Xử trí thế nào khi phát hiện ca nghi ngờ và mắc COVID-19 ở trường học?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, khi phát hiện có học sinh mắc COVID-19 trong trường học, nhà trường cần tạm ngưng ngay tiết học để vệ sinh, khử khuẩn lớp học và xét nghiệm kiểm tra cho toàn bộ học sinh, giáo viên.
Khử khuẩn lớp học (Ảnh - MH)
Khử khuẩn lớp học (Ảnh - MH)

Theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, khi phát hiện có học sinh mắc COVID-19 trong trường học, nhà trường cần tạm ngưng ngay tiết học để vệ sinh, khử khuẩn lớp học và xét nghiệm kiểm tra cho toàn bộ học sinh, giáo viên có mặt trong lớp (F1) bằng xét nghiệm nhanh kháng nguyên. Các lớp khác hoạt động bình thường.

Đây là hướng dẫn mới vừa được Bộ GD&ĐT phê duyệt tại Sổ tay bảo đảm an toàn phòng, chống dịch COVID-19 trong trường học. Tài liệu này đã được sửa đổi, bổ sung so với cuốn sổ tay đã được ban hành vào tháng 9/2020 để phù hợp với công tác tổ chức dạy học trong tình hình mới hiện nay.

Trong sổ tay mới này, Bộ GD&ĐT hướng dẫn cách ứng phó của nhà trường khi có trường hợp bệnh nghi ngờ trong trường học.

Cụ thể, khi phát hiện có học sinh, giáo viên, cán bộ, nhân viên, người lao động của nhà trường có một trong các triệu chứng như sốt, ho, khó thở (người nghi ngờ) tại trường học, nhà trường cần thực hiện theo các bước sau:

Đưa người nghi ngờ đến khu cách ly riêng trong phòng y tế, hoặc khu vực do nhà trường bố trí. Hạn chế tiếp xúc với những người xung quanh, tránh tiếp xúc gần dưới 1 m với những người khác.

Nhân viên y tế, giáo viên kiêm nhiệm công tác y tế trường học đeo khẩu trang y tế, găng tay, sử dụng trang phục y tế; cung cấp khẩu trang y tế và hướng dẫn đeo đúng cách cho người nghi ngờ, thông báo kịp thời cho cơ quan y tế để có biện pháp xử trí.

Bộ GD&ĐT cũng hướng dẫn cách xử trí khi phát hiện học sinh mắc COVID-19 trong trường theo 4 bước.

Bước 1: Thông báo kết quả dương tính cho trưởng BCĐ phòng, chống dịch, tổ an toàn COVID-19 của sở GD&ĐT và cha mẹ học sinh; tiếp tục cách ly tạm thời F0. Thông báo cho trạm y tế địa phương các biện pháp triển khai phòng, chống dịch theo hướng dẫn của ngành y tế.

Bước 2: Đánh giá tình hình sức khỏe của F0. Nếu F0 có dấu hiệu suy hô hấp, thở nhanh hoặc khó thở, SPO2 dưới 97% thì liên hệ và chuyển đến bệnh viện có khoa, đơn vị COVID-19 trên cùng địa bàn, hoặc chuyển đến bệnh viện dã chiến bằng xe cấp cứu. Nếu F0 không có triệu chứng, hoặc có triệu chứng nhẹ thì tư vấn, hướng dẫn cha mẹ học sinh đưa con mình về nhà để được trạm y tế địa phương tiếp nhận xử lý.

Bước 3: Tạm ngưng ngay tiết học để vệ sinh khử khuẩn lớp học và xét nghiệm kiểm tra cho toàn bộ học sinh, giáo viên có mặt trong lớp (F1) bằng xét nghiệm nhanh kháng nguyên, không quá 3 người/mẫu. Các lớp khác hoạt động bình thường.

Bước 4: Cách ly, theo dõi F1 theo hướng dẫn của Bộ Y tế tại Công văn 647/MP-VP ngày 16/11/2021 về điều chỉnh thời gian cách ly y tế đối với F1.

Đối với khối mầm non, nhà trẻ, nhóm trẻ: Nếu có 1 ca dương tính với COVID-19 thì cho toàn bộ học sinh trong cùng lớp (F1) cách ly tại nhà theo quy định.

Nếu trong cùng một ngày phát hiện từ 2 trường hợp F0 trở lên ở 2 lớp học khác nhau thì tổ chức ngay việc xét nghiệm tầm soát theo quy mô như sau: 2 lớp ở cùng tầng thì xét nghiệm kiểm tra cho học sinh, giáo viên của tất cả các lớp học trên cùng tầng; 2 lớp ở khác tầng, cùng khối nhà thì xét nghiệm kiểm tra cho học sinh, giáo viên của tất cả các lớp học trong cùng khối nhà; 2 lớp ở khác khối nhà, nếu có mối liên hệ dịch tễ thì xét nghiệm kiểm tra cho toàn bộ học sinh, giáo viên của trường. Nếu không có mối liên hệ dịch tễ thì chỉ xử lý theo lớp học.

Tại cuộc họp vào ngày 8/2 do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì về công tác chuẩn bị điều trị trong tình huống học sinh mắc COVID-19 khi trở lại trường, ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, Bộ Y tế đang phối hợp với Bộ GD&ĐT để rà soát hướng dẫn bảo đảm an toàn cho học sinh khi đến trường, phản ứng của y tế học đường, y tế cơ sở khi có ca mắc COVID-19.

Bộ Y tế và Bộ GD&ĐT cũng đều đã có văn bản chỉ đạo các sở y tế và Sở GD&ĐT hướng dẫn cho các nhà trường việc xử lý F0, hay xác định F1 tại lớp học. Việc xác định này cần dựa trên tình hình thực tế khác nhau của từng cơ sở giáo dục. Khi có ca F0 trong trường học, các trường cần nhanh chóng báo cáo với cơ sở y tế địa phương để có cách xử trí phù hợp cho từng tình huống.

Mới đây, Văn phòng Chính phủ cũng thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp về công tác điều trị cho trẻ em nhiễm COVID-19. Theo đó, Phó Thủ tướng giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ GD&ĐT và các cơ quan liên quan xây dựng kịch bản với các tình huống có thể xảy ra khi học sinh đến trường học tập trung trở lại; không để bị động, lúng túng, bất ngờ. Đồng thời, khẩn trương hoàn thiện, ban hành văn bản hướng dẫn về chuyên môn và phác đồ điều trị COVID-19 đối với người dưới 18 tuổi, nhất là trẻ em dưới 12 tuổi.

Bên cạnh đó, chỉ đạo, tổ chức tập huấn ngay cho các bệnh viện trên toàn quốc về công tác chăm sóc, điều trị bệnh nhân nhi mắc COVID-19, chỉ đạo và hướng dẫn các biện pháp phù hợp để hạn chế tối đa khả năng xảy ra việc khoa nhi trong bệnh viện bị lây nhiễm COVID-19, hoặc quá tải.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Y tế chủ động, hướng dẫn các địa phương lên kế hoạch huy động các tình nguyện viên tham gia thực hiện công tác chăm sóc, điều trị bệnh nhân nhi nhiễm COVID-19 tại các cơ sở y tế trong trường hợp cần thiết.

Công văn 647/MP-VP ngày 16/11/2021 của Bộ Y tế về điều chỉnh thời gian cách ly y tế đối với F1 nêu rõ: Những người đã tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19, liều cuối cùng tiêm trong thời gian ít nhất 14 ngày và không quá 12 tháng, hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 6 tháng tính từ thời điểm là F1, thì thực hiện cách ly y tế tại nhà, nơi lưu trú 7 ngày. Sau đó, tiếp tục tự theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú trong 7 ngày tiếp theo và nghiêm túc thực hiện thông điệp 5K của Bộ Y tế. Nếu có dấu hiệu bất thường về sức khỏe như ho, sốt, khó thở, đau rát họng, mất vị giác... thì báo cho cơ quan y tế để theo dõi và xử trí theo quy định; thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 3 lần (lần 1 khi bắt đầu thực hiện cách ly, lần 2 vào ngày thứ 3 và lần 3 vào ngày thứ 7).

Đối với những người tiêm chưa đủ liều vaccine phòng COVID-19, liều cuối cùng tiêm trong thời gian ít nhất 14 ngày tính đến thời điểm được xác định là F1 thì thực hiện cách ly y tế 10 ngày; tiếp tục tự theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú trong thời gian 7 ngày tiếp theo và luôn thực hiện thông điệp 5K của Bộ Y tế. Nếu có dấu hiệu bất thường về sức khỏe như ho, sốt, khó thở, đau rát họng, mất vị giác... thì báo cho cơ quan y tế để theo dõi và xử trí theo quy định; thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 3 lần (lần 1 khi bắt đầu thực hiện cách ly, lần 2 vào ngày thứ 5 và lần 3 vào ngày thứ 10).

Những người chưa tiêm vaccine phòng COVID-19 thực hiện cách ly y tế 14 ngày; tiếp tục tự theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú trong 14 ngày tiếp theo và luôn thực hiện thông điệp 5K. Nếu có dấu hiệu bất thường về sức khỏe như ho, sốt, khó thở, đau rát họng, mất vị giác... thì báo cho cơ quan y tế để theo dõi và xử trí theo quy định; thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 3 lần (lần 1 khi bắt đầu thực hiện cách ly, lần 2 vào ngày thứ 7 và lần 3 vào ngày thứ 13).

(Theo Hiền Minh/VGP)