NHNN có thể sẽ nắm giữ 100% vốn Ngân hàng Xây dựng

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã dự trù hai phương án quan trọng: một trong hai phương án đó là sẽ chuyển Ngân hàng Xây dựng thành ngân hàng 100% vốn nhà nước.
Ngân hàng Xây dựng nhiều khả năng sẽ do NHNN nắm giữ toàn bộ
Ngân hàng Xây dựng nhiều khả năng sẽ do NHNN nắm giữ toàn bộ

Đại hội đồng cổ đông của Ngân hàng Xây dựng sẽ họp vào cuối tuần này, trong đó một nội dung quan trọng là bổ sung vốn điều lệ theo quy định pháp luật. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã dự trù hai phương án quan trọng: một trong hai phương án đó là sẽ chuyển Ngân hàng Xây dựng thành ngân hàng 100% vốn nhà nước.

Nếu phương án trên được thông qua thì ngoài Agribank sẽ có thêm một ngân hàng mà nhà nước sở hữu 100% vốn là Ngân hàng Xây dựng.

Theo một nguồn tin đáng tin cậy của Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, tại đại hội đồng cổ đông họp bất thường vào ngày 17-1 tới, Hội đồng quản trị Ngân hàng Xây dựng sẽ kêu gọi cổ đông góp thêm vốn để tránh việc vốn chủ sở hữu ngân hàng bị âm như hiện tại, và nâng đủ vốn lên mức 3.000 tỉ đồng như quy định của NHNN.

Trong trường hợp cổ đông không muốn góp thêm vốn thì nhà nước sẽ chuyển ngân hàng này thành 100% vốn nhà nước sau khi có định giá cụ thể.

Tuy vậy, nguồn tin này cho hay đến nay hầu như không cổ đông nào muốn tiếp tục rót vốn vào ngân hàng, bởi những khó khăn của Ngân hàng Xây dựng sẽ mất một khoảng thời gian dài mới có khả năng khắc phục được. Vì vậy, thực chất NHNN đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án để tiếp nhận và tái cấu trúc Ngân hàng Xây dựng, theo đó NHNN sẽ cử người tham gia điều hành sau khi hoàn tất việc chuyển đổi.

Theo nguồn tin trên, đây là cách cuối cùng mà NHNN phải thực hiện để vực dậy ngân hàng này trong bối cảnh tình hình tài chính của ngân hàng đã không còn đảm bảo để ngân hàng hoạt động bình thường như các ngân hàng khác, và việc kêu gọi nhà đầu tư mới tham gia tái cơ cấu là không thực hiện được.

Đây là lần đầu tiên NHNN tham gia tái cơ cấu một ngân hàng thương mại bằng cách tham gia góp vốn mua cổ phần cho dù việc này đã có quy định trong Quyết định số 48/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực từ ngày 20-9-2013.

Theo Quyết định này, NHNN sẽ được góp vốn mua cổ phần ở các ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt; biện pháp mua lại cổ phần của tổ chức tín dụng yếu kém được thực hiện sau khi tổ chức tín dụng đã đảm bảo được khả năng chi trả nhờ được hỗ trợ tái cấp vốn từ NHNN.

Cụ thể, NHNN trực tiếp mua lại vốn điều lệ hoặc cổ phần của tổ chức tín dụng yếu kém để chấn chỉnh, củng cố, lành mạnh hóa một bước; sau đó sẽ tiến hành sáp nhập, hợp nhất với tổ chức tín dụng khác hoặc bán lại cho nhà đầu tư có đủ điều kiện.

Ngân hàng Xây dựng tiền thân là Ngân hàng Đại Tín (Trustbank). Việc đổi tên diễn ra vào tháng 5 năm 2013, sau khi có sự tham gia của Tập đoàn Thiên Thanh và nhóm cổ đông mới. Việc tham gia của Thiên Thanh cũng nằm trong chủ trương tái cơ cấu ngân hàng yếu, vì Trustbank nằm trong diện phải tái cơ cấu của NHNN. Tuy vậy, sau đó, ngày 29-7-2014, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã công bố quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam bị can đối với các ông Phạm Công Danh và ông Phan Thành Mai, là Chủ tịch và Tổng giám đốc của Ngân hàng Xây dựng. Các ông này bị khởi tố trong vụ án cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 165 Bộ luật Hình sự xảy ra tại Công ty trách nhiệm hữu hạn Tập đoàn Thiên Thanh.

Vậy nên những khó khăn từ 2011 đến nay của Ngân hàng Đại Tín/Xây dựng đã không thể giải quyết được dù có cổ đông mới tham gia và vì vậy, NHNN buộc phải chọn cách nắm 100% vốn để tái cơ cấu ngân hàng này.

Trustbank được thành lập vào năm 1989, tiền thân là Ngân hàng nông thôn Rạch Kiến, trụ sở chính tại Long An. Từ 2007, Trustbank trở thành ngân hàng đô thị. Tính đến cuối năm 2011, tổng tài sản của ngân hàng đạt 28.000 tỉ đồng; vốn điều lệ đạt 3.000 tỉ đồng. Lợi nhuận trước thuế của TrustBank đến cuối năm 2011 đạt 550 tỉ đồng.

Theo thạc sĩ Nguyễn Thành Minh, Trưởng bộ môn Thẩm định, khoa Tín dụng, Đại học Ngân hàng, việc NHNN mua lại vốn góp và tham gia vào quá trình tái cơ cấu ngân hàng thương mại chưa hẳn đã là một quyết định nên làm. Trên thực tế, ở các ngân hàng yếu kém, việc cần nhất chính là cải tổ hệ thống quản trị, đặc biệt là quản trị rủi ro. Việc này rất phù hợp với các ngân hàng nước ngoài, vốn có thế mạnh về quản trị rủi ro theo hệ thống. Vì vậy, nếu để các chủ thể này tham gia vào tái cơ cấu sẽ là lựa chọn phù hợp lúc này. Trên thực tế, do số lượng các ngân hàng nằm trong diện tái cơ cấu không lớn nên sẽ khó có chuyện nhà đầu tư nước ngoài chi phối toàn bộ hệ thống ngân hàng.

Trong khi đó, nếu NHNN đã tham gia vào, lại tái cơ cấu quản trị rủi ro của các ngân hàng yếu thì sẽ áp đặt mô hình quản trị rủi ro theo chuẩn Việt Nam và như vậy, sẽ không nhiều nhà đầu tư nước ngoài còn muốn tham gia vào, do để thay đổi sẽ còn phức tạp hơn nhiều.

Nói về việc trong giai đoạn khủng hoảng, một số các tổ chức tín dụng, công ty của Mỹ cũng đã được Chính phủ mua lại một phần cổ phần, sau đó tái cơ cấu thành công và thoái vốn, ông Minh cho rằng đó là trong trường hợp ở nước này quản trị rủi ro theo hệ thống đã được triển khai từ lâu và không khó để tiếp quản và thay đổi. Còn tại Việt Nam, thường quản trị rủi ro chỉ chú trọng ở khâu tác nghiệp, chưa có cái nhìn bao quát đến toàn hệ thống.

Ông Minh cho rằng khi tái cơ cấu xong, khả năng NHNN thoái vốn sẽ bán cho các nhà đầu tư nội địa trên thị trường chứng khoán hơn là nhà đầu tư nước ngoài. Nhưng ông Minh cũng lo ngại với một cơ quan điều hành vĩ mô như NHNN khi tham gia vào quản lý kinh doanh như một doanh nghiệp sẽ không phù hợp. Vì vậy, NHNN chỉ nên là người đứng ngoài, chỉ đạo các tổ chức tín dụng khác tham gia và tiến hành can thiệp thị trường bằng các công cụ như một ngân hàng trung ương.

Tuy vậy, theo một lãnh đạo của NHNN, nếu nhà nước không tham gia vào tái cơ cấu bằng cách mua cổ phần, thì khả năng những thiệt hại này cho xã hội sẽ lớn, cụ thể là các khoản tiền gửi của người dân sẽ bị ảnh hưởng khi các ngân hàng này lâm vào cảnh khó khăn.

Theo thạc sĩ Nguyễn Thành Minh, Trưởng bộ môn Thẩm định, khoa Tín dụng, Đại học Ngân hàng, việc NHNN mua lại vốn góp và tham gia vào quá trình tái cơ cấu ngân hàng thương mại chưa hẳn đã là một quyết định nên làm. Trên thực tế, ở các ngân hàng yếu kém, việc cần nhất chính là cải tổ hệ thống quản trị, đặc biệt là quản trị rủi ro. Việc này rất phù hợp với các ngân hàng nước ngoài, vốn có thế mạnh về quản trị rủi ro theo hệ thống. Vì vậy, nếu để các chủ thể này tham gia vào tái cơ cấu sẽ là lựa chọn phù hợp lúc này. Trên thực tế, do số lượng các ngân hàng nằm trong diện tái cơ cấu không lớn nên sẽ khó có chuyện nhà đầu tư nước ngoài chi phối toàn bộ hệ thống ngân hàng.

Trong khi đó, nếu NHNN đã tham gia vào, lại tái cơ cấu quản trị rủi ro của các ngân hàng yếu thì sẽ áp đặt mô hình quản trị rủi ro theo chuẩn Việt Nam và như vậy, sẽ không nhiều nhà đầu tư nước ngoài còn muốn tham gia vào, do để thay đổi sẽ còn phức tạp hơn nhiều.

Nói về việc trong giai đoạn khủng hoảng, một số các tổ chức tín dụng, công ty của Mỹ cũng đã được Chính phủ mua lại một phần cổ phần, sau đó tái cơ cấu thành công và thoái vốn, ông Minh cho rằng đó là trong trường hợp ở nước này quản trị rủi ro theo hệ thống đã được triển khai từ lâu và không khó để tiếp quản và thay đổi. Còn tại Việt Nam, thường quản trị rủi ro chỉ chú trọng ở khâu tác nghiệp, chưa có cái nhìn bao quát đến toàn hệ thống.

Ông Minh cho rằng khi tái cơ cấu xong, khả năng NHNN thoái vốn sẽ bán cho các nhà đầu tư nội địa trên thị trường chứng khoán hơn là nhà đầu tư nước ngoài. Nhưng ông Minh cũng lo ngại với một cơ quan điều hành vĩ mô như NHNN khi tham gia vào quản lý kinh doanh như một doanh nghiệp sẽ không phù hợp. Vì vậy, NHNN chỉ nên là người đứng ngoài, chỉ đạo các tổ chức tín dụng khác tham gia và tiến hành can thiệp thị trường bằng các công cụ như một ngân hàng trung ương.

Tuy vậy, theo một lãnh đạo của NHNN, nếu nhà nước không tham gia vào tái cơ cấu bằng cách mua cổ phần, thì khả năng những thiệt hại này cho xã hội sẽ lớn, cụ thể là các khoản tiền gửi của người dân sẽ bị ảnh hưởng khi các ngân hàng này lâm vào cảnh khó khăn.

Theo TBKTSG