Việt Nam: Có đến 50% số ca nhiễm HIV/AIDS dưới 29 tuổi

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Dịch HIV/AIDS đang có xu hướng gia tăng ở Việt Nam, nhất là đối với nhóm tuổi dưới 29 tuổi và nam quan hệ tình dục đồng giới đang được báo cáo là nhóm đối tượng nhiễm HIV chủ yếu ở Việt Nam hiện nay.
Bộ Trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu tại Mít tinh hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và Ngày Thế giới phòng chống AIDS năm 2022 diễn ra ngày 26/11, tại TP Bắc Ninh (tỉnh Bắc Ninh)
Bộ Trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu tại Mít tinh hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và Ngày Thế giới phòng chống AIDS năm 2022 diễn ra ngày 26/11, tại TP Bắc Ninh (tỉnh Bắc Ninh)

50% số ca nhiễm HIV ở Việt Nam dưới 29 tuổi

Theo Bộ Y tế, dịch HIV/AIDS vẫn tiếp tục là mối đe dọa trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng con người, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế, xã hội và tương lai nòi giống của các dân tộc.

Theo số liệu UNAIDS tính đến cuối năm 2021, thế giới hiện có khoảng 38,4 triệu người nhiễm HIV. Trong năm 2021, toàn thế giới có 1,5 triệu người nhiễm mới HIV và 650 ngàn người tử vong liên quan đến AIDS. Dịch HIV phân bố nhiều nhất là ở châu Phi (khoảng 25,6 triệu người hiện nhiễm HIV). Xu hướng nhiễm mới HIV trên toàn cầu tiếp tục giảm.

Tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, tính đến năm 2021 có 5,7 triệu người nhiễm HIV. Trong năm 2021, có 260.000 người nhiễm mới trong đó có khoảng 14.000 là trẻ em dưới 15 tuổi và có 128.000 người tử vong do AIDS. Đối tượng mới được phát hiện nhiễm HIV chủ yếu là nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) (chiếm 53%).

Bộ Y tế tặng quà cho trẻ bị ảnh hưởng của HIV tại Mít tinh hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và Ngày Thế giới phòng chống AIDS năm 2022 diễn ra ngày 26/11, tại TP Bắc Ninh (tỉnh Bắc Ninh)

Bộ Y tế tặng quà cho trẻ bị ảnh hưởng của HIV tại Mít tinh hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và Ngày Thế giới phòng chống AIDS năm 2022 diễn ra ngày 26/11, tại TP Bắc Ninh (tỉnh Bắc Ninh)

Tại Việt Nam, tính đến tháng 10/2022, cả nước có 220.580 người nhiễm HIV hiện đang còn sống và 112.368 người nhiễm HIV đã tử vong. Từ năm 2020 đến nay, dịch HIV đang có xu hướng gia tăng. Nếu như giai đoạn từ 2017-2019 mỗi năm Việt Nam phát hiện được hơn 10.000 trường hợp nhiễm HIV, thì trong 2 năm qua, mặc dù dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến việc xét nghiệm HIV, nhưng mỗi năm Việt Nam có hơn 13.000 trường hợp nhiễm HIV được báo cáo.

Theo Bộ Y tế, vấn đề đáng lưu ý đó là xu hướng dịch HIV đang thay đổi từ hình thái lây nhiễm chủ yếu từ đường máu sang lây qua đường tình dục. Người được phát hiện nhiễm HIV chủ yếu trong nhóm tuổi trẻ và nhiễm HIV trong nhóm tuổi trẻ tăng nhanh trong những năm gần đây.

Năm 2022, có tới 50% số ca nhiễm HIV được phát hiện ở nhóm tuổi dưới 29 tuổi. Nam quan hệ tình dục đồng giới đang được báo cáo là nhóm đối tượng nhiễm HIV chủ yếu ở Việt Nam. Đặc biệt, có những địa phương báo cáo có 60% - 80% người nhiễm HIV được phát hiện trong năm qua là thuộc nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới.

Dịch HIV có thể bùng phát trở lại nếu chủ quan

Trước thực trạng trên, Việt Nam đặt ra mục tiêu cho chiến lược quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030 với 3 chỉ số 95-95-95. Cụ thể, có 95% người nhiễm HIV biết tình trạng nhiễm HIV của mình; 95% người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc ARV; và 95% người điều trị bằng thuốc ARV đạt tải lượng vi rút dưới ngưỡng ức chế. Tuy nhiên, trong ba mục tiêu đó thì 2 mục tiêu đầu Việt Nam mới chỉ đạt 84% và 79% ở thời điểm cuối năm 2021.

“Để đạt được mục tiêu trên, chương trình phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam còn rất nhiều việc cần phải làm nhất là để đạt được mục tiêu kết thúc dịch AIDS vào năm 2030. Dịch HIV rất có thể bùng phát trở lại nếu chúng ta chủ quan thiếu quan tâm, không đầu tư thỏa đáng cho công cuộc phòng, chống HIV/AIDS”- Bộ Trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nhấn mạnh.

Cũng theo Bộ trưởng Bộ Y tế, năm 2022, Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm chọn chủ đề cho Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS của Việt Nam là: “Chấm dứt dịch AIDS - Thanh niên sẵn sàng”.

Người dân tham gia diễu hành hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và Ngày Thế giới phòng chống AIDS năm 2022 diễn ra ngày 26/11, tại TP Bắc Ninh (tỉnh Bắc Ninh)

Người dân tham gia diễu hành hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và Ngày Thế giới phòng chống AIDS năm 2022 diễn ra ngày 26/11, tại TP Bắc Ninh (tỉnh Bắc Ninh)

“Việc lựa chọn chủ đề này thích hợp với bối cảnh tình hình dịch HIV ở Việt Nam hiện nay. Đây cũng là đối tượng cần được quan tâm trong thời gian tới khi chúng ta muốn đạt mục tiêu kết thúc dịch bệnh AIDS vào năm 2030. Việc chấm dứt dịch AIDS chỉ có thể thành công nếu chúng ta huy động được thanh niên chủ động tham gia có hiệu quả vào các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS trong thời gian tới”- Bộ trưởng Bộ Y tế chia sẻ.

Còn theo PGS.TS Phan Thị Thu Hương – Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) - để tiến tới chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030, bên cạnh việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý, Bộ Y tế đang tiếp tục đa dạng hóa dịch vụ tư vấn và xét nghiệm HIV cho người dân từ việc đẩy mạnh xét nghiệm HIV trong cơ sở y tế, mở rộng xét nghiệm HIV tại cộng đồng, xét nghiệm HIV lưu động và tự xét nghiệm HIV… cho đến đẩy mạnh việc triển khai các mô hình tư vấn xét nghiệm HIV phù hợp với từng nhóm có hành vi nguy cơ cao như: người sử dụng ma túy, nam quan hệ tình dục đồng giới, người chuyển giới, phụ nữ bán dâm…

Bên cạnh đó, ngành y tế tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng công tác thông tin, giáo dục, truyền thông đối với cộng đồng, mở rộng, đổi mới các biện pháp can thiệp giảm hại, dự phòng lây nhiễm HIV; đa dạng hóa các mô hình cung cấp bao cao su và bơm kim tiêm miễn phí phù hợp với nhu cầu của người sử dụng, kết hợp với mở rộng cung cấp bao cao su, bơm kim tiêm qua kênh thương mại; đổi mới và nâng cao chất lượng điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế…

PGS.TS Phan Thị Thu Hương – Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS

PGS.TS Phan Thị Thu Hương – Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS

Ngành y tế sẽ tiếp tục mở rộng các mô hình điều trị, cấp phát thuốc tại tuyến cơ sở; mở rộng độ bao phủ dịch vụ điều trị HIV/AIDS tại các trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, các cơ sở chữa bệnh, giáo dục…

"Tiếp tục kết hợp với lồng ghép dịch vụ điều trị HIV/AIDS vào hệ thống khám bệnh, chữa bệnh; phân cấp điều trị HIV/AIDS về tuyến y tế cơ sở; mở rộng chăm sóc và điều trị HIV/AIDS tại tuyến xã, chăm sóc người bệnh HIV/AIDS tại nhà, tại cộng đồng và thiết lập hệ thống giám sát ca bệnh từ khi xác định nhiễm HIV cho đến tham gia điều trị, chuyển đổi cơ sở điều trị, chất lượng điều trị, tuân thủ điều trị cho đến tận khi người nhiễm HIV tử vong"- PGS.TS Phan Thị Thu Hương – Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS chia sẻ.