LTS: Theo đánh giá bước đầu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến nay, dư nợ tín dụng dự kiến bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 khoảng 2 triệu tỉ đồng, chiếm khoảng 23% dư nợ toàn hệ thống, tiềm ẩn rủi ro đối với hoạt động ngân hàng. Điều này càng đáng lo ngại hơn khi nhìn vào bức tranh tổng quát về quy mô nợ của nền kinh tế và lộ trình tái cấu trúc ngành ngân hàng. Cần làm gì để kiềm chế nợ xấu thời đại dịch?
Nợ xấu gia tăng do, ví dụ, các khoản cho vay bị xếp hạng thành nợ khó đòi, không có khả năng thu hồi, sẽ không chỉ trực tiếp làm thiệt hại về lợi nhuận cho ngân hàng mà còn gây ra những tác động dây chuyền nghiêm trọng khác. Trong đó, phải kể đến việc ngân hàng cần để dành thêm vốn trên bảng cân đối tài sản để bù đắp tổn thất nợ xấu này.
Nếu ngân hàng không thu xếp đủ vốn dự trữ bù đắp cho nợ xấu thì ngân hàng buộc phải cắt giảm, thậm chí đóng băng việc cho vay, cấp tín dụng (cho doanh nghiệp và cá nhân khác). Sức khỏe tài chính của những ngân hàng này sẽ là nguyên nhân để ngân hàng trung ương và các cơ quan giám sát tiền tệ quốc gia “để mắt” chặt chẽ, giám sát từng hoạt động và đặt ra các điều kiện nghiêm ngặt để được phép hoạt động bình thường trở lại.
Về phía con nợ, khi có nợ thành nợ xấu thì họ sẽ gặp khó khi huy động vốn hoặc vay nợ mới, và chi phí vay nợ cũng sẽ tăng lên tương ứng với hạng tín nhiệm đi xuống của mình.
Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 tất yếu sẽ dẫn đến một kết cục không tránh khỏi là nhiều món nợ sẽ trở thành nợ xấu, chất lượng tài sản của mọi ngân hàng đi xuống, còn nợ xấu sẽ tăng lên cho hệ thống ngân hàng khắp thế giới. Để kiềm chế và giảm thiểu hậu quả của những xu hướng tiêu cực này thì cần sự “vào cuộc” của cả hai phía, nhà quản lý nhà nước và bản thân các ngân hàng thương mại.
Thế nào là nợ xấu là một vấn đề mang tính chủ quan, phụ thuộc vào định nghĩa của nhà quản lý nhà nước. Bởi vậy, giải pháp đơn giản và trực tiếp nhất là nới lỏng hoặc sửa lại định nghĩa và các quy định phân loại nợ xấu để nợ xấu vẫn là... “đẹp” trên sổ sách các ngân hàng thương mại. Hành động kiểu “đà điểu vùi đầu trong cát” để tránh nguy hiểm như thế này được dựa trên niềm hy vọng là các con nợ của ngân hàng thương mại sẽ phục hồi và hoạt động lành mạnh như cũ, khi đại dịch qua đi.
Giải pháp thứ hai là nhà quản lý cần ban bố lệnh đình trả nợ (gốc và lãi) cho những con nợ “đối mặt với khó khăn liên quan đến dịch Covid-19”, trong một thời hạn nhất định, thường là sáu tháng, như hàng loạt ngân hàng trung ương trên thế giới đã và sắp thực hiện. Mục đích là không đẩy con nợ lún sâu thêm vào khó khăn do thâm hụt dòng tiền, biến họ từ có khả năng vỡ nợ thành vỡ nợ thật.
Điều này còn cho phép ngân hàng thương mại cơ cấu lại nợ cho con nợ mà không làm phương hại đến việc đánh giá đúng mực khách hàng, cũng như tránh cho ngân hàng phải ghi nhận tổn thất tín dụng này vào chi phí hoạt động của mình.
Thứ ba, nhà quản lý cần nới lỏng các quy định về an toàn vốn tối thiểu, vốn dự trữ để ngân hàng thương mại có thêm vốn cho vay doanh nghiệp và cá nhân bị ảnh hưởng bởi dịch mà mục đích cuối cùng vẫn là giữ cho các doanh nghiệp này sống sót để có khả năng trả nợ.
Tuy nhiên, đi kèm đó, cần làm ngân hàng thương mại hiểu rõ rằng phần vốn được nới lỏng này cần phải được sử dụng để hỗ trợ doanh nghiệp và cá nhân bị ảnh hưởng bởi dịch chứ không phải là để hỗ trợ chi trả... thưởng hay cổ tức!
Thứ tư, một số ngân hàng trung ương như của Indonesia còn ra lệnh cho các ngân hàng thương mại nước này dừng ngay việc dùng dịch vụ đòi nợ để thu hồi nợ từ những con nợ bị ảnh hưởng của dịch, ít nhất là trong thời điểm hiện tại, như là một phần trong các biện pháp giúp doanh nghiệp thêm cơ hội tồn tại trong cơn đại dịch.
Ngoài ra, ngân hàng trung ương của Indonesia còn giảm số lượng tiêu chí đánh giá một khoản vay có là nợ xấu hay không từ ba (triển vọng kinh doanh, tình hình tài chính, và sự tuân thủ trả nợ) xuống còn duy nhất một (tuân thủ trả nợ). Nếu vẫn cứ giữ nguyên ba tiêu chí đánh giá chất lượng nợ như cũ thì nợ của phần lớn doanh nghiệp sẽ thành nợ xấu dù các doanh nghiệp này vẫn cố gắng trả nợ gốc và lãi đúng hạn, bởi triển vọng kinh doanh và tình hình tài chính của chúng đều lao dốc trầm trọng giữa cơn đại dịch.
Thứ năm, chuẩn mực kế toán IFRS 9 yêu cầu ngân hàng trích dự phòng vốn cho tổn thất tín dụng kỳ vọng chứ không phải là thực tế. Đại dịch làm cho tác động tiêu cực lên doanh thu và lợi nhuận của ngân hàng thương mại sẽ xuất hiện sớm hơn bởi nó làm cho chất lượng tài sản đi xuống.
Để giảm thiểu tác động này thì một số ngân hàng trung ương trên thế giới đã sửa đổi quy định về vốn bổ sung tối thiểu (trụ cột 2) để ngân hàng thương mại tiếp tục gia hạn hoặc ngừng áp dụng ngày đến hạn trả nợ (nhằm giữ nguyên chất lượng khoản vay, tức chất lượng tài sản). Tất nhiên, điều kiện để được nới lỏng là chất lượng khoản vay sẽ bị xấu đi bởi dịch Covid-19 chứ không phải là hậu quả của hành vi cho vay bất cẩn của ngân hàng thương mại.
Cuối cùng, nhà quản lý cần thống nhất hành động hỗ trợ một cách đồng bộ từ các ngân hàng thương mại, đồng thời làm yên lòng các ngân hàng thông qua cam kết sẵn sàng hỗ trợ về vốn, thanh khoản với tư cách là người cho vay cuối cùng...
Cho đến nay, Việt Nam đã thực thi một số trong những giải pháp trên bên cạnh những giải pháp cụ thể khác. Với giải pháp đình trả nợ gốc và lãi, hiện đang được ngân hàng thương mại “tùy nghi” áp dụng, ví dụ có ngân hàng tuyên bố giảm 1 điểm phần trăm lãi suất các khoản cho vay tiêu dùng... Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nên chính thức yêu cầu các ngân hàng thực thi đồng bộ việc đình trả nợ này trên toàn hệ thống, xét đến tác động của giải pháp này như đã nêu ở trên.
Về giải pháp sửa đổi yêu cầu về vốn bổ sung tối thiểu và trích lập dự phòng, do IFRS 9 mới chỉ được đề xuất áp dụng ở Việt Nam mấy năm sau theo lộ trình và theo nhóm nên NHNN có thể xem xét thay thế bằng cách nới lỏng lộ trình áp dụng hay nới lỏng bản thân quy định về vốn và trích lập dự phòng theo tổn thất thực tế, đã phát sinh theo tiêu chuẩn kế toán hiện hành.
Tất nhiên, do các mức quy định về vốn và trích lập dự phòng của Việt Nam còn quá thấp và lỏng lẻo so với thế giới, tức đồng nghĩa với khả năng chịu đựng rủi ro của ngân hàng Việt Nam còn quá thấp, nên việc nới lỏng quy định hiện tại càng làm tăng rủi ro cho hệ thống ngân hàng và NHNN càng phải sẵn sàng can thiệp hỗ trợ như cho vay tái cấp vốn...
Các ngân hàng cần khẩn trương xác định các ngành, lĩnh vực và khách hàng bị ảnh hưởng nhất bởi dịch bệnh để có được giải pháp hỗ trợ hữu hiệu nhất. Các giải pháp hỗ trợ cần phải chính xác, thống nhất, cụ thể.
Thực tế thì nhiều ngân hàng đã xem xét và thực thi các giải pháp như gia hạn thanh toán và sẵn sàng cho vay với lãi suất ưu đãi... Nhưng những giải pháp này chỉ là những giải pháp áp dụng chung cho mọi khách hàng “chịu ảnh hưởng của dịch”.
Điều các ngân hàng cần làm là khu biệt hóa cơ sở khách hàng để tối đa hóa sự hỗ trợ. Việc này bao gồm chủ động làm việc với khách hàng để hiểu rõ tình hình của họ; khu biệt hóa danh mục cho vay dựa vào nhu cầu vay vốn kỳ vọng; tự tìm tòi, phát hiện ra lĩnh vực nào thì sự hỗ trợ sẽ là hiệu quả nhất; và tiến hành kịp thời các hành động giảm thiểu rủi ro đối với các khoản vay mất khả năng thanh toán được phát hiện sớm.
Các ngân hàng thường thì cũng đã có những giải pháp hỗ trợ này trước đây nhưng tình hình hiện nay đòi hỏi sự hỗ trợ trên phạm vi địa lý rộng hơn nhiều. Hỗ trợ khách hàng trong những lúc nghiêm trọng như hiện nay sẽ củng cố vững chắc quan hệ với khách hàng và tái khẳng định vai trò của ngân hàng như bà đỡ của nền kinh tế.
Với các khoản vay ưu đãi, ngân hàng thương mại phải có biện pháp để đảm bảo chắc rằng các khoản vay ưu đãi mà họ đã và sẽ công bố sẽ được doanh nghiệp sử dụng một cách cẩn trọng để không trở thành nợ xấu khi tình hình trở lại bình thường.
Với các khoản vay được đình trả nợ, ngân hàng thương mại cần phải đưa ra một kế hoạch trả nợ phù hợp để khách hàng có thể trả nợ gốc và lãi sau giai đoạn đình trả nợ này. Khách hàng cần được làm cho hiểu rõ rằng sự đình trả nợ này chỉ là tạm thời ngừng trả nợ, chứ không phải là xóa nợ, và sẽ phải trả nợ đầy đủ khi họ đã hồi phục.
Tất nhiên, cuối cùng thì ngân hàng phải tự đánh giá và chịu trách nhiệm với rủi ro tín dụng của mình dựa trên mức độ tín nhiệm của khách hàng. Khách hàng nào có nền tảng kinh doanh vững chắc trước khi nổ ra dịch Covid-19 và hiện phải đối mặt với dòng tiền âm thì cần được cứu trợ để đứng dậy mạnh mẽ hơn sau dịch, và ngược lại.
Theo TBKTSG