Khi ngân sách mạnh ai nấy tiêu

VietTimes -- Không quy được trách nhiệm cá nhân, không xác định được trách nhiệm giải trình trong các Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Đầu tư công, và tới đây là Luật nợ công sửa đổi, Ngân sách Nhà nước sẽ vẫn trong tình trạng mạnh ai nấy tiêu.
Ảnh minh họa - Nguồn: Internet
Ảnh minh họa - Nguồn: Internet

Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc tỏ ra thẳng thắn khi gặp phóng viên ở hành lang kỳ họp Quốc hội: “Họ nói như vậy là không trung thực hoặc thiếu trách nhiệm. Nếu không đồng ý, họ có thể kiện ra tòa”. Đó là một phản ứng mạnh khi báo cáo kiểm toán về ngân sách nhà nước do ông ký trình Quốc hội bị một số bộ phản bác.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đào Quang Thu, trong động thái không đồng tình với bản báo cáo đó, đã phản bác trên báo chí: "Tôi khẳng định Bộ Kế hoạch và Đầu tư không sai”, và khẳng định Bộ này sẽ báo cáo vụ việc với Chủ tịch Quốc hội.

Ông Phớc tuy vậy vẫn kiên quyết: “Ví dụ họ phản ứng về phân bổ vốn của 18 dự án, khi phân bổ họ ghi là “theo chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước”.  Tổng Kiểm toán Nhà nước hỏi rõ: Nếu làm theo chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước thì ở văn bản nào, công văn nào, hay thông báo làm việc nào, hoặc chẳng hạn bút phê nào, thì không có. Vậy là họ làm không đúng rồi chứ còn gì nữa?!”. Ông nói tiếp: “Họ gửi lên đâu là quyền của họ. Nhưng Kiểm toán Nhà nước kết luận là phải có đầy đủ bằng chứng và chịu trách nhiệm trước pháp luật. Kiểm toán Nhà nước cho rằng sai thì phải sửa, và sai phải sửa thì mới trung thực, có trách nhiệm. Chúng tôi đã đưa ra Quốc hội có nghĩa là chúng tôi có đủ bằng chứng và chịu trách nhiệm trước Quốc hội - Cơ quan đại diện cho toàn dân”.

Trong báo cáo gửi kiểm toán công bố hồi tháng 4 vừa rồi về ngân sách nhà nước 2016, Kiểm toán nhà nước đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư “kiểm điểm và xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân” có liên quan trong việc tự ý bố trí vốn lên đến 575,4 tỷ đồng cho 18 dự án không có cơ sở.

Không chỉ có vậy, Kiểm toán Nhà nước còn quy trách nhiệm trong việc không phân bổ hết vốn trái phiếu chính phủ tới 4.830 tỷ đồng đã huy động trong năm, không bố trí kịp thời 5.583 tỷ đồng vốn trái phiếu chính phủ dự phòng giai đoạn 2012-2015 cho các dự án trong bối cảnh đến hết năm 2016 còn 792 tỷ đồng của Chương trình kiên cố hóa trường lớp học và nhà công vụ cho giáo viên chưa được giao kế hoạch; chưa ưu tiên thu hồi vốn ứng trước 1.802 tỷ đồng...

Việc quản lý ngân sách nhà nước lỏng lẻo như trên, tuy không mới, nhưng đã phơi bày những điểm yếu cố hữu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan chủ trì soạn thảo Luật Đầu tư công trên nền tảng Chỉ thị 1792 nổi tiếng của Thủ tướng. Nguyên Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh khi phổ biến Chỉ thị này với các lãnh đạo địa phương vào tháng 11-2011 đã khẳng định “người ký quyết định phải chịu trách nhiệm với những dự án không xác định rõ nguồn vốn mà vẫn được khởi công”. Đáng tiếc, không có ai phải chịu trách nhiệm cá nhân, như ông nói, hay như Chỉ thị 1792 và Luật Đầu tư công.

Việc chi tiêu, vì thế có rất nhiều vấn đề. Có vô khối ví dụ để minh họa. Kiểm toán cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư bố trí vốn cho dự án khởi công mới còn chiếm tỷ lệ cao tới hơn 19% tổng số dự án được giao (1.016/5.258 dự án). Bên cạnh đó, việc phân bổ vốn cho các dự án, công trình vẫn được tiến hành khi chưa có quyết định đầu tư hoặc có quyết định đầu tư sau ngày 31/10 của năm trước (theo Luật Đầu tư công) gồm: TP. Đà Nẵng 141 dự án, tỉnh Bình Định 102 dự án, Hải Phòng 52 dự án, Quảng Trị 46 dự án, Nam Định 37 dự án, Quảng Ninh 36 dự án, Cần Thơ 20 dự án, Quảng Nam 15 dự án, Kon Tum 15 dự án, Thái Bình 13 dự án, Ninh Bình 07 dự án... (ii) Phân bổ cho các dự án chưa căn cứ vào kế hoạch đầu tư trung hạn hoặc Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015, gồm: Ủy ban Dân tộc, tỉnh Tiền Giang 108 dự án, Bến Tre 24 dự án, Hòa Bình 24 dự án; (iii) Bố trí vốn cho dự án không nằm trong kế hoạch phát triển ngành nông nghiệp 5 năm 2011-2015: Bộ NN&PTNT 62 dự án gần 913 tỷ đồng; (iv) Bố trí vốn cho dự án khởi công mới chưa thực sự cấp bách: Bộ Xây dựng 14 dự án hơn 120 tỷ đồng;...

Thật đáng tiếc, những kiểu chi tiêu trên là không thể kể hết. Chỉ riêng chi đầu tư phát triển, dự toán chi năm 2015 là 225.000 tỷ đồng, nhưng khi quyết toán lên tới 308.853 tỷ đồng, tăng 37,3% (83.853 tỷ đồng). Kiểm toán Nhà nước cũng nhấn mạnh đế vai trò của Bộ Tài chính khi chưa lập kịp thời Báo cáo giám sát nợ, chưa lập Bản tin nợ công năm 2015 theo quy định của Luật Quản lý nợ công. Vì vậy, việc Bộ Tài chính tổng hợp nợ công có thể chưa đầy đủ các khoản nợ Chính phủ, chính quyền địa phương. Hơn nữa, mặc dù nợ doanh nghiệp nhà nước không có bảo lãnh Chính phủ không phải nợ công nhưng nguy cơ tiềm tàng cao ảnh hưởng đến nền kinh tế và uy tín Chính phủ khi doanh nghiệp nhà nước thua lỗ, không trả được nợ.

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng không phải không nhìn ra thực tế này. Ông nói như cầu cứu các đại biểu Quốc hội cuối tuần trước: “Tôi đề nghị các đại biểu hiến kế với Chính phủ. Vấn đề nợ công rất bức xúc… Thực tế là nợ công cũng đã gần chạm trần”. Ông Dũng phân tích, tăng trưởng năm ngoái là 6,21%, năm nay dự kiến khoảng 6,2%, thấp hơn so với kế hoạch, nhưng chi tiêu đã và vẫn đang như kế hoạch 6,7%. Ông nói: “Luật NSNN quy định, nếu thu không đạt dự toán thì phải giảm chi, nhưng chúng ta không làm được điều đó, thậm chí còn tăng chi, nên gánh nặng dồn vào nợ công… Nếu nói thẳng tưng, thu không được thì không chi thì quá đơn giản. Nhưng cuộc sống thì khác, chúng ta không làm vẫn phải ăn…”.

Nói như Bộ trưởng Dũng mới chỉ là một mặt của vấn đề. Năm nào thu ngân sách nhà nước cũng tăng tới khoảng 10% so với dự toán mà chi tiêu không đủ. Đó mới là vấn đề chính hiện nay. Vì sao, có hàng loạt các luật, từ ngân sách nhà nước, đầu tư công, nợ công đến tổ chức Chính phủ, Quốc hội,… mà chi tiêu vẫn không thể kiểm soát được? Vậy ai sẽ chịu trách nhiệm với tiền thuế của dân?