Cuộc sống ở "vùng xanh" thuộc phường An Phú (Khu vực 1 (Q.2 cũ), TP. Thủ Đức, TP.HCM) im lìm đã nhiều tháng nay. Ảnh: GVT. |
Con số thống kê mới nhất cho thấy, TP.HCM có 7.330 người lây nhiễm mới vào ngày 7/9/2021, 253 bệnh nhân tử vong. Toàn thành phố đã kết thúc thời hạn “trận đánh lớn cuối cùng” (23/8/2021-6/9/2021) với bao ngổn ngang.
Theo văn bản số 2718/UBND-VX do nguyên Chủ tịch Nguyễn Thành Phong ký ngày 15/8/2021, TP.HCM sẽ tiếp tục kéo dài thời hạn áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg đến hết ngày 15/9/2021.
Cạn kiệt ở “vùng xanh”
Anh Trương Văn Hồng (SN 1968), chủ một tiệm rửa xe trên đường số 4 (phường An Phú, Khu vực 1, TP. Thủ Đức, TP.HCM) chiều muộn ngày 7/9 lúi húi quét đám lá rơi kín khu vực trước cửa tiệm, đưa tay áo lau mồ hôi khi cơn mưa nặng hạt đang kéo về, lắc đầu ngán ngẩm khi chúng tôi hỏi về tình hình kinh doanh: “Cạn kiệt lực rồi. Giỏi lắm tôi duy trì được hết tháng này nữa thôi”.
Tiệm rửa xe của anh gần như là tiệm đầu tiêm chăm sóc xe hơi, xe máy hình thành lên ở khu vực này nhiều năm trước. Vốn đầu tư hàng trăm triệu đồng, trước khi làn sóng thứ 4 của dịch Covid-19 tràn tới từ 27/4, tiệm rửa xe Tấn Phát duy trì thường xuyên 3 nhân viên, mỗi ngày hoạt động hết công suất cũng có trên dưới 20 xe ra vào, mỗi chiếc xe thu 100.000 - 120.000 tiền chăm sóc, hút bụi…, cấn trừ chi phí thì vẫn có thể lấy công làm lãi.
Anh Trương Văn Hồng (SN 1968), chủ một tiệm rửa xe trên đường số 4 (phường An Phú, Khu vực 1, TP. Thủ Đức, TP.HCM) chiều ngày 7/9 than: "Cạn lực rồi", sau nhiều tháng bị giãn cách xã hội liên tục. |
Tuy nhiên, từ 31/5, từ khi TP.HCM tiến hành giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, tình hình kinh doanh đã bắt đầu ngưng trệ. Tiệm duy trì số nhân viên tới hết tháng 6/2021 thì lần lượt 2 nhân viên xin nghỉ để về quê. Chỉ còn anh Hồng và một nhân viên tên Út quê ở Trà Vinh bám trụ lại, vừa cố gắng duy trì, vừa chăm sóc nhà xưởng.
Tuy nhiên, tới 9/7/2021, khi TP.HCM bắt đầu tiến hành giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, và kéo dài tới nay (8/9/2021), trong đó có khoảng thời gian 15 ngày áp dụng các biện pháp siết chặt cho “trận đánh lớn cuối cùng” (23/8-6/9) thì anh Trương Văn Hồng buộc phải kéo cửa nghỉ hẳn.
Chi phí thuê mặt bằng 18 triệu mỗi tháng, chi phí lương nhân viên, chi phí sinh hoạt lẫn chi phí khấu hao vẫn phải chi ra mỗi ngày, chưa được miễn giảm đồng nào.
Suốt hơn 3 tháng trời thu nhập “về mo” và tới nay là thu nhập về âm, anh Hồng vài hôm lại phải chạy qua tiệm làm ăn của mình trực tiếp dọn dẹp rác rưởi, khởi động thiết bị để chống rỉ sét, và nổ máy mấy chiếc xe của khách gửi lại vì bị kẹt, không thể ra đường.
Chốt canh gác người và phương tiện tại điểm giao đường Nguyễn Hoàng - đường Song Hành lúc mới lập "vùng xanh", nay cũng đã được rào kín, thực hiện "phong toả cứng". Ảnh: GVT. |
Khi chúng tôi thắc mắc là tại sao phải đóng cửa tiệm, bởi các ngành kinh doanh sản xuất như tiệm sửa, chăm sóc ô tô, xe máy đâu có trong danh sách cần dừng hoạt động, anh Hồng ngao ngán thêm: “Không đóng cửa thì mở cũng có khách hàng đâu anh. Làm gì có ai ra đường đâu mà rửa xe?”
Ngày 31/8, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan ký công văn yêu cầu chủ tịch UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện hỗ trợ cho lao động có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch, hoàn tất trước ngày 6/9.
Sở LĐ-TB và XH có trách nhiệm hướng dẫn các quận, huyện và TP Thủ Đức báo cáo và là cơ quan đầu mối tổng hợp báo cáo kết quả cho UBND TP trước ngày 10/9.
UBND TP cũng giao UBND quận, huyện và TP Thủ Đức khẩn trương chỉ đạo rà soát địa bàn, nắm chắc đời sống người dân và các nguồn vận động hợp pháp của địa phương. Chủ động xây dựng phương án chăm lo đời sống người dân sau ngày 15/9.
Tất cả các đường giao thông dẫn vào các khu vực "vùng xanh" đều được rào kín, chỉ để một lối ra - vào theo chỉ đạo của UBND TP.HCM. Ảnh: GVT. |
Trước đó, ngày 22/8, UBND TP.HCM ban hành công văn khẩn số 2799, chấp thuận bổ sung số hộ lao động nghèo đang sinh sống trong các khu nhà trọ, khu lưu trú công nhân, khu vực lao động nghèo, xóm nghèo, khu vực bị phong tỏa và lao động tự do (không có giao kết hợp đồng lao động) đang gặp khó khăn do dịch COVID-19 trên địa bàn TP để hỗ trợ.
Dự kiến bổ sung hơn 1 triệu hộ với hơn 1.572 tỉ đồng.
Mức hỗ trợ trực tiếp 1 lần với 1,5 triệu đồng/hộ, trong đó ngân sách TP hỗ trợ 1 triệu đồng, và vận động xã hội hóa của UBMTTQ Việt Nam TP trị giá 500.000 đồng (gồm 200.000 đồng tiền mặt và quà tặng trị giá 300.000 đồng).
Sau đó, ngày 25/8, UBND TP ban hành công văn khẩn số 2876 điều chỉnh tên gọi cụm từ "hộ lao động nghèo" thành "hộ lao động có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19".
Ở các "vùng xanh" tại TP.HCM hiện nay, nhân viên điện lực và viễn thông thuộc một trong những nhóm đối tượng được ưu tiên di chuyển để làm việc. Họ phải mang theo đồ ăn, thức uống mỗi khi ra đường đã nhiều tháng nay. Ảnh: GVT. |
UBND TP giao chủ tịch UBND quận, huyện và TP Thủ Đức nhanh chóng thực hiện chi hỗ trợ cho các hộ lao động có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch trước ngày 30/8.
Ngày 26/8, UBND TP có văn bản số 2889, trong đó quyết định các hộ dân đã được hỗ trợ 300.000 đồng bằng quà thì tiếp tục được hỗ trợ 1,2 triệu đồng/hộ dân bằng tiền mặt. Đối với các trường hợp chưa hỗ trợ thì hỗ trợ 1,5 triệu đồng/hộ dân bằng tiền mặt.
Các khu chung cư ở khu vực "vùng xanh" cũng được gắn thông báo "chốt bảo vệ vùng xanh" để nhấn mạnh một lần nữa. Ảnh: GVT. |
Khi đề cập đến các công văn hỗ trợ của TP.HCM được ban hành liên tiếp vừa qua, anh Hồng lắc đầu cho hay: “Nhân viên của tui đang thất nghiệp nằm dài trong tiệm 3 tháng nay kìa. Có thấy ai tới hỏi han hỗ trợ gì đâu? Mà tui thuộc hộ kinh doanh gặp khó khăn do khách quan bởi dịch họa, tuân thủ đủ các quyết định chống dịch của thành phố và vẫn phải đóng thuế đủ hàng tháng. Đến nay chưa thấy tiền hỗ trợ”.
Khu vực tiệm sửa xe của anh Trương Văn Hồng nằm lọt thỏm trong “vùng xanh” thuộc phường An Phú, khu vực bị kéo rào kẽm và rào cứng ngăn chặn mọi ngả vào từ đường Lương Định Của ra tới đường Trần Não, phong toả kín đường Song Hành kéo ra tới điểm giao với đường Nguyễn Hoàng, chỉ để một lối vào duy nhất là phải đi vòng ra đường Mai Chí Thọ rồi bắt theo đường Lương Định Của tới điểm giao với Nguyễn Hoàng, ngay trước cửa UBND phường An Phú thì có chốt chặn trực 24/24 kiểm soát chặt người lạ vào ra.
"Các đường phụ, lối nhỏ, hẻm ra - vào khu vực thuộc vùng xanh” đều phải “phong tỏa cứng”, không cho ra - vào kể cả người và phương tiện" là chỉ đạo của UBND TP.HCM khi thiết lập các "vùng xanh". Ảnh: GVT. |
Theo quyết định 2696/UBND-VX ngày 12/8 do Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Ngô Minh Châu ký về việc hướng dẫn thiết lập “vùng xanh”, thì: “Mỗi khu vực trong “vùng xanh” phải đảm bảo các điều kiện: quy định điều kiện an toàn phòng, chống dịch ở mức cao nhất; quy định đối tượng ra vào khu vực; quy định quyền và trách nhiệm của người dân phải chấp hành yêu cầu, thông báo của lực lượng thi hành công vụ.
Không được chứa chấp, cho lưu trú đối với người từ bên ngoài vào “vùng xanh”; những đối tượng cấm vào khu vực (người không có trách nhiệm, shipper công nghệ...).
… Các đường phụ, lối nhỏ, hẻm ra - vào khu vực thuộc vùng xanh” đều phải “phong tỏa cứng”, không cho ra - vào kể cả người và phương tiện.
… Cán bộ, công nhân viên chức, lực lượng vũ trang, phóng viên có nơi cư trú trong “vùng xanh” được đi làm bình thường, khi về phải khai báo y tế và áp dụng các biện pháp cách ly như trường hợp F1 cách ly tại nhà; quá trình sinh hoạt, hạn chế tiếp xúc người thân trong gia đình và người xung quanh, bố trí phòng sinh hoạt riêng.
Các trường hợp làm việc tại khu vực phong tỏa, khu cách ly phải có kết quả xét nghiệm âm tính và có thời gian cách ly tập trung bên ngoài theo quy định của cơ quan y tế trước khi vào “vùng xanh”.
Nhiều lối đi lại nội bộ trong khu vực "vùng xanh" thuộc phường An Phú (Q.2 cũ) cũng được rào kín bằng dây kẽm gai. Ảnh: GVT. |
Việc phong toả “vùng xanh” được bảo vệ nghiêm ngặt như vậy, đặc biệt trong thời gian từ 23/8- 6/9 để thành phố thực hiện “trận đánh lớn cuối cùng”. Anh Trương Văn Hồng cũng đã háo hức trông chờ kết quả trận đánh suốt 15 ngày qua với hy vọng sớm tái khởi động lại cơ sở kinh doanh, nhưng đến chiều ngày 7/9 thì đang tiếp tục mướt mồ hôi đi dọn rác để… đóng cửa tiệm tiếp tới 15/9.
Mòn mỏi chờ đợi
Anh Hoàng Trung Hải (SN 1986) lại là một chủ tiệm gara trên đường Đỗ Xuân Hợp, vốn dĩ có 12 nhân viên hoạt động thường xuyên, trung bình mỗi nhân viên hưởng lương trên dưới 10 triệu đồng/ tháng chưa kể chi phí bao ăn, ở.
Anh Hải thì phải chi phí lớn hơn nhiều: 45 triệu tiền thuê mặt bằng/ tháng; lương, thưởng: 120 triệu/ tháng; chi phí khác: 25 triệu/ tháng. Từ tháng 6/2021, với yêu cầu giãn cách, anh Hải phải giảm tải số lượng nhân viên hoạt động theo hình thức chia ca, bởi không để tụ tập quá đông người trong một không gian hẹp.
Anh Hoàng Trung Hải (SN 1986) là một chủ tiệm gara trên đường Đỗ Xuân Hợp (TP. Thủ Đức) bạc cả tóc nhiều tháng nay mà không thấy lối ra khi giãn cách kéo dài gây ảnh hưởng tới việc kinh doanh. Ảnh: GVT. |
Tới 9/7, Hải vẫn cố duy trì cầm cự theo hình thức đó, mỗi ngày 6 nhân viên đi làm, 6 người nghỉ nhưng lương thưởng vẫn nhận đủ.
Cầm cự qua đợt giãn cách nghiêm ngặt thứ hai của thành phố hết tháng 7/2021, rồi tới đầu tháng 8/2021, khi có công văn 2556 yêu cầu giãn cách tiếp 14 ngày (từ 0h ngày 2/8) để “kiểm soát nghiêm ngặt và thực hiện ngay các biện pháp hỗ trợ cần thiết về đời sống, y tế để người dân TPHCM an tâm “ai ở đâu ở đấy".
Tuyệt đối không để người dân di chuyển khỏi Thành phố cho tới khi hết thời gian giãn cách, trừ những trường hợp được UBND TPHCM phối hợp với các tỉnh, thành đưa về quê theo nhu cầu” thì anh Hải đóng cửa ga ra, nghỉ hẳn.
Lực lượng công an và quân đội phối hợp kiểm soát chặt chẽ giấy tờ của người ra đường trong thời gian tăng cường giãn cách xã hội (23/8-6/9/2021) để thực hiện "trận đánh lớn cuối cùng" trên đường Nguyễn Duy Trinh (TP. Thủ Đức) từ sáng sớm mỗi ngày. Ảnh: GVT. |
Cho tới ngày 7/9/2021, số tiền hỗ trợ duy nhất anh Hải nhận được là lời hứa giảm mỗi tháng vài triệu đồng tiền thuê mặt bằng của chủ đất mà anh Hải ký hợp đồng dài hạn.
Tất cả nhân viên của Hải không thể ra đường đi làm, nên dù không đóng cửa thì anh cũng không có cách nào xoay xở được bởi các mệnh lệnh hạn chế phương tiện ra đường và thời gian giãn cách nghiêm ngặt kéo dài liên tục bởi các quyết định liên tiếp nhau của thành phố.
“Trong gara còn 7 cái xe đang nằm phủ bụi, phải duy trì nhân viên ở lại trực trông coi tài sản cho khách lẫn tài sản cho công ty. Nhân viên của tui ngồi chơi không mấy tháng nay rồi. Xe cần sửa thì nhiều nhưng thiết bị thay thế thì không đi mua được, mà đầu mối cung cấp thiết bị cũng không thể giao hàng tới gara bởi ra đường là họ bị phạt. Cả một chuỗi cung ứng đã bị đứt gãy, khiến công ty tôi mỗi tháng thiệt hại cả trăm triệu đồng”, anh Hoàng Trung Hải xoa đầu bứt tai khi thuật lại những khó khăn của doanh nghiệp mình khi không tìm được lối ra.
Dây kẽm gai đã được giăng kín từ ngày 1/8/2021 tại đường Cao Đức Lân giao với đường Lương Định (khu vực 1, TP. Thủ Đức) của để chuẩn bị thiết lập "vùng xanh". Ảnh: GVT. |
Số liệu kinh tế - xã hội tháng 8 vừa được Tổng cục Thống kê công bố cho biết, số lượng doanh nghiệp rời khỏi thị trường đã vượt số thành lập mới. Theo đó, tính chung 8 tháng, cả nước có 81.600 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới nhưng có 85.500 doanh nghiệp rời khỏi thị trường.
Trong số rời khỏi thị trường, 43.200 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn (tăng 25,9%), hơn 30.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể (tăng 24,5%) và 12.200 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể (tăng 17,8%).
Trung bình mỗi tháng có gần 10.700 doanh nghiệp rút khỏi thị trường.
Lối ra vào duy nhất hiện nay ở khu vực "vùng xanh" chốt chặn tại đường Vũ Tông Phan thuộc phường An Phú (Q.2 cũ, TP.HCM). Ảnh: GVT. |
Trong đó, riêng TP HCM có 24.000 doanh nghiệp rời khỏi thị trường tính từ đầu năm, chiếm 28,1% và tăng 6,6% so với cùng kỳ.
"Sự bùng phát mạnh của làn sóng COVID-19 lần thứ tư cùng với các đợt giãn cách liên tiếp đã khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề, đặc biệt là các địa phương phía Nam", Tổng cục Thống kê đánh giá.
Trao đổi với VietTimes ngày 8/9/2021, chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành (ĐH Fulbright Việt Nam) cho hay:
Năm 2020, Chính phủ đã tung ra gói hỗ trợ 62 nghìn tỉ đồng dành cho người lao động, các cá nhân và hộ kinh doanh cá thể chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và gói miễn giảm thuế cho doanh nghiệp. Trong số này, gói hỗ trợ 62 nghìn tỉ đồng cho đến nay mới chỉ giải ngân được 14 nghìn tỉ đồng, tương đương 22%.
Nguyên nhân được chỉ ra là các điều kiện, thủ tục nhận hỗ trợ quá rườm rà, nhiêu khê, ví dụ bắt người lao động phải chứng minh thiệt hại trong khi nhiều người lao động tự do không có giấy tờ.
Trong khi đó, trên thực tế là mức hỗ trợ rất nhỏ bé, không có tác động đáng kể về mặt vật chất để tháo gỡ khó khăn cho người lao động và hộ kinh doanh.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành. Ảnh nhân vật cung cấp. |
Tương tự, gói miễn giảm thuế cũng không mang lại lợi ích nhiều cho các doanh nghiệp do những bất cập trong cách thiết kế gói hỗ trợ. Đơn cử như quyết định giảm 30% thuế thu nhập cho các doanh nghiệp với điều kiện doanh nghiệp vẫn đang hoạt động và có lợi nhuận.
Vô hình chung, gói hỗ trợ này đã loại trừ những đối tượng cần được giúp đỡ nhất như các doanh nghiệp phải tạm ngưng hoạt động hoặc đang làm ăn thua lỗ. Trong khi đó, những doanh nghiệp được hưởng lợi chính lại là những doanh nghiệp đang có lợi nhuận tốt, khả năng tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng cao.
Hiện tại, Bộ Tài chính vẫn đang tỏ ra rất thận trọng trong các gói hỗ trợ tài khoá. Gói an sinh xã hội 26 nghìn tỷ cho người lao động và gói miễn giảm thuế 20 nghìn tỷ cho doanh nghiệp còn nhỏ bé, không tạo nên tác động đáng kể.
Hơn nữa, nếu vẫn giữ cách làm cũ, ràng buộc quá nhiều điều kiện thực thi thì các gói hỗ trợ này sẽ đi vào “vết xe đổ” của các gói hỗ trợ tài khoá năm 2020.
Trong khi đó, ngân sách hoàn toàn có đủ dư địa chính sách để triển khai các gói hỗ trợ người dân và doanh nghiệp ở quy mô lớn hơn.
Lần đầu tiên trước một cuộc khủng hoảng toàn cầu có tác động tới Việt Nam, nhưng ổn định kinh tế vĩ mô trong nước vẫn được giữ vững. Tỷ lệ bội chi ngân sách trên GDP năm 2020 là 3,5%, nằm trong kế hoạch đã đề ra.
Theo dự toán 2021, bội chi sẽ ở mức 344 nghìn tỉ đồng, tương đương 4% GDP. Thu ngân sách năm 2020 dù có đại dịch nhưng vẫn vượt dự toán.
Thu ngân sách 8 tháng năm 2021 của TP.HCM đạt gần 11 tỉ USD, tăng 15,8% so với cùng kỳ trong bối cảnh TP phải hứng chịu đợt dịch nặng nề và giãn cách xã hội trong suốt 3 tháng 6, 7 và 8.