính (PAR INDEX) Chính phủ công bố kết quả trên. Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạt 80% (thang điểm từ 0% đến 100%), thấp hơn mức trung bình của năm 2019 là 85%.

Trước đó, các năm 2017, 2018, Bộ Giao thông Vận tải cũng đứng cuối bảng xếp hạng 

Đây cũng là năm thứ 2, Bộ Y tế, Thông tin Truyền thông liên tiếp nằm trong nhóm cuối bảng (xếp hạng lần lượt thứ 16 và 15).

Nhóm cơ quan có PAR INDEX cao nhất là Ngân hàng Nhà nước; Bộ Tài chính; Tư pháp; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn...

Ở cấp địa phương, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục dẫn đầu cả nước trong bảng xếp hạng, tiếp đến là Hà Nội, Đồng Tháp, Hải Phòng.

Tỉnh Quảng Ninh dẫn đầu cả nước về sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp về phục vụ hành chính (SIPAS) năm 2019. Nhóm các địa phương tiếp theo là Hải Phòng, Cà Mau, Hưng Yên, Hải Dương, Sơn La, Trà Vinh. Nhóm thấp nhất gồm Bình Thuận, Đăk Lăk, Cao Bằng, Nam Định.

PAR INDEX 2019 là kết quả điều tra xã hội học dựa trên 20.000 phiếu để cán bộ trong các cơ quan nhà nước tự đánh giá và 36.000 phiếu khảo sát người dân, doanh nghiệp.

SIPAS được đo lường ở 16 lĩnh vực dịch vụ công cấp tỉnh, huyện, xã, như: cấp giấp chứng nhận quyền sử dụng đất, môi trường, lái xe, vận tải, xây dựng, chăn nuôi... 

Năm 2019, gần 85% người dân, doanh nghiệp được khảo sát bày tỏ hài lòng về sự phục vụ của cơ quan nhà nước. Tỷ lệ không hài lòng ngày càng giảm, trong đó chỉ 5,4% người dân phải đi lại từ nhiều lần; 1,4% bị gây phiền hà, sách nhiễu; 0,5% bị công chức gợi ý nộp thêm tiền ngoài quy định. 

Tuy nhiên, tất cả tỉnh, thành đều xảy ra tình trạng người dân, tổ chức phải đi lại nhiều lần; 62 tỉnh trễ hẹn trả kết quả dịch vụ công và không xin lỗi.