VEF dự kiến tăng vốn thêm gần 6.000 tỷ đồng, Dự án 148 Giảng Võ sắp được triển khai?

VietTimes -- Nếu thực hiện các dự án thuận lợi, VEF có nhiều khả năng thực hiện được các mục tiêu cổ phần hóa đã đề ra. Đặc biệt, cổ đông lớn và cũng là nhà đầu tư chiến lược của VEF, như đã biết, là Tập đoàn Vingroup - doanh nghiệp lớn, nổi bật, nổi tiếng và năng động hàng đầu của nền kinh tế.
Phối cảnh dự án Vinhomes Gallery 148 Giảng Võ của Tập đoàn Vingroup - nhà đầu tư chiến lược tại VEF (Ảnh: Internet)
Phối cảnh dự án Vinhomes Gallery 148 Giảng Võ của Tập đoàn Vingroup - nhà đầu tư chiến lược tại VEF (Ảnh: Internet)

CTCP Trung tâm Hội chợ triển lãm Việt Nam (VEFAC - Mã CK: VEF) vừa công bố tờ trình xin ý kiến cổ đông bằng văn bản về phương án phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ.

Theo đó, VEF dự kiến sẽ phát hành 599.763.780 cổ phiếu, tương đương với tỷ lệ phân bổ quyền 1:3,6 (cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu VEF tại ngày chốt danh sách sẽ được hưởng 1 quyền mua, và cứ 1 quyền mua sẽ được mua 3,6 cổ phiếu phát hành thêm) cho cổ đông hiện hữu. Với mức giá phát hành là 10.000 đồng/cổ phiếu, tổng giá trị cổ phiếu phát hành thêm là 5.997,6 tỷ đồng.

Nếu đợt tăng vốn diễn ra thuận lợi, quy mô vốn điều lệ của VEF sẽ gia tăng lên mức 7.663,678 tỷ đồng. Thời gian dự kiến phát hành trong khoảng từ Quý IV/2018 đến Quý I/2019.

Được biết, CTCP Tập đoàn Vingroup (Mã CK: VIC) là cổ đông chiến lược tham gia cổ phần hóa Công ty TNHH MTV Trung tâm hội chợ triển lãm Việt Nam (tiền thân của VEF). Hiện nay, VEF đang có 2 cổ đông lớn nhất là Vingroup với tỷ lệ sở hữu 83,32% và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch với tỷ lệ sở hữu 10% tổng vốn điều lệ.

Với cơ cấu này, Vingroup sẽ là cổ đông hiện hữu mua lại đa phần số cổ phiếu phát hành thêm của VEF.

Một số thông tin về đợt phát hành riêng lẻ cho cổ đông hiện hữu của CTCP Trung tâm Hội chợ triển lãm Việt Nam (Nguồn: VEF)
Một số thông tin về đợt phát hành riêng lẻ cho cổ đông hiện hữu của CTCP Trung tâm Hội chợ triển lãm Việt Nam (Nguồn: VEF) 

Dang dở các dự án nghìn tỷ đồng chờ cấp phép

Đáng chú ý, quá trình thực hiện cổ phần hóa VEF được thực hiện theo mô hình đặc biệt -  đó là, cổ phần hóa sẽ gắn liền với nhiệm vụ phát triển dự án đầu tư xây dựng một Trung tâm hội chợ triển lãm quốc gia mới mang tầm vóc quốc tế để đáp ứng nhu cầu tổ chức các sự kiện lớn, quan trọng của quốc gia và quốc tế.

Địa điểm xây dựng Trung tâm hội chợ triển lãm quốc gia mới đã được xác định vị trí tại khu vực xã Cổ Loa, Đông Hội, Mai Lâm, Xuân Canh, huyện Đông Anh, Hà Nội (Dự án Cổ Loa). Bên cạnh đó, VEF cũng đã tổ chức một cuộc thi kiến trúc và mời các công ty kiến trúc hàng đầu của thế giới tham gia nhằm có được thiết kế tối ưu.

Dự án này sẽ được xây dựng trên khu đất rộng 300 ha, có tổng mức đầu tư dự kiến là 31 nghìn tỷ đồng. Bao gồm, khu cốt lõi (các công trình Trung tâm Hội chợ triển lãm quốc gia mới) khoảng 14 nghìn tỷ đồng và khu hỗ trợ (khu đô thị sinh thái) khoảng gần 17 nghìn tỷ đồng.

Mặt khác, theo phương án cổ phần hóa, VEF được đầu tư và khai thác hai dự án thành phần khác là Dự án “Tổ hợp Trung tâm Thương mại Dịch vụ và Nhà ở tại 148 Giảng Võ” (Dự Án 148 Giảng Võ) và Dự án “Khu Chức năng Đô thị Nam Đại lộ Thăng Long” (Dự Án Mễ Trì) để tạo nguồn vốn xây dựng Dự Án Cổ Loa.

Trong đó, Dự Án 148 Giảng Võ được xây dựng trên khu đất có diện tích 68.380 m2 với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 7.738 tỷ đồng. Dự án này đã được Sở Xây dựng TP. Hà Nội cấp Giấy phép xây dựng.

Về phía nhà đầu tư chiến lược Vingroup, dự án trên khu đất số 148 Giảng Võ còn được biết đến với tên gọi mang tính chất thương mại là Vinhomes Gallery 148 Giảng Võ.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, Dự án 148 Giảng Võ tiếp tục được xem xét điều chỉnh lại quy hoạch cho phù hợp với thị trường và cảnh quan chung của khu vực.

Hiện trạng khu đất tại số 148 Giảng Võ, Hà Nội mà VEF đang có kế hoạch triển khai dự án Tổ hợp Trung tâm Thương mại Dịch vụ và Nhà ở (Ảnh: Tuấn Phùng - Tuổi trẻ online)
Hiện trạng khu đất  tại số 148 Giảng Võ, Hà Nội mà VEF đang có kế hoạch triển khai dự án Tổ hợp Trung tâm Thương mại Dịch vụ và Nhà ở (Ảnh: Tuấn Phùng - Tuổi trẻ online)

Dự án Mễ Trì được xây dựng trên diện tích 37,1 ha (bao gồm cả diện tích khu hồ điều hòa), có tổng mức đầu tư khoảng 19,6 nghìn tỷ đồng. Tới cuối năm 2017, dự án này đã được UBND Tp. Hà Nội phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 và đang trình cơ quan chức năng xem xét, phê duyệt chấp nhận chủ trương đầu tư.

Những tín hiệu tích cực

Cũng trong tờ trình xin ý kiến cổ đông, VEF đã tiết lộ những thông tin tích cực về việc triển khai 2 dự án để tạo nguồn vốn xây dựng Dự Án Cổ Loa.

Cụ thể, VEF cho biết, Văn phòng Chính phủ đã ban hành văn bản số 292/TB-VPCP (ngày 14/8/2018) thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về chủ trương đầu tư xây dựng Trung tâm Hội chợ triển lãm quốc gia mới và các dự án thành phần.

Trước những thông tin tích cực từ phía Chính phủ, VEF cũng đã có những động thái chuẩn bị rõ ràng.

Tờ trình của VEF nêu rõ công ty này đang khẩn trương triển khai các thủ tục đầu tư để có thể sớm triển khai Dự án Cổ Loa cùng với 2 dự án thành phần tạo nguồn vốn là Dự án 148 Giảng Võ và Dự án Mễ Trì.

“Trước mắt, trong giai đoạn Bộ Văn Hóa - Thể Thao và Du Lịch hoàn thiện nội dung, quy mô đầu tư của Dự án Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc gia mới, Công ty cần phải tăng vốn điều lệ để đáp ứng các yêu cầu về nguồn vốn chủ sở hữu, năng lực tài chính triển khai thực hiện các Dự án thành phần nêu trên theo quy định” - VEF cho biết chi tiết về nhu cầu tăng vốn điều lệ.

Được biết, theo dự toán của VEF (đã được các công ty hàng quản lý và vận hành các công trình tương tự tư vấn), dự kiến các chi phí khai thác, vận hành Khu trung tâm triển lãm mới (tính trung bình) khoảng 200 - 300 tỷ đồng/năm khi đi vào hoạt động. Đó là chưa kể các chi phí tài chính và khấu hao đầu tư, trong khi nguồn thu trong thời gian đầu sẽ không đủ bù đắp các chi phí.

Tuy nhiên, nếu thực hiện các dự án thuận lợi, VEF có nhiều khả năng thực hiện được các mục tiêu cổ phần hóa đã đề ra. Đặc biệt, cổ đông lớn và cũng là nhà đầu tư chiến lược của VEF lại là một “đại gia” trong lĩnh vực bất động sản - Tập đoàn Vingroup./.