Vào chuỗi toàn cầu: 20 năm 2 doanh nghiệp Việt đạt chuẩn

Sản xuất công nghệ cao nhưng bằng dây chuyền cũ nhập khẩu, kiểm tra chất lượng bằng nhìn mắt và sờ tay. Sau 20 năm, tập đoàn ôtô hàng đầu thế giới chỉ tuyển được 2 DN Việt Nam đạt chuẩn để hợp tác.
Sản xuất công nghệ cao nhưng bằng dây chuyền cũ nhập khẩu, kiểm tra chất lượng bằng nhìn mắt và sờ tay
Sản xuất công nghệ cao nhưng bằng dây chuyền cũ nhập khẩu, kiểm tra chất lượng bằng nhìn mắt và sờ tay

DN Việt với không tới

Báo cáo mới đây của Toyota Việt Nam cho biết, sau 20 năm có mặt tại Việt Nam, DN này chỉ có được 18 nhà cung cấp linh kiện với 270 chi tiết và cụm chi tiết sản xuất trong nước.

Nếu tính 1 chiếc ô tô lắp ráp tại Việt Nam, có từ 20.000-30.000 linh kiện, thì số lượng sử dụng trong nước kể trên sau 20 năm phát triển là quá nhỏ bé. Không những thế, những linh kiện này chủ yếu có giá trị rất thấp như ắc-qui, dây điện, bọc ghế, lót sàn, bộ phụ tùng sửa chữa... Điều đáng nói là Toyota còn chú trọng lắp ráp và nội địa hóa còn phần lớn các DN ô tô khác, đến nay vẫn chỉ có khoảng 2-5 nhà cung cấp, số lượng các linh kiện chưa vượt quá 100.

Điều còn buồn hơn, bởi trong tổng số các nhà cung cấp trên, chủ yếu vẫn là các DN có vốn đầu tư nước ngoài, còn DN trong nước rất ít. Trong số 18 nhà cung cấp linh kiện cho Toyota, chỉ có 2 DN trong nước, cung cấp bộ dụng cụ sửa xe và một số linh kiện nhựa đơn giản.

Sản xuất ô tô, vốn được coi là niềm hy vọng lớn của ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT), bởi mỗi chiếc xe sử dụng hàng chục nghìn linh kiện, kéo theo sự tham gia của nhiều lĩnh vực sản xuất, chế tạo khác nhau như điện tử, chất dẻo, thép, cơ khí...

Vậy nhưng qua những gì đóng góp cho sản xuất, lắp ráp ô tô, có thể thấy CNHT của Việt Nam hiện nay quá yếu kém.

Công ty cơ khí chính xác Thành Trung (Bắc Giang) là một trong những DN đang sản xuất linh kiện xe máy cho các hàng nước ngoài tại Việt Nam. Từ 2015 DN này bắt đầu đi vào sản xuất linh kiện ô tô, tuy nhiên không có đầu tư mới. Vẫn mặt bằng sản xuất rộng chừng 500m2, thiết kế đơn sơ, với 15 chiếc máy CNC, đều là đồ cũ của Nhật Bản, Đài Loan, Anh, có trị giá trung bình chỉ 800 triệu đồng/máy. Khâu kiểm tra chất lượng sử dụng mắt thường và tay.

Theo các chuyên gia của Hàn Quốc, muốn sản xuất linh kiện ô tô, Công ty Thành Trung phải đầu tư rất lớn mới đạt được tiêu chuẩn của nhà sản xuất. Chẳng hạn, một chiếc máy CNC mới có giá khoảng 5 tỷ đồng, máy dập, khuôn mẫu... cũng trị giá tới 10-20 tỷ đồng. Chưa kể còn phải hiện đại hoá các khâu như kiểm tra, thử sản phẩm, chứ không thể dùng mắt, tay như hiện nay.

Có thể nói, các DN có quy mô siêu nhỏ và công nghệ lạc hậu như Công ty Thành Trung đang chiếm từ 80-90% trong tổng số DN CNHT của Việt Nam hiện nay.

DN nhỏ, vốn thiếu

Theo Bộ Công Thương, sản phẩm CNHT của Việt Nam chủ yếu là linh kiện và vật liệu đơn giản, có giá trị thấp. Công nghệ lạc hậu, khấu hao tài sản lớn, sản phẩm sai hỏng nhiều, giá đầu vào của sản phẩm cao, dẫn đến giá thành thiếu cạnh tranh.

Khoảng cách giữa yêu cầu của các tập đoàn đa quốc gia và khả năng sản xuất của các DN nội địa vẫn còn khá lớn. Các DN CNHT muốn phát triển và tham gia được chuỗi sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia cần đáp ứng được 3 yếu tố là chất lượng ổn định, giao hàng đúng hẹn và giá cả hợp lý. Tuy nhiên cả 3 yếu tố này, đến nay đều không đáp ứng được.

Sản phẩm CNHT của Việt Nam chủ yếu là linh kiện và vật liệu đơn giản, có giá trị thấp.
Sản phẩm CNHT của Việt Nam chủ yếu là linh kiện và vật liệu đơn giản, có giá trị thấp.

Khó khăn lớn nhất hiện nay mà DN CNHT Việt Nam đang đối mặt là tình trạng thiếu vốn để có thể đầu tư trang thiết bị, nhận chuyển giao công nghệ sản xuất phù hợp.

Vay vốn ngân hàng vô cùng khó, ông Dương Quang Trung, Giám đốc Công ty Thành Trung cho biết. Có lúc chúng tôi đã phải vay lãi suất 16,5%/năm. Nhiều ngân hàng đã đến công ty trực tiếp làm việc, nhưng đều nói không đủ điều kiện để vay.

"Ví dụ vay 1 tỷ, họ đòi mảnh đất thế chấp 2 tỷ thì tôi không có", ông Trung kể.

Theo ông Bùi Ngọc Huyên, Tổng giám đốc Công ty CP Ôtô Xuân Kiên (Vinaxuki), phải có chính sách hỗ trợ ưu đãi lớn nhằm khuyến khích các DN đầu tư vào CNHT. Ở một số nước như Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia... Chính phủ cho vay vốn với các dự án CNHT từ 0-3% và tùy từng lĩnh vực ưu tiên như sản xuất ô tô được vay lên tới 100 triệu USD với thời gian 20 năm.

Thái Lan hàng năm bỏ ra 10% số tiền thu thuế từ ôtô để thúc đẩy CNHT cho ngành này. Trong khi đó, Việt Nam mỗi năm thu được 2 tỷ USD từ thuế, phí ô tô mà không đầu tư lại cho ngành đồng nào. Chỉ cần chi 10% số tiền trên cho CNHT ô tô thì ngành này sẽ phát triển tốt, ông Huyên cho biết.

Bộ Công Thương đang đề nghị thành lập Quỹ đầu tư CNHT, với số vốn ban đầu 2.000 tỷ đồng, được cấp từ ngân sách Nhà nước, sau đó sẽ nâng lên 30.000 tỷ đồng bằng các nguồn huy động khác. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa thấy đâu và không biết có thành hiện thực hay không?

Theo các DN, muốn phát triển công nghiệp thì nền tảng phải vững chắc, mà nền tảng của các ngành công nghiệp chính là CNHT. Thiếu CNHT, nền công nghiệp Việt Nam hoàn toàn không được nuôi dưỡng.

Nếu chỉ có DN tâm huyết với CNHT mà Chính phủ không tâm huyết thì chẳng bao giờ thành công. CNHT của Thái Lan được như ngày hôm nay là do chính sách hỗ trợ của Chính phủ Thái Lan rất tốt, ngược lại Việt Nam thì không.

Đến cuối 2015 Cộng đồng kinh tế chung AEC được thành lập, hàng rào thuế quan sẽ được dỡ bỏ, khi đó DN sẽ tự do hơn về biên giới, về giao dịch kinh tế, họ sẽ cân nhắc xem tìm nơi đầu tư có môi trường thuận lợi để đầu tư và tất nhiên những nơi có công nghiệp hỗ trợ phát triển mạnh như Thái Lan, Indonessia... sẽ được ưu tiên, còn Việt Nam sẽ bị bỏ rơi.

Cũng tương tự như vậy, Việt Nam sẽ bỏ lỡ cơ hội lớn khi gia nhập Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TTP) khi CNHT yếu kém.

Theo Vietnamnet