Ấn Độ tuyên bố phóng thử thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa Agni-5

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Theo trang The Hindu ngày 16/12, hôm 15/12 Ấn Độ đã phóng thử thành công tên lửa đạn đạo đất đối đất "Agni-V" có khả năng mang đầu đạn hạt nhân tấn công mục tiêu cách 5.000 km.  
Ấn Độ tuyên bố phóng thử thành công tên lửa liên lục địa Agni-5 (Ảnh: Times of India).
Ấn Độ tuyên bố phóng thử thành công tên lửa liên lục địa Agni-5 (Ảnh: Times of India).

Địa điểm thử tên lửa là đảo Abdul Kalam ở bang Odisha, miền đông Ấn Độ. Những người thông thạo với vấn đề này nói rằng vụ bắn thử đã kiểm định được một số vấn đề then chốt của vũ khí. Truyền thông Ấn Độ đưa tin tên lửa đạn đạo "Agni-5" đã chính thức ra mắt ngày 20/4/2012 sau khi phóng thử thành công ngày hôm trước. Tên lửa này do Tổ chức nghiên cứu và phát triển Quốc phòng Ấn Độ (DRDO) nghiên cứu chế tạo, nặng 50 tấn, cao 17,5m, đường kính 2m, ba tầng sử dụng nhiên liệu rắn, có thể mang đầu đạn nặng 1,5 tấn. Dự án "Agni-5" được tuyên truyền nhằm mục đích tăng cường "khả năng răn đe hạt nhân của Ấn Độ đối với Trung Quốc".

Truyền thông Ấn Độ tuyên truyền, phạm vi tấn công của tên lửa "Agni-5" có thể bao phủ gần như toàn bộ châu Á, bao gồm cả cực bắc của Trung Quốc và một số khu vực của châu Âu. Ấn Độ đã tiến hành một vụ thử tên lửa tương tự vào tháng 10 năm ngoái.

Theo các báo, Ấn Độ trước đó đã tuyên bố phát triển dòng tên lửa đạn đạo liên lục địa tầm trung và đặt tên là "Agni". Tên lửa “Agni-5” là tên lửa đạn đạo liên lục địa tầm xa, có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.

Truyền thông Ấn Độ đưa tin về vụ phóng thử (Ảnh: Guancha).

Truyền thông Ấn Độ đưa tin về vụ phóng thử (Ảnh: Guancha).

Ấn Độ đã triển khai các loại tên lửa “Agni-1” đến “Agni-4”, tầm bắn của các loại tên lửa này đạt từ 700 km đến 3.500 km. Tờ Guancha của Trung Quốc ngày 16/12 dẫn một bản tin trước đây của Tân Hoa Xã nói, mặc dù Ấn Độ đã nhiều lần nhấn mạnh "Agni-5" là tên lửa liên lục địa, nhưng cộng đồng quốc tế đã đặt câu hỏi về khả năng chiến đấu của nó với những lý do chính như sau.

Đầu tiên, tầm bắn của tên lửa không đạt tới các tiêu chuẩn của tên lửa liên lục địa. Tên lửa "Agni-5" có tầm bắn tối đa 5.500 km, còn xa mới đạt được yêu cầu đối với một tên lửa đạn đạo liên lục địa phải có tầm bắn từ 8.000 km trở lên, cho nên nó cùng lắm là tên lửa đạn đạo tầm xa chứ không phải một tên lửa đạn đạo liên lục địa.

Thứ hai, trình độ dẫn đường thấp. Tên lửa "Agni-5" sử dụng chỉ một hệ thống dẫn đường, so với hệ thống dẫn đường hỗn hợp mà tên lửa đạn đạo liên lục địa của các quốc gia khác như Mỹ, Nga, Trung Quốc sử dụng thì trình độ dẫn đường tương đối thấp và sai số tấn công tương đối lớn.

Hình mô phỏng tên lửa Agni-5 đang bay (Ảnh: Times of India).

Hình mô phỏng tên lửa Agni-5 đang bay (Ảnh: Times of India).

Thứ ba, mức độ thu nhỏ không đủ. Trình độ thu nhỏ (tiểu hình hóa) là chỉ tiêu quan trọng để đo trình độ tiên tiến của tên lửa đạn đạo liên lục địa. Tên lửa đạn đạo liên lục địa của Mỹ và Nga từ lâu đã được thu nhỏ, chẳng hạn tên lửa đạn đạo xuyên lục địa "Yars" của Nga nặng 49 tấn, tầm bắn tối đa 11.000 km, có thể mang 8 đến 10 đầu đạn hạt nhân. Trong khi đó, tên lửa "Agni-5" nặng 50 tấn, tầm bắn tối đa 5.500 km và chỉ mang được một đầu đạn hạt nhân. Điều này cho thấy, giữa Ấn Độ với Mỹ, Nga, Trung Quốc vẫn tồn tại khoảng cách lớn về động cơ tên lửa và vật liệu tên lửa, công nghệ nhiều đầu đạn đa hướng còn non kém, ảnh hưởng đến trình độ tác chiến.

Hôm thứ Năm (15/12), Ấn Độ đã thử thành công một tên lửa đạn đạo liên lục địa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, Bộ trưởng phụ trách các vấn đề quốc hội của Ấn Độ, Pralhad Joshi nói động thái này “sẽ tăng cường khả năng răn đe đối với đối thủ lâu dài là Trung Quốc”.

Bộ trưởng Pralhad Joshi viết trên Twitter: "Tên lửa này sẽ tăng thêm giá trị to lớn cho quốc phòng và sẽ tăng cường hơn nữa an ninh quốc gia", đồng thời cho biết thêm rằng tên lửa này có tầm bắn 3.300 dặm (xấp xỉ 5.311 km) hoặc xa hơn, phạm vi bao phủ gần như toàn bộ lục địa Trung Quốc.

Theo truyền thông Ấn Độ, trước cuộc thử nghiệm, nhà chức trách Ấn Độ đã đưa ra thông báo tuyên bố Vịnh Bengal là vùng cấm bay.

Rahul Bedi, một nhà phân tích quốc phòng ở Delhi, Ấn Độ, cho biết đây là cuộc thử nghiệm thứ hai do Bộ Tư lệnh Lực lượng Chiến lược Ấn Độ tiến hành kể từ khi thành lập vào năm 2018. Cuộc thử nghiệm đầu tiên đã diễn ra vào năm 2021.

Ông Bedi cho biết chính quyền Ấn Độ không chú ý đến báo cáo về một tàu do thám Trung Quốc trong khu vực và vẫn tiếp tục vụ phóng thử nghiệm.

Trong nhiều thập kỷ, Ấn Độ và Trung Quốc thường xuyên đụng độ dọc theo Đường kiểm soát thực tế dọc biên giới của họ. Đường phân giới tạm thời này phân chia các vùng lãnh thổ mà Trung Quốc và Ấn Độ cùng tuyên bố chủ quyền từ Ladakh ở phía tây đến Arunachal Pradesh ở phía đông. Trung Quốc tuyên bố quyền sở hữu đối với toàn bộ bang Arunachal Pradesh của Ấn Độ.

Tranh chấp về đoạn biên giới đó đã dẫn đến chiến tranh giữa Trung Quốc và Ấn Độ vào năm 1962. Kể từ đó đến nay, đã xảy ra nhiều cuộc xung đột quy mô lớn bằng vũ khí lạnh mà không sử dụng vũ khí nóng.

Ngày 9/12, binh lính thuộc quân đội Ấn Độ và Trung Quốc lại đụng độ tại khu vực biên giới đang tranh chấp ở Arunachal Pradesh, quan hệ hai nước lại trở nên căng thẳng.

Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh cho biết không có binh sĩ Ấn Độ nào bị thương nặng trong cuộc đụng độ và quân đội của cả hai bên đã rút khỏi khu vực ngay sau đó. Quân đội Ấn Độ nói trong một tuyên bố hôm thứ Hai (12/12) cả hai bên đều có người bị thương nhẹ.

Theo tin tức được Không quân Ấn Độ công bố, trong hai ngày thứ Năm và thứ Sáu (15 và 16/12), lực lượng không quân nước này đã tiến hành tập trận quân sự ở miền Đông Ấn Độ. Tuy nhiên, Không quân Ấn Độ nhấn mạnh rằng cuộc tập trận không liên quan gì đến cuộc đụng độ tuần trước giữa quân đội Ấn Độ và Trung Quốc ở biên giới.

Tên lửa Agni-5 trong một cuộc diễu binh (Ảnh: Chinatimes).

Tên lửa Agni-5 trong một cuộc diễu binh (Ảnh: Chinatimes).

Ngoài ra, theo Indian Defense News, sau khi nổ ra các vụ xung đột mới nhất giữa Ấn Độ và Trung Quốc ở biên giới, Trung Quốc bắt đầu sử dụng nhiều máy bay không người lái hơn để tuần tra biên giới và do thám việc triển khai quân đội Ấn Độ. Đáp lại, quân đội Ấn Độ đang huấn luyện các loài động vật như chim ưng để đối phó với máy bay không người lái của kẻ địch.

Trong quá trình huấn luyện, chim ưng đã hạ thành công hàng trăm UAV bốn trục, thậm chí phá hủy hoàn toàn máy bay không người lái, mà không một con chim ưng nào bị thương.

Theo Times of India hồi tháng 10/2021, một công ty ở Uttar Pradesh, Ấn Độ, đang sản xuất các "vũ khí" mới là dùi cui điện cao áp theo yêu cầu của Lực lượng An ninh Biên giới Ấn Độ; ngoài ra còn có tấm chắn (khiên) bảo vệ có hiệu ứng ánh sáng, đinh ba điện, găng tay điện, v.v.

Phía Ấn Độ nói vụ phóng thử tên lửa liên lục địa Agni-5 hôm 15/12 không liên quan đến vụ đụng độ xảy ra hôm 9/12.