Đào ngũ tập thể
Một sự kiện đáng chú ý đã xảy ra vào cuối tháng 10, khi hàng trăm binh sĩ thuộc Lữ đoàn 123 của Ukraine rời bỏ vị trí không phép tại thị trấn Vuhledar. Họ trở về quê nhà ở vùng Mykolayiv và công khai tổ chức biểu tình, yêu cầu được cung cấp thêm vũ khí và huấn luyện đầy đủ.
"Chúng tôi đến Vuhledar chỉ với súng trường tự động. Họ bảo sẽ có 150 xe tăng yểm trợ, nhưng thực tế chỉ có 20 chiếc…và không có thêm sự hỗ trợ nào", một sĩ quan giấu tên của Lữ đoàn 123 chia sẻ với tờ Financial Times.
Từ tháng 1 đến tháng 10 năm nay, các cơ quan công tố đã khởi tố 60.000 vụ án liên quan đến đào ngũ, gần gấp đôi tổng số của cả năm 2022 và 2023. Những binh sĩ bị kết tội có thể phải đối mặt với án tù lên đến 12 năm.
Một số binh sĩ của Lữ đoàn 123 đã quay lại tiền tuyến, nhưng nhiều người vẫn đang lẩn trốn hoặc bị tạm giữ chờ xét xử, theo thông tin từ các quan chức địa phương.
Mặc dù nam giới trong độ tuổi nhập ngũ bị cấm xuất cảnh, một số binh sĩ đã lợi dụng cơ hội được cử đi huấn luyện ở nước ngoài để đào ngũ. Một quan chức an ninh Ba Lan tiết lộ rằng trung bình mỗi tháng có khoảng 12 binh sĩ Ukraine bỏ trốn khỏi các khóa huấn luyện quân sự tại nước này. Bộ Quốc phòng Ba Lan khẳng định vấn đề này thuộc thẩm quyền giải quyết của phía Ukraine.
Tình trạng đào ngũ ngày càng gia tăng đang tạo ra thách thức nghiêm trọng cho Kiev. Kể từ mùa Hè năm nay, Nga đã tận dụng lợi thế quân số để chiếm thêm nhiều khu vực với tốc độ nhanh chưa từng có kể từ năm 2022. Điều này, kết hợp với việc Ukraine không thể luân chuyển binh sĩ từ hậu phương ra tiền tuyến, đã khiến thương vong gia tăng và làm giảm tinh thần của những người trong độ tuổi nhập ngũ, theo các nhà phân tích quân sự.
Một sĩ quan của Lữ đoàn 123 chia sẻ với Financial Times rằng đơn vị của ông đã không được luân chuyển trong suốt 3 năm qua, mặc dù theo quy định, binh sĩ cần được nghỉ 4 tuần tại căn cứ để hồi phục sức khỏe, huấn luyện và sửa chữa trang thiết bị.
"Không có lý do gì để tiếp tục hy sinh binh sĩ vì một thị trấn đã bị phá hủy từ hơn một năm trước như Vuhledar", ông nói. "Thay vì cho họ nghỉ ngơi, chúng ta lại buộc họ đối mặt với những hiểm nguy không cần thiết".
Người phát ngôn của Lữ đoàn 123 từ chối bình luận về vấn đề này.
Tinh thần binh sĩ suy giảm
Sự kiệt quệ về thể chất lẫn tinh thần không chỉ xuất hiện ở một vài cá nhân. Hàng chục binh sĩ tại các vùng Mykolayiv và Zaporizhzhia thừa nhận rằng họ cảm thấy kiệt sức và phải đối mặt với những vấn đề tâm lý nghiêm trọng. Dù phần lớn người dân Ukraine không muốn đất nước mình rơi vào tay kẻ thù, nhưng nhiều người vẫn chưa sẵn sàng xung phong chiến đấu.
Hiện tại, lực lượng vũ trang Ukraine có khoảng 1 triệu binh sĩ, nhưng chỉ 350.000 người trực tiếp tham gia chiến đấu. Phần lớn các vụ đào ngũ xảy ra trong hàng ngũ bộ binh và lính xung kích – những người phải chịu áp lực lớn nhất, theo một quan chức Bộ Tổng tham mưu Ukraine.
Để giải quyết vấn đề, Quốc hội Ukraine gần đây đã thông qua quy định miễn truy tố đối với những binh sĩ lần đầu đào ngũ nếu họ tự nguyện quay lại phục vụ. Ngoài ra, Kiev cũng triển khai các chiến dịch tuyên truyền và một công cụ giao tiếp tự động (chatbot) để thuyết phục binh sĩ trở lại chiến trường.
Trong bối cảnh Nga tiếp tục tiến sâu vào miền Đông, các nhà phân tích cảnh báo Ukraine có thể sẽ mất những khu vực chiến lược mà khó có thể giành lại trong thời gian ngắn. Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) ước tính Nga đã kiểm soát thêm 2.700 km vuông lãnh thổ trong năm 2024, so với chỉ 465 km vuông vào năm trước.
Chật vật tuyển mộ binh sĩ
Mục tiêu tuyển thêm 160.000 binh sĩ trong 3 tháng tới của Ukraine đang gặp nhiều trở ngại, đặc biệt sau loạt vụ bê bối liên quan đến tham nhũng và tình trạng cưỡng bức nhập ngũ.
Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Rustem Umerov cam kết sẽ loại bỏ hình thức "nhập ngũ xe buýt", khi các cán bộ tuyển quân cưỡng ép những người chưa đăng ký nghĩa vụ quân sự lên xe buýt, và thay thế bằng hệ thống nhập ngũ tự nguyện, cho phép binh sĩ lựa chọn lữ đoàn và nhiệm vụ phù hợp.
Tuy nhiên, các đồng minh như Mỹ và Anh đã gây áp lực buộc Ukraine giảm độ tuổi nhập ngũ từ 25 xuống 18 để bổ sung lực lượng. Một quan chức Mỹ nhấn mạnh: "Ukraine hiện không huy động đủ binh sĩ để đối phó với áp lực từ phía Nga".
Quyết định gần đây của Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal, trong đó ưu tiên triệu tập những người trốn thuế vào quân đội, đã vấp phải nhiều chỉ trích. Một số binh sĩ cho rằng việc bảo vệ tổ quốc không nên bị coi như hình thức trừng phạt.
Bohdan – người lính mất một cánh tay vào năm ngoái và hiện đang làm tài xế quân đội, vận chuyển giữa tuyến hậu phương và tiền tuyến gần Dnipro ở miền nam Ukraine – cho biết nhiều người dân Ukraine đang cố gắng phớt lờ cuộc chiến và lãng quên những hy sinh của quân đội để bảo vệ an toàn cho họ.
"Họ quên rằng chính nhờ có lực lượng vũ trang mà Dnipro vẫn có thể tồn tại", Bohdan nói. Anh không phản đối việc dân thường tận hưởng cuộc sống miễn là quân đội có đủ các trang thiết bị cần thiết. "Thế nhưng chúng tôi phải đi khắp nơi để xin – từ máy bay không người lái, kính hồng ngoại cho đến tiền sửa chữa xe cộ".
Đối với những người Ukraine đã mất người thân trong cuộc chiến, khát khao có một cuộc sống bình thường của những người khác khiến họ cảm thấy phẫn nộ.
"Tôi không muốn nghe người dân thường nói rằng họ mệt mỏi", Nataliia Logynovych, người đã mất anh trai trong Lữ đoàn 123 vào mùa Xuân, chia sẻ. "Họ [những người lính] mới là những người mệt mỏi, chứ không phải chúng ta".
Tổng thống Putin phê duyệt chi tiêu quốc phòng kỷ lục
Thực tế thảm khốc của chiến tranh Nga-Ukraine qua các cuộc trao đổi thi thể binh sĩ tử trận
Nhà Trắng bình luận về việc cung cấp vũ khí hạt nhân cho Ukraine
Theo Financial Times