Lợi nhuận nhiều ngân hàng trong năm nay có nguy cơ chững lãi, thậm chí sụt giảm mạnh. Ảnh: THÀNH HOA
|
Sau nhiều năm liên tiếp ghi nhận kết quả kinh doanh tốt, lợi nhuận nhiều ngân hàng trong năm nay có nguy cơ chững lại, thậm chí sụt giảm mạnh. Không chỉ vì nguyên nhân phải đáp ứng mục tiêu giảm lãi suất vay vốn để hỗ trợ cho nền kinh tế, mà thực tế hoạt động kinh doanh của ngành xương sống này đang ở thế bị bủa vây bởi muôn trùng khó khăn.
Thế khó của “Big 4”
Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú gần đây cho biết những ngân hàng thương mại có vốn của Nhà nước năm nay dứt khoát phải giảm khoảng 40% lợi nhuận. Ví dụ Vietcombank, năm ngoái đạt khoảng 22.000 tỉ đồng tiền lãi thì năm nay phải giảm 30-40%, tức đóng góp ít nhất 8.000 tỉ đồng dành cho vấn đề hạ lãi suất.
Trong một diễn biến khác mới đây, theo tài liệu họp đại hội đồng cổ đông, VietinBank dù đặt kế hoạch quy mô kinh doanh vẫn có sự tăng trưởng, như dư nợ tín dụng dự kiến tăng 4-8,5%, nguồn vốn huy động tăng 5-10% so với năm 2019, nhưng lại tiếp tục bỏ ngỏ kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2020; đồng thời cho biết tiếp tục bám sát diễn biến và tác động của dịch Covid-19 để tính toán và cập nhật kế hoạch lợi nhuận. Cần biết rằng hồi đầu năm nay, tại hội nghị tổng kết kinh doanh năm 2019 và triển khai nhiệm vụ kinh doanh năm 2020, Tổng giám đốc VietinBank đã chia sẻ về kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận từ 10% trở lên trong năm 2020.
Trước xu hướng giảm giá của các thị trường tài sản, như bất động sản, hoạt động xử lý, thu hồi các khoản nợ xấu cũ lẫn mới phát sinh của các ngân hàng cũng sẽ gặp thêm nhiều thách thức. Do đó, các khoản thu nhập bất thường, vốn đã đóng góp đáng kể vào kết quả kinh doanh của nhiều ngân hàng trong thời gian qua, cũng sẽ không còn cao như những năm trước đây. |
Một “ông lớn” khác là BIDV dù đã thông qua nghị quyết họp đại hội đồng cổ đông từ đầu tháng 3-2020 với kế hoạch lợi nhuận trước thuế hợp nhất là 12.500 tỉ đồng, tăng 16,5% so với năm 2019 trong điều kiện dịch Covid-19 sớm được kiểm soát, nhưng trước phát biểu của Phó thống đốc NHNN như trên thì chưa rõ BIDV sẽ điều chỉnh ra sao trong giai đoạn tới.
Riêng Agribank, trong năm nay sẽ phải tập trung tối đa mọi nguồn lực để thực hiện cổ phần hóa và hoàn thành toàn diện các mục tiêu tái cơ cấu giai đoạn 2, nhưng vốn là một ngân hàng có dư nợ cho vay nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn và thường xuyên thực hiện các nhiệm vụ chính trị, nên lợi nhuận ắt hẳn cũng sẽ bị ảnh hưởng mạnh.
Không chỉ nhóm ngân hàng thương mại cổ phần gốc nhà nước, các ngân hàng thương mại khác cũng đều khá e dè khi xác định chỉ tiêu lợi nhuận cho năm nay, trước tình hình diễn biến dịch bệnh vẫn còn khó lường và có thể gây thiệt hại nặng nề lên nền kinh tế. Ngân hàng Nam Á đặt mục tiêu lãi trước thuế 800 tỉ đồng, giảm 14% so với năm trước dù các chỉ tiêu khác vẫn tăng trưởng; SeABank dù kết quả lợi nhuận năm 2019 đạt 1.390 tỉ đồng, tăng 123,4% so với năm trước, nhưng năm 2020 chỉ đặt mục tiêu tăng nhẹ 8,3%. Đối với các ngân hàng đã sớm đặt kế hoạch từ đầu năm, không loại trừ khả năng sẽ phải đề xuất điều chỉnh giảm kế hoạch lợi nhuận tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông diễn ra trong thời gian tới.
Không chỉ vì hỗ trợ doanh nghiệp...
Nhiệm vụ phải hỗ trợ những khách hàng đang bị thiệt hại vì dịch bệnh được cho là nguyên nhân cốt lõi ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của các ngân hàng trong năm nay, khi các ngân hàng không chỉ phải cơ cấu nợ, miễn, giảm lãi cho khách hàng, mà còn phải giảm lãi suất, triển khai các chương trình cho vay ưu đãi để hỗ trợ khách hàng vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay. Theo thông tin từ NHNN, dư nợ từ các lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 tính đến thời điểm này vào khoảng 925.000 tỉ đồng, tương đương 11% tổng dư nợ của hệ thống ngân hàng.
Ngoài ra, nợ xấu thực tế của ngành ngân hàng có nguy cơ tăng lên là điều khó tránh khỏi vì các biện pháp cơ cấu nợ, giãn nợ, khoanh nợ nếu thực hiện về cơ bản chỉ giúp làm đẹp sổ sách; còn thực chất các khoản lãi vay của ngân hàng vẫn sẽ bị ảnh hưởng đáng kể. Trong khi đó, với những khoản vay không đủ điều kiện để tái cơ cấu nợ, ngân hàng buộc vẫn phải chuyển thành nợ xấu theo quy định, kéo theo áp lực thoái thu lãi và trích lập dự phòng, từ đó cũng kéo lùi lợi nhuận.
Nguồn thu nhập từ lãi cũng bị ảnh hưởng tiêu cực khi các ngân hàng dự kiến sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc phát triển cho vay. Dù NHNN vẫn kiên trì với mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế năm nay vào khoảng 11-14%, nhiều ngân hàng vẫn kỳ vọng sẽ hoàn thành hạn mức tăng trưởng tín dụng được giao, nhưng trong bối cảnh nhu cầu vay vốn suy yếu đáng kể khi rủi ro hiện nay là quá lớn, thì khó mà lạc quan về hoạt động cho vay của các ngân hàng trong năm nay.
Như mới đây tăng trưởng tín dụng sau khi đạt mức 1,3% tính đến hết quí 1, thì thông tin từ Vụ Tín dụng các ngành kinh tế thuộc NHNN cho biết tính đến giữa tháng 4-2020 chỉ còn tăng 0,8%. Như vậy riêng trong nửa đầu tháng 4 tín dụng đã giảm 0,5 điểm phần trăm. Nguyên nhân, theo NHNN là do nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp sụt giảm mạnh bởi không chỉ Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới thực hiện giải pháp giãn cách xã hội khiến tiêu dùng và xuất khẩu giảm mạnh, nguyên liệu đầu vào lẫn thị trường đầu ra đều khó khăn. Trong bối cảnh này, doanh nghiệp tập trung vào việc thu hồi vốn, trả nợ vay, không có nhu cầu vay vốn tiếp. Theo đó, các ngân hàng thương mại cổ phần gốc quốc doanh muốn đẩy mạnh vốn vay mà không thể cho vay được.
Đáng lưu ý là trước xu hướng giảm giá của các thị trường tài sản, như bất động sản, hoạt động xử lý, thu hồi các khoản nợ xấu cũ lẫn mới phát sinh của các ngân hàng cũng sẽ gặp thêm nhiều thách thức. Do đó, các khoản thu nhập bất thường, vốn đóng góp đáng kể vào kết quả kinh doanh của nhiều ngân hàng trong thời gian qua, cũng sẽ không còn cao như những năm trước đây. Ngoài ra, việc thị trường bất động sản hay cổ phiếu đi xuống cũng khiến tài sản thế chấp của các ngân hàng giảm giá trị, do đó chi phí trích lập dự phòng rủi ro cũng sẽ đối mặt với áp lực tăng khi tiến hành đánh giá lại tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu.
Ở các khoản thu phi lãi, thu nhập từ các hoạt động thoái vốn, hợp tác bảo hiểm hay dịch vụ cũng sẽ bị tác động tiêu cực khi nền kinh tế đi xuống do tiềm năng phát triển không còn hấp dẫn như trước. Đơn cử như dịch vụ bảo hiểm, vốn chiếm tỷ trọng đáng kể trong nguồn thu phí của nhiều ngân hàng những năm gần đây, có thể sẽ giảm khi bảo hiểm là một trong những chi phí cần cắt giảm đầu tiên khi khách hàng gặp khó khăn. Hay phí thu từ thanh toán quốc tế rõ ràng cũng sẽ suy yếu khi các hoạt động giao thương xuất nhập khẩu trì trệ trong tình hình hiện nay.
Điểm tích cực tác động lên lợi nhuận năm nay có lẽ đến từ việc các ngân hàng buộc phải tiết giảm chi phí hoạt động, nhưng chủ yếu cũng nhằm mục tiêu giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ nền kinh tế. Ngoài ra, chi phí vốn đầu vào cũng có thể tối ưu hơn, trước xu hướng lãi suất tiền gửi được điều chỉnh giảm trong thời gian gần đây, cộng thêm việc được giữ lại lợi nhuận, không phải chia cổ tức bằng tiền mặt, theo như chỉ thị của NHNN, cũng giúp giảm sức ép lên tăng trưởng huy động vốn.
Trong bối cảnh khó khăn bủa vây muôn trùng, có lẽ không quá ngạc nhiên khi mới đây hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings đã quyết định hạ triển vọng tín nhiệm của năm ngân hàng thương mại Việt Nam, bởi tốc độ tăng trưởng thấp do đại dịch Covid-19 gây ra. Fitch cũng dự đoán rằng lợi nhuận của các ngân hàng sẽ chịu áp lực đáng kể do nhu cầu tín dụng giảm và lãi suất cho vay thấp hơn sau khi NHNN tuyên bố cắt giảm lãi suất và yêu cầu các ngân hàng chung tay hỗ trợ cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Chính vì vậy, Fitch đã hạ triển vọng về lợi nhuận của các ngân hàng xuống mức “Tiêu cực”.
Theo TBKTSG