Vụ thử nghiệm mới nhất được giới truyền thông Ấn Độ gọi là “tín hiệu cứng rắn” gửi tới Trung Quốc trong bối cảnh hai nước vẫn đang có tranh chấp căng thẳng ở khu vực biên giới.
Vụ thử thành công được thực hiện hôm 27/10 phù hợp với “chính sách của Ấn Độ trong việc sở hữu biện pháp răn đe tối thiểu đáng tin cậy, củng cố thêm cho cam kết không sử dụng đầu tiên” vũ khí hạt nhân, tuyên bố của chính phủ Ấn Độ nêu rõ.
Tên lửa Agni-5 đã được khai hỏa trên đảo Abdul Kalam và rơi xuống Vịnh Bengal với “độ chính xác cực cao”, tuyên bố được đưa ra vào tối hôm thứ Tư nói. Tên lửa có chiều dài 17 m này đã được thử nghiệm vài lần trước đây, nhưng đều vào buổi sáng, và giới truyền thông Ấn Độ nói rằng thời điểm thử nghiệm như vậy là nhằm gửi đi tín hiệu tới Bắc Kinh.
Sức mạnh tên lửa cường đại của Bắc Kinh đã khiến New Delhi phải cải thiện các hệ thống của họ trong những năm gần đây, trong đó Agni-5 được tin là đủ khả năng tấn công mọi vị trí trên lãnh thổ Trung Quốc.
Hiện nay, Ấn Độ đã đủ khả năng tấn công bất cứ đâu bên trong lãnh thổ của nước láng giềng Pakistan, nước kình địch đã từng trải qua 3 cuộc chiến tranh với họ kể từ khi giành độc lập từ Anh vào năm 1947.
Ấn Độ đã liên tục phát triển các hệ thống tên lửa tầm trung và tầm ngắn kể từ những năm 1990, trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc trong việc tăng cường khả năng phòng thủ đất nước.
Căng thẳng với Trung Quốc hiện đang ở mức cao độ kể từ khi 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng trong các vụ đụng độ ở khu vực tranh chấp giữa hai nước thuộc Himalaya vào tháng 6/2020. Ấn Độ cũng ngày càng tỏ rõ sự ngờ vực rằng Trung Quốc đang nỗ lực tăng tầm ảnh hưởng của mình tại Ấn Độ Dương.
Các cuộc đàm phán giữa tướng lĩnh Ấn Độ và Trung Quốc nhằm rút binh sĩ ở những khu vực quan trọng dọc biên giới giữa hai nước đã kết thúc trong tháng này mà không đạt được thỏa thuận nào. Được biết Ấn Độ và Trung Quốc từng xảy ra một cuộc chiến đẫm máu vào năm 1962.
Ấn Độ trong những năm gần đây ra sức tăng cường hợp tác quốc phòng với các nước phương Tây, trong đó tham gia nhóm “Bộ Tứ” cùng với Mỹ, Nhật Bản và Australia.
Ấn Độ cũng là một khách hàng vũ khí lớn của nước Nga, đã ký thỏa thuận mua các hệ thống phòng không S-400 của Moscow bất chấp Mỹ đe dọa áp lệnh trừng phạt với thương vụ trị giá 5,4 tỉ USD này.
Theo hãng tin The Times of India, New Delhi đang nỗ lực nghiên cứu để giúp tên lửa Agni-5 có khả năng mang vài đầu đạn hạt nhân, để chúng có thể tách ra và đáp trúng nhiều mục tiêu cùng lúc.