Ngân hàng Nhà nước vừa có thông báo cho biết, tại Đại hội cổ đông bất thường năm 2015 lần thứ 3 diễn ra ngày 31/1/2015 đã quyết định không thông qua phương án bổ sung vốn điều lệ để đảm bảo giá trị thực vốn điều lệ tối thiểu của ngân hàng bằng mức vốn pháp định (3.000 tỷ đồng).
Căn cứ Luật Các TCTD, Quyết định số 48/2013/QĐ-NHNN ngày 01/8/2013 về việc góp vốn, mua cổ phần bắt buộc của tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt và Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông VNCB, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tuyên bố quyết định sẽ mua lại bắt buộc toàn bộ vốn cổ phần của VNCB với giá bằng 0 đồng/1 cổ phần.
Quyết định này đồng nghĩa với việc NHNN trở thành chủ sở hữu 100% vốn điều lệ của VNCB, và các cổ đông hiện hữu của ngân hàng bị chấm dứt toàn bộ quyền, lợi ích và tư cách cổ đông.
Theo số liệu do VNCB công bố, kể từ ngày 31/5/2013, khi TrustBank đổi tên thành VNCB, ngân hàng có tổng cộng 551 cổ đông, trong đó 6 cổ đông pháp nhân và 545 cổ đông thể nhân. Các cổ đông pháp nhân gồm 3 cổ đông thuộc Khối văn phòng Nhà nước; 1 cổ đông là TCTD đó là Ngân hàng Agribank và 1 cổ đông là doanh nghiệp nhà nước là Công ty lương thực Long An.
Về vốn điều lệ, theo thông báo của ngân hàng, từ tháng 6/2011 VNCB có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng và từ 26/12/2013 được tăng vốn điều lệ lên 7.500 tỷ đồng.
Trên thị trường từng có thông tin rằng VNCB đã bị âm vốn chủ sở hữu nên ngân hàng phải tổ chức ĐHCĐ bất thường lần này để bổ sung vốn. Nếu đó là thông tin chính xác thì việc NHNN mua lại cổ phần của VNCB với giá 0 đồng/cổ phần cũng không ảnh hưởng gì tới các cổ đông, vì thực tế các cổ đông này đã chẳng còn gì để mất.
Và việc NHNN sở hữu 100% VNCB, thực hiện các quyền và nghĩa vụ có liên quan đến VNCB chỉ có lợi cho khách hàng của VNCB và hệ thống mà thôi.
Đầu tháng 12, cơ quan cảnh sát điều tra khởi tố bổ sung tội danh “vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” đối với bị can Phạm Công Danh; Phan Thành Mai và Mai Hữu Khương.
Đồng thời, khởi tố bổ sung đối với 6 bị can nguyên là cán bộ của Ngân hàng Xây dựng trong vụ này.
Theo thông tin được đăng trên báo Tiền phong, nhóm cán bộ Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB), đã có hành vi giúp sức cho ông Phạm Công Danh lập khống nhiều hồ sơ về việc nâng cấp hệ thống CoreBanking, thuê trụ sở để rút hơn 660 tỷ đồng của VNCB. Ngoài ra, các bị can còn giúp ông Danh lập 39 hồ sơ khống để vay hơn 5.000 tỷ đồng của VNBC, rồi dùng tiền vào việc cá nhân.
Theo InfoNet