62% người dùng Internet Việt Nam tham gia mua sắm trực tuyến

VietTimes -- Năm 2015, trung bình mỗi người chi khoảng 160 USD/năm, đem lại doanh thu lên hơn 4 tỉ USD. Con số này dự kiến sẽ lên tới 10 tỉ USD vào năm 2020 (trung bình mỗi người chi 350 USD/người/năm), tương ứng với khoảng 5% tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa của cả nước.
ứng dụng CNTT trong lĩnh vực thương mại trong giai đoạn 2010 - 2015 đã có sự bứt phá mạnh mẽ.
ứng dụng CNTT trong lĩnh vực thương mại trong giai đoạn 2010 - 2015 đã có sự bứt phá mạnh mẽ.

Lĩnh vực thương mại điện tử hiện đang phát triển cũng là một minh chứng cho thấy sự hỗ trợ mạnh mẽ của CNTT. Theo thông tin được bà Lê Thị Hà, đại diện Cục Thương mại điện tử, Bộ Công Thương chia sẻ tại phiên hội thảo đầu tiên với chủ đề SMART SOCIETY - Xu hướng kỷ nguyên công nghệ ICT trong khuôn khổ Vietnam ICT Comm, thì ứng dụng CNTT trong lĩnh vực thương mại trong giai đoạn 2010 - 2015 đã có sự bứt phá mạnh mẽ.

Hiện Việt Nam có khoảng hơn 20.000 doanh nghiệp có website (chiếm khoảng 45% tổng số doanh nghiệp trên cả nước). Tuy nhiên chỉ có khoảng 18% có ứng dụng bán hàng trên di động, tăng tương đối nhiều so với con số 11% của năm 2014. Điều này cho thấy doanh nghiệp đã bắt đầu nhận biết được vai trò quan trọng của bán hàng trên di động trong bối cảnh hiện tại, dù rằng vẫn khá hạn chế, chưa theo kịp sự gia tăng nhu cầu...

Trong bài phát biểu với chủ đề Hiện trạng chính sách và triển vọng phát triển CNTT tại Vietnam ICT Comm, ông Nguyễn Thanh Tuyên, Phó Vụ trưởng Vụ CNTT, Bộ TT&TT đã chia sẻ hàng loạt số liệu thống kê cho thấy sự phát triển ấn tượng của ngành CNTT trong giai đoạn 2010-2015. Theo ông Tuyên, lĩnh vực CNTT đã là một trong những ngành phát triển với tốc độ nhanh nhất, ấn tượng nhất, đóng góp rất lớn cho doanh thu cả đất nước.

Cụ thể, ngành CNTT trở thành ngành đóng thuế cao nhất cả nước, đóng góp vào 10% ngân sách cả nước, vượt rất nhiều ngành được đất nước đầu tư nhiều như Hàng không... Trong đó ngành công nghiệp phần cứng điện tử tăng trưởng cao nhất, đóng góp không nhỏ vào việc cân bằng cán cân xuất nhập khẩu của cả nước.

Với những kết quả đã đạt được, mục tiêu Chính phủ đặt ra cho giai đoạn tiếp theo đó là Việt Nam sẽ trở thành nước mạnh về CNTT và Truyền thông vào năm 2020, nằm trong top các nước được Liên minh Viễn thông thế giới (ITU) xếp hạng có nền CNTT phát triển trên thế giới.

Và để thực hiện mục tiêu này, cơ quan quản lý và các doanh nghiệp ICT trong nước đã rất nỗ lực trong việc xây dựng hạ tầng mạng lưới mạnh để đưa ứng dụng CNTT vào tất cả các lĩnh vực của cuộc sống. Vấn đề ưu đãi cho các doanh nghiệp CNTT cũng dành sự quan tâm đặc biệt.

Ông Phạm Đức Nghiệm - Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường Doanh nghiệp, Bộ KHCN cho biết, Chính phủ đã có sự xoay trục quyết liệt sang hỗ trợ cho các doanh nghiệp CNTT và hiện đã có những chính sách ưu đãi nhất định. Từ việc miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế GTGT  tới việc khấu trừ các chi phí hợp lý khi tính thu nhập chịu thuế đối với các hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, mua các công nghệ cần thiết của doanh nghiệp… Hiện đã có cả nghìn doanh được hưởng các ưu đãi nói trên, trong đó có không ít các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CNTT và truyền thông.