Ukraine tuyệt vọng cầm cự ở Kursk cho đến khi ông Trump nhậm chức

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Quân đội Ukraine đang chiến đấu ở vùng Kursk của Nga đã được lệnh cầm cự cho đến khi tân tổng thống Mỹ tuyên thệ nhậm chức, theo BBC.

Một binh sĩ Ukraine gần biên giới Nga-Ukraine, ngày 30/9. Ảnh: Getty.
Một binh sĩ Ukraine gần biên giới Nga-Ukraine, ngày 30/9. Ảnh: Getty.

Một số lữ đoàn của Ukraine đã tiến vào khu vực biên giới của Nga vào đầu tháng 8, hướng tới một nhà máy điện hạt nhân. Quân đội Ukraine thừa nhận với truyền thông phương Tây rằng mục tiêu của cuộc tấn công là nhằm chuyển hướng lực lượng Nga khỏi mặt trận Donbass.

“Tình hình đang trở nên tồi tệ hơn mỗi ngày”, một trong những người lính nói với BBC qua tin nhắn, theo một bài báo đăng hôm đầu tuần này.

Đài truyền hình nhà nước Anh cho biết, những tin nhắn nhận được từ binh lính Ukraine qua Telegram “đã vẽ nên một bức tranh ảm đạm về một trận chiến mà họ không hiểu rõ và lo sợ mình có thể thua”.

Theo BBC, các tin nhắn “đều mang giọng điệu ảm đạm”. Một người lính cho biết thất bại của họ “chỉ là vấn đề thời gian”.

“Họ nói về điều kiện thời tiết khắc nghiệt và tình trạng thiếu ngủ kinh niên do Nga ném bom liên tục, bao gồm cả việc sử dụng bom lượn đáng sợ nặng 3.000 kg”, hãng tin này cho hay. “Họ cũng đang rút lui”.

Một số binh sĩ cho rằng sứ mệnh ban đầu nhằm chuyển hướng nguồn lực của Moscow đã thất bại. Lực lượng Nga đã đạt được những bước tiến lớn ở miền nam Donbass kể từ đầu tháng 8. Dù thế nào đi nữa, nhiệm vụ hiện tại của họ là tiếp tục cầm cự cho đến khi Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump tuyên thệ nhậm chức vào cuối tháng 1.

“Nhiệm vụ chính mà chúng tôi phải đối mặt là nắm giữ lãnh thổ tối đa cho đến khi ông Trump nhậm chức và bắt đầu các cuộc đàm phán. Để sau này đổi lấy thứ gì đó. Không ai biết điều gì”, một người lính, được xác định là Pavel, cho biết.

BBC cho biết khoảng 40% lãnh thổ Kursk mà Ukraine chiếm giữ ban đầu đã được Nga chiếm lại. Một người lính tên Vadim cho biết họ đang “vật lộn một chút” để giữ vững vị trí.

Khi được hỏi liệu tên lửa tầm xa của phương Tây mà Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky muốn được phép sử dụng có giúp ích gì cho tình hình hiện nay hay không, các binh sĩ cho biết họ không nhận thấy khác biệt.

“Chúng tôi không hề bàn về tên lửa”, một lính thủy đánh bộ được xác định là Miroslav cho biết.

Binh sĩ này so sánh cuộc giao tranh hiện tại với trận Krynki, nơi anh từng chiến đấu trước đây. Hàng trăm lính thủy đánh bộ Ukraine đã thiệt mạng khi cố gắng chiếm và giữ ngôi làng ở tả ngạn sông Dnieper, trong một chiến dịch được cho là do Anh lên kế hoạch và thúc đẩy và được thực hiện bởi Kiev.

“Ý tưởng tốt nhưng cách thực hiện lại tệ hại”, Miroslav nói. “Có hiệu ứng truyền thông nhưng không có kết quả quân sự”.

Kiev tuyên bố có tới 10.000 binh sĩ Triều Tiên đã được triển khai tới Kursk để giúp đỡ người Nga. Các thủ đô phương Tây đã viện dẫn điều này để biện minh cho việc thay đổi chính sách của họ về tên lửa. Binh sĩ Ukraine được cung cấp máy bay không người lái hoặc được nghỉ phép thêm nếu họ mang theo tù nhân Triều Tiên. Tuy nhiên, họ vẫn chưa gặp phải bất kỳ lính Triều Tiên nào.

“Rất khó tìm được một người Triều Tiên trong khu rừng Kursk tối tăm. Đặc biệt nếu họ không có ở đây”, Pavel nhắn tin cho BBC.

Tuy nhiên, các chỉ huy ở Kiev khẳng định với BBC rằng cuộc xâm nhập Kursk vẫn có mục đích.

“Tình trạng này khiến [Tổng thống Nga Vladimir] Putin khó chịu”, một quan chức giấu tên nói.