Ukraine khẩn cấp đính chính: mục tiêu gia nhập NATO không thay đổi!

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Để tránh chiến tranh với Nga, Ukraine có thể từ bỏ gia nhập NATO? Đại sứ Ukraine tại Vương quốc Anh và Bộ Ngoại giao Ukraine đã khẩn trương đính chính những phát biểu trước đó của ông đại sứ khi trả lời phỏng vấn của đài BBC.
Ngày 14/2, Đại sứ Ukraine ở Anh Vadym Prystaiko lên tiếng đính chính, làm rõ những phát biểu của ông trước đó về việc Ukraine từ bỏ xin gia nhập NATO (Ảnh: 24News).
Ngày 14/2, Đại sứ Ukraine ở Anh Vadym Prystaiko lên tiếng đính chính, làm rõ những phát biểu của ông trước đó về việc Ukraine từ bỏ xin gia nhập NATO (Ảnh: 24News).

Theo Reuters, Đại sứ Ukraine tại Anh, Vadym Prystaiko, ngày 14/2 đã làm rõ những phát biểu trước đó của ông rằng Ukraine có thể từ bỏ việc xin gia nhập liên minh quân sự NATO.

Khi được hỏi liệu Ukraine có xem xét lại nguyện vọng gia nhập NATO hay không, ông Prystaiko nói với BBC bằng tiếng Anh: "Không, không, tôi rất vui khi có cơ hội này để làm rõ lập trường của mình".

Prystaiko nói rằng bản tin trước đó của BBC là “kết quả của một sự hiểu lầm". Ông nói: “Chúng tôi (Ukraine) hiện không phải là thành viên của NATO, để tránh xảy ra chiến tranh chúng tôi chuẩn bị có khá nhiều nhượng bộ, đó là những gì chúng tôi làm trong khi đối thoại với Nga.”

Ông nhấn mạnh: "Điều này không liên quan gì đến NATO, (việc gia nhập) NATO được quy định rõ ràng trong hiến pháp (Ukraine)."

Ngoại trưởng Ukraine Kuleba (trái) và Tổng thư ký NATO Stoltenberg. Ukraine khẳng định không từ bỏ lập trường gia nhập NATO (Ảnh: AP).

Ngoại trưởng Ukraine Kuleba (trái) và Tổng thư ký NATO Stoltenberg. Ukraine khẳng định không từ bỏ lập trường gia nhập NATO (Ảnh: AP).

Prystaiko nói: “Đối với chí hướng gia nhập NATO của chúng tôi (Ukraine), đó không phải là sự trì hoãn. Điều chúng tôi muốn nói là, hiện nay chúng tôi (Ukraine) không phải là một thành viên của gia đình (NATO) này, cho nên chúng tôi phải tìm kiếm các thứ khác, ví dụ có được các hiệp định song phương kí với Anh và Mỹ."

"Vì vậy, trên cơ sở (gia nhập) NATO, chúng tôi đang tìm kiếm một số sắp xếp khác để cho phép chúng tôi tồn tại trong thử thách gay go hiện tại", ông nói.

Khi được hỏi lại liệu Ukraine có thay đổi yêu cầu xin gia nhập NATO hay không, ông nói: "Không."

Ngoài ra, theo các cơ quan truyền thông Ukraine, trước các thông tin từ truyền thông Anh rằng Đại sứ Ukraine tại Vương quốc Anh Vadym Prystaiko đã nói trong một cuộc phỏng vấn trước đó mấy tiếng rằng "để tránh chiến tranh, Ukraine có thể cân nhắc từ bỏ việc xin gia nhập NATO", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ukraine Nikolenko ngày 14/2 đã trả lời nói rằng, giới truyền thông đã “cắt gọt không đúng” phát biểu của Đại sứ Prystaiko.

Lực lượng dự bị Ukraine luyện tập quân sự sẵn sàng chiến đấu (Ảnh: Deutsche Welle).

Lực lượng dự bị Ukraine luyện tập quân sự sẵn sàng chiến đấu (Ảnh: Deutsche Welle).

Ông cho rằng mối đe dọa mà Ukraine phải đối mặt vẫn luôn tồn tại, vì vậy việc tìm ra đáp án để đảm bảo an ninh cho Ukraine đã trở thành một nhiệm vụ cấp bách, nhưng không thể đưa ra những quyết định vi phạm hiến pháp Ukraine.

Ông nhấn mạnh: "Hiến pháp Ukraine đã quy định rõ triển vọng gia nhập NATO, nhưng Ukraine hiện vẫn chưa phải là thành viên của NATO hoặc các liên minh an ninh khác. Do đó, vấn đề đảm bảo an ninh đã trở thành vấn đề chính của Ukraine hiện nay."

Trang tin Deutsche Welle ngày 14/2 cũng đăng bài, nhận xét: Chính phủ Ukraine đã tái khẳng định nguyện vọng của nước này trong việc tìm kiếm tư cách thành viên NATO và Liên minh châu Âu. Hôm thứ Hai, một phát ngôn viên của Tổng thống Zelensky cho biết các mục tiêu này là ưu tiên tuyệt đối của đất nước.

Tuyên bố này là sự đáp lại ý kiến của Đại sứ Ukraine tại Vương quốc Anh, Vadym Prystajko. Theo bản tin của BBC, ông đại sứ Prystajko trước đó đã nói trong một cuộc phỏng vấn rằng "nếu tình hình ép buộc, Ukraine có thể xem xét từ bỏ việc xin gia nhập NATO" để tránh xảy ra chiến tranh với Nga. Tuy nhiên, nhà ngoại giao này đã nhanh chóng làm rõ rằng bản tin của BBC là một sự hiểu lầm. Ukraine sẽ không xem xét lại kế hoạch xin gia nhập NATO.

Ngày 3/2, Sư đoàn Đổ bộ đường không 82 của Mỹ rời căn cứ ở Mỹ tới châu Âu. (Ảnh: AP).

Ngày 3/2, Sư đoàn Đổ bộ đường không 82 của Mỹ rời căn cứ ở Mỹ tới châu Âu. (Ảnh: AP).

Ông Sergii Nykyforov, phát ngôn viên của Tổng thống Ukraine nhấn mạnh khi nói với Reuters: “Đường lối này (gia nhập NATO) không chỉ được ghi vào hiến pháp của chúng tôi mà còn có sự ủng hộ hoàn toàn của các cơ quan chính phủ và các giới trong xã hội. Ông đại sứ khi đó đã sử dụng từ diễn đạt ‘tính linh hoạt '. Tôi nghĩ nên dành cho ông ấy một cơ hội để giải thích rốt cuộc khi ấy ông ấy định diễn đạt điều gì.”

Bản thân Đại sứ Prysteiko sau đó đã trả lời phỏng vấn BBC một lần nữa, nói rằng để tránh xảy ra chiến tranh, Ukraine sẵn sàng nhượng bộ nhiều. Nhưng điều này không liên quan gì đến NATO. Ông nhấn mạnh rằng ông không nói rằng Ukraine nên hoãn lại kế hoạch gia nhập NATO, mà là vì “hiện tại chúng tôi không nằm trong đại gia đình này, nên chúng tôi phải tìm kiếm một số thứ khác, chẳng hạn như các thỏa thuận song phương với Anh và Mỹ". Trong bản tin trước đây của BBC, ý ông muốn diễn đạt chỉ là, Ukraine muốn thể hiện sự linh hoạt.

Tổng thống Nga Vladimir Putin kiên quyết phản đối việc NATO tiếp tục mở rộng về phía đông, yêu cầu phương Tây đưa ra các cam kết an ninh, trong đó bao gồm việc không cho phép Ukraine gia nhập liên minh quân sự xuyên Đại Tây Dương này. NATO đã từ chối yêu cầu này của Nga. Hiện tại, Nga đã triển khai hơn 100.000 quân và các vũ khí hạng nặng ở biên giới Nga-Ukraine.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Tổng thống Ukraine Zelensky hội đàm hôm 14/2 (Ảnh: Deutsche Welle).

Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Tổng thống Ukraine Zelensky hội đàm hôm 14/2 (Ảnh: Deutsche Welle).

Trước sự đính chính làm rõ của Ukraine, Điện Kremlin cùng ngày thứ Hai (14/2) đã đã trả lời rằng Nga không coi các tin trước đó về phát biểu của Đại sứ Ukraine tại Anh là một tín hiệu cho thấy có sự thay đổi lập trường của nước này về việc gia nhập NATO. Tuy nhiên, nếu Kiev thực sự từ bỏ ý định này thì thực sự nó sẽ là sự đóng góp trong việc giảm bớt những lo ngại về an ninh của Nga.

Thứ trưởng Quốc phòng Anh, James Heappey, hôm 14/2 nói, bất kể Ukraine quyết định như thế nào trong việc theo đuổi gia nhập NATO, Anh cũng sẽ cung cấp viện trợ. Vị nghị sĩ đảng Bảo thủ này nói: “Nếu Ukraine quyết định không còn tìm cách gia nhập NATO như một điều kiện thỏa hiệp, chúng tôi sẽ ủng hộ điều đó - bởi vì người dân Ukraine có quyền đưa ra lựa chọn của riêng mình. Tương tự, nếu Ukraine vẫn muốn gia nhập NATO trong tương lai, chúng tôi cũng sẽ ủng hộ vì đó là chủ quyền quốc gia của họ."

Trưa ngày 14/2, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã đáp chuyên cơ đến Kiev. Sau đó, ông đã hội đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong hai giờ đồng hồ. Theo kế hoạch, ông Scholz dự kiến ​​sẽ gặp Tổng thống Nga Putin tại Moscow vào thứ Ba (15/2). Trước chuyến đi, hôm Chủ nhật, ông Scholz đã cảnh báo về "một mối đe dọa rất, rất nghiêm trọng đối với hòa bình ở châu Âu."

Đồng thời, chính phủ Đức đang đánh giá yêu cầu xin gửi vũ khí của Ukraine. Theo Der Spiegel Online, Kiev đã hối thúc Berlin cung cấp cho nước này 12.000 quả đạn tên lửa chống tăng càng sớm càng tốt để Ukraine sử dụng để tự vệ trong trường hợp bị quân đội Nga tấn công mặt đất. Chính phủ Đức về nguyên tắc từ chối xuất khẩu vũ khí "sát thương" cho Ukraine, nhưng có thể sẽ xem xét cung cấp một số thiết bị phòng thủ, chẳng hạn như kính nhìn đêm.

Máy bay Mỹ chở vũ khí viện trợ khẩn cấp cho Ukraine tới Kiev (Ảnh: Sohu).

Máy bay Mỹ chở vũ khí viện trợ khẩn cấp cho Ukraine tới Kiev (Ảnh: Sohu).

Sau khi hội đàm, ông Scholz tuyên bố sẽ viện trợ kinh tế nhiều hơn cho Ukraine để giúp nước này ổn định tình hình khi Nga có ý đồ phá rối công việc nội bộ của họ. Đức quyết định cho Ukraine vay 150 triệu euro, sự hợp tác giữa hai bên sẽ được tiếp tục. Kể từ khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014, Đức đã cung cấp cho Ukraine khoản viện trợ hơn 2 tỷ euro, trở thành nước tài trợ song phương lớn nhất cho Ukraine.

Ngoài ra, 70 binh sĩ Quân đội Đức cũng đã đến sân bay quân sự Kaunas ở Lithuania để tăng viện cho lực lượng quân đội NATO đóng tại quốc gia Baltic này. Được biết, Đức có kế hoạch tăng thêm tổng cộng 360 binh sĩ tới đây.

“Chuyến thăm Ukraine đang diễn ra vào thời điểm rất cam go", ông Scholz nói ở Kiev, Đức đứng về phía Ukraine. Nhưng khi Tổng thống Ukraine Zelensky nói đất nước của ông ấy muốn trở thành thành viên của NATO và Liên minh châu Âu, Scholz đã trả lời: "Bây giờ không phải là lúc để nói về vấn đề trở thành thành viên của Liên minh".

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có một cuộc điện đàm kéo dài một giờ với Zelensky vào hôm Chủ nhật (13/2). Theo biên bản cuộc hội đàm do Ukraine cung cấp, ông Zelensky đã mời ông Biden tới thăm Ukraine trong thời gian tới, đồng thời bày tỏ nếu ông Biden có thể đến thăm sẽ có tác dụng quan trọng trong việc ổn định tình hình và làm dịu khủng hoảng. Tuy nhiên, điều này đã không được đề cập trong bản tóm tắt nội dung đàm phán do Nhà Trắng công bố.

Đài truyền hình CNN của Mỹ dẫn lời một người Ukraine quen thuộc với vấn đề này nói rằng ông Biden đã không đáp lại lời mời của Zelensky một cách khẳng định.