Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) vừa công bố báo cáo kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển năm 2020.
Theo đó, trong năm 2019, VAMC đã mua 381 khoản nợ xấu (với tổng dư nợ gốc nội bảng là 20.544 tỷ đồng) của 9 tổ chức tín dụng (TCTD) bằng trái phiếu đặc biệt (TĐBT) với mức giá mua nợ là 19.846 tỷ đồng, đạt 99,23% kế hoạch đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phê duyệt.
Lũy kế từ khi thành lập đến cuối năm 2019, VAMC đã thực hiện mua nợ xấu bằng TPĐB với tổng dư nợ gốc nội bảng là 359.393 tỷ đồng, giá mua nợ là 327.413 tỷ đồng.
Đồng thời, doanh nghiệp này cũng đã thực hiện mua nợ xấu theo giá trị thị trường 37 khoản nợ với tổng giá mua nợ là 2.247 tỷ đồng, góp phần xử lý hơn 2.131 tỷ đồng dư nợ xấu cho TCTD, đạt 112% chỉ tiêu. Lũy kế từ năm 2017 đến 31/12/2019, VAMC đã thực hiện mua nợ xấu theo giá thị trường đạt 8.013 tỷ đồng dư nợ gốc nội bảng với giá mua nợ là 8.207 tỷ đồng.
Trong năm 2019, VAMC đã xử lý 69.778 tỷ đồng dư nợ gốc (đạt 140% kế hoạch NHNN phê duyệt); lũy kế đến 31/12/2019 tạm tính đạt 258.205 tỷ đồng dư nợ gốc. Tổng số tiền thu hồi nợ là 32.273 tỷ đồng. Lũy kế từ năm 2013 đến 31/12/2019 là 151.619 tỷ đồng.
Số tiền thu hồi từ xử lý tài sản bảo đảm của VAMC trong năm 2019 đạt 6.468 tỷ đồng, bán khoản nợ 16.265 tỷ đồng. Cùng với đó, VAMC đã miễn giảm 1.019 tỷ đồng tiền lãi.
Trong năm 2020, VAMC kế hoạch phát hành tối đa là 15.000 tỷ đồng TPĐB, mua nợ xấu theo giá thị trường dự kiến đạt 5.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, công ty này cũng dự kiến xử lý 50.000 tỷ đồng dư nợ trong năm.
VAMC cho biết sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các TCTD để thực hiện mua nợ xấu bằng TPĐB của các TCTD yếu kém, có thể gây rủi ro cho hệ thống, các TCTD có tỷ lệ nợ xấu lớn hơn 3% với phạm vi và số lượng nợ xấu theo quyết định của NHNN.
Bên cạnh đó, tập trung thực hiện mua theo giá trị thị trường đối với các khoản nợ xấu đã được VAMC mua bằng TPĐB; rà soát danh sách các khoản nợ đang hạch toán nội, ngoại bảng tại TCTD, lựa chọn các khoản nợ có tính khả thi trong việc xử lý sau khi mua để có cơ sở đề xuất thực hiện mua khoản nợ theo giá thị trường.
Cùng với đó, VAMC sẽ đẩy mạnh công tác xử lý nợ, phát triển thị trường mua bán nợ, thiết lập, vận hành Sàn giao dịch VAMC; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nội bộ; hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin, cơ cấu tổ chức bộ máy, đẩy mạnh công tác đào tạo cán bộ.
VAMC được thành lập và hoạt động theo Nghị định 53/2013/NĐ-CP của Chính phủ, Quyết định số 843/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 1459/QĐ-NHNN của NHNN Việt Nam.
Ngày 27/4/2018, VAMC được tăng vốn điều lệ từ 500 tỷ đồng lên 2.000 tỷ đồng với 100% là nguồn vốn ngân sách nhà nước.
VAMC là công cụ đặt biệt của Nhà nước nhằm góp phần xử lý nhanh nợ xấu, lành mạnh hóa tài chính, giảm thiểu rủi ro cho các TCTD, doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng tín dụng hợp lý nền kinh tế./.