Tổng thống Putin phê duyệt chi tiêu quốc phòng kỷ lục

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã phê duyệt ngân sách quốc phòng kỷ lục, dành ra 1/3 tổng chi tiêu của chính phủ khi cuộc chiến ở Ukraine làm cạn kiệt nguồn lực của cả hai bên trong gần 3 năm qua.

Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: CNBC.
Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: CNBC.

Ngân sách cho năm 2025, được công bố hôm 1/12, phân bổ khoảng 126 tỷ USD (13,5 nghìn tỷ rúp) cho quốc phòng – chiếm tới 32,5% chi tiêu của chính phủ. Khoản ngân sách quốc phòng này cao hơn khoảng 28 tỷ USD (3 nghìn tỷ rúp) so với kỷ lục trước đó được thiết lập trong năm nay.

Ngân sách 3 năm mới dự báo chi tiêu quân sự sẽ giảm nhẹ trong năm 2026 và 2027. Các nhà lập pháp ở cả hai viện của Quốc hội Nga đã thông qua ngân sách.

Cuộc chiến của Nga ở Ukraine là cuộc xung đột lớn nhất ở châu Âu kể từ Thế chiến II. Moscow hiện đang giành được lợi thế tại các điểm quan trọng dọc tiền tuyến và tiến hành phản công ở Kursk – khu vực mà Kiev tấn công, được cho là bước tiến duy nhất của họ, trong năm nay.

Nhưng cuộc chiến khốc liệt, chậm chạp – thường được gọi là cuộc chiến tiêu hao, trong đó cả hai bên đều cố gắng làm suy yếu đối phương – đã làm cạn kiệt nguồn tài nguyên của cả hai nước.

Ukraine luôn ở thế yếu cả về vật lực lẫn nhân lực dù đã nhận được hàng tỷ USD viện trợ từ các đồng minh phương Tây. Vẫn chưa rõ Ukraine sẽ tiếp tục nhận được bao nhiêu viện trợ sau khi Tổng thống đắc cử Donald Trump nhậm chức.

Trong khi đó, Nga có nhiều vũ khí hơn, nhiều đạn dược hơn và quân số đông hơn – nhưng căng thẳng đối với nền kinh tế và dân số của nước này ngày càng gia tăng.

Nga đã tăng mạnh chi tiêu quân sự trong 2 năm qua và nền kinh tế nước này hiện đang có dấu hiệu quá tải: lạm phát tăng cao và các công ty đang phải đối mặt với tình trạng thiếu lao động. Cố gắng kiểm soát tình hình, Ngân hàng Trung ương Nga đã tăng lãi suất lên 21% trong tháng 10, cao nhất trong nhiều thập kỷ.

Và mặc dù Nga có nhiều người hơn Ukraine, nhưng nước này cũng chịu tổn thất đáng kể trên chiến trường. Triều Tiên gần đây đã gửi một loạt binh sĩ đến giúp Nga chiến đấu ở tiền tuyến – Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết vào tháng 11 rằng có khoảng 11.000 binh sĩ Triều Tiên đang ở Kursk.

Theo các quan chức quốc phòng Ukraine và số liệu của kênh CNN, một số vũ khí của Nga bắt nguồn từ Triều Tiên, chiếm gần 1/3 số tên lửa đạn đạo bắn vào Ukraine trong năm nay. Quân đội Triều Tiên có thể giúp đỡ những nỗ lực của Nga trong một thời gian - nhưng những tổn thất vật chất có thể khó bù đắp hơn.