Bộ Công an và Bộ Y tế phối hợp, vẫn còn hơn 17 triệu mũi tiêm vaccine COVID-19 chưa được "làm sạch"

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Theo Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế), cả nước còn gần 17,5 triệu mũi tiêm vaccine COVID-19 chưa được "làm sạch" và cập nhật lên hệ thống. Đề nghị xóa khỏi hệ thống gần 10 triệu mũi tiêm không đủ thông tin.
Lực lượng y tế tiêm vaccine cho đối tượng học sinh
Lực lượng y tế tiêm vaccine cho đối tượng học sinh

Gần 17,5 triệu mũi tiêm chưa được nhập lên hệ thống

Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế) vừa cho biết, Bộ Công an và Bộ Y tế đã và đang nỗ lực thực hiện công tác “làm sạch” dữ liệu tiêm chủng COVID-19 và cập nhật dữ liệu tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 của người dân.

Tính đến ngày 20/9, tổng số mũi tiêm chưa nhập lên hệ thống 17.498.099 mũi tiêm (tăng gần 1,5 triệu mũi tiêm so với số liệu ngày 23/8).

Tổng số mũi tiêm thực tế đã thực hiện trên cả nước là 259.463.342 mũi tiêm. Tổng số mũi tiêm đã được cập nhật lên hệ thống nền tảng Quản lý tiêm chủng COVID-19 là 241.965.243 mũi tiêm.

Trong đó, đối tượng không có thông tin CCCD/CMND là 3.572.879 đối tượng; đối tượng sai định dạng CCCD là 1.113.380 đối tượng; và đối tượng sai thông tin cơ bản là 14.770.468 đối tượng.

“Mặc dù Bộ Y tế đã phối hợp, thống nhất với Bộ Công an ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc các địa phương, đơn vị nhưng đến nay, công tác cập nhật và “làm sạch” dữ liệu tiêm chủng COVID-19 không hoàn thành theo chỉ đạo của Chính phủ”- đại diện Cục Công nghệ thông tin cho hay.

Đâu là nguyên nhân?

Theo Bộ Y tế, có nhiều nguyên nhân dẫn đến không hoàn thành việc cập nhật và “làm sạch” dữ liệu tiêm chủng COVID-19 .

Việc cập nhật dữ liệu mũi tiêm còn thiếu do thời gian đầu triển khai chiến dịch tiêm chủng, nhiều người dân đã không khai báo đầy đủ thông tin. Để đảm bảo công tác phòng, chống dịch, nhân viên y tế vẫn tiêm và không cập nhật dữ liệu lên hệ thống.

Thứ nữa, một số cơ sở tiêm chưa cập nhật dữ liệu kết quả tiêm trực tiếp trong buổi tiêm chủng, do không đủ nhân lực, không thuận tiện trong việc bố trí máy tính và hệ thống mạng internet tại điểm tiêm chủng. Y tế cơ sở không còn nhận được sự hỗ trợ của các lực lượng khác như thời gian đầu triển khai chiến dịch tiêm chủng.

Bên cạnh đó, trẻ em chưa có căn cước công dân, nhiều đối tượng không liên hệ với công an địa phương để lấy mã định danh mang theo khi đi tiêm chủng, nên tiêm xong không nhập được mũi tiêm lên hệ thống.

Tiếp đó là do các đối tượng ở các trại tạm giam, trại giam và các đối tượng khác bị tước quyền công dân thì không có số điện thoại, không có CCCD/CMND, giai đoạn đầu đã tiêm và không cập nhật đầy đủ thông tin.

Đặc biệt, sự phối hợp giữa công an và y tế ở một số địa phương chưa tốt, việc xác minh thông tin chủ yếu do y tế thực hiện. Ví dụ như tại xã Phổ Thuận, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi, việc xác minh thông tin của Công an xã rất chậm, danh sách đối tượng được Trạm Y tế gửi sang từ tháng 5/2022 nhưng sau 3 tháng mới nhận được kết quả.

Đề xuất 3 giải pháp

Để hoàn thành việc cập nhật và “làm sạch” dữ liệu tiêm chủng theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế kiến nghị với Tổ công tác Đề án 06 của Chính phủ một số vấn đề:

Một là, đối với gần 10 triệu mũi tiêm không có thông tin CCCD/CMND, nếu không đủ thông tin để công an cơ sở có thể xác minh, cần xóa khỏi hệ thống. Trước khi xóa sẽ thực hiện sao lưu để lưu trữ.

Theo Bộ Y tế, các đối tượng tiêm không có thông tin CCCD/CMND trong giai đoạn tiêm chủng ban đầu cũng đã được nhập dữ liệu lên hệ thống đối với các mũi tiêm thứ 2 và thứ 3.

Lực lượng y tế thực hiện nhập dữ liệu tiêm chủng dành cho người dân

Lực lượng y tế thực hiện nhập dữ liệu tiêm chủng dành cho người dân

Hai là, đối với 17 triệu đối tượng tương tương ứng hơn 37 triệu mũi tiêm có thông tin CCCD/CMND nhưng sai thông tin cơ bản thì ngày 21/06/2022, Bộ Y tế đã bàn giao cho Bộ Công an để rà soát, đối chiếu dữ liệu. Theo thông tin từ Cục C06, trong 17 triệu đối tượng trên đã thực hiện rà soát, đối chiếu được 10.729.396 đối tượng.

Tuy nhiên đến nay, Bộ Y tế chưa nhận được dữ liệu từ Bộ Công an để cập nhật lên hệ thống. Bộ Y tế đề nghị Bộ Công an cho ý kiến về việc bàn giao dữ liệu trên.

Ba là, Bộ Y tế cũng đề nghị Bộ Công an tăng cường kiểm tra, giám sát việc phối hợp giữa lực lượng công an và y tế cơ sở, quán triệt để công an cơ sở cung cấp thông tin xác minh nhanh chóng, kịp thời để nhân viên y tế cập nhật dữ liệu lên hệ thống.

Đối với những trường hợp y tế xác minh đúng thông tin, công an cơ sở cần đối chiếu, xác minh nếu thông tin từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư bị sai thì cần cập nhật lại theo đúng hướng dẫn về quy trình “làm sạch” dữ liệu đã được thống nhất giữa hai Bộ và Bộ Y tế đã ban hành tại văn bản số 2262/BYT-CNTT ngày 04/05/2022.

Cục Công nghệ thông tin cũng đề xuất lãnh đạo Bộ Y tế giao cho Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương - là đơn vị chuyên môn - tiếp nhận tài khoản Nền tảng Quản lý tiêm chủng COVID-19, quản lý, báo cáo số liệu và đôn đốc các cơ sở tiêm chủng thực hiện cập nhật dữ liệu lên Nền tảng Quản lý tiêm chủng COVID-19. Cục Công nghệ thông tin là đơn vị cung cấp công cụ hỗ trợ trong công tác quản lý tiêm chủng COVID-19.