Mấy ngày qua, Mỹ ùn ùn chở vũ khí tới viện trợ cho Ukraine (Ảnh: Sunnews). |
Một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 12/2 nói, để duy trì liên lạc thông suốt với chính phủ, đại sứ quán sẽ chỉ để lại một số lượng nhỏ nhân viên và tất cả các hoạt động lãnh sự sẽ bị đình chỉ.
Quan chức này không cho biết có bao nhiêu người còn lại, vì lý do an ninh, nhưng theo AP, tính đến tháng 12/2021, đại sứ quán Mỹ ở Kiev có khoảng 180 công dân Mỹ. Một số người trong số họ đã rời Ukraine và hầu hết quay trở lại Washington.
Quan chức này nói, động thái này được thực hiện vì nếu Nga "xâm lược" Ukraine, họ có thể phát động một cuộc tấn công lớn vào Kiev. Ông cũng nhắc lại rằng các công dân Mỹ khác nên rời khỏi Ukraine ngay lập tức.
Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết họ sẽ giữ lại một số nhân viên lãnh sự nhỏ ở Lviv, gần Ba Lan, miền tây Ukraine để xử lý các trường hợp khẩn cấp.
Theo bản tin của AFP ngày 12/2, Lầu Năm Góc cùng ngày 12 tuyên bố sẽ rút gần như toàn bộ binh lính Mỹ còn ở Ukraine khi căng thẳng gia tăng.
Người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby cho biết trong một tuyên bố rằng Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin "đã ra lệnh rút tạm thời và di dời 160 thành viên của Lực lượng Vệ binh Quốc gia Florida đóng quân tại nước này". Những người này đã "đóng vai trò là cố vấn và người hướng dẫn" giúp huấn luyện quân đội Ukraine.
Ông John Kirby, Người phát ngôn Lầu Năm Góc (Ảnh: Dwnews). |
Kể từ năm 2015, một số quân nhân dự bị trong Lực lượng Vệ binh Quốc gia Mỹ đã tới làm cố vấn ở Ukraine cùng với binh sĩ từ các nước NATO khác, đặc biệt là Canada và Đức, giúp huấn luyện quân đội Ukraine.
Ông Kirby cho biết lực lượng Mỹ được rút khỏi Ukraine sẽ được tái triển khai đến "những nơi khác ở châu Âu". Ông nói: “Điều này không có nghĩa là quyết tâm hỗ trợ các lực lượng vũ trang Ukraine của chúng tôi đã thay đổi, nhưng điều này sẽ (mang lại cho chúng tôi) sự linh hoạt trong việc trấn an các đồng minh và ngăn chặn hành vi xâm lược.
Với việc Mỹ tuyên bố Nga sẽ "tấn công" Ukraine, nhiều nước phương Tây đang gấp rút sơ tán người khỏi Ukraine.
Theo hãng tin tức Đức DPA ngày 14/2, Chính phủ Australia đã đình chỉ hoạt động của đại sứ quán nước này ở Kiev do ngày càng lo ngại về cái gọi là "cuộc xâm lược" của Nga đối với Ukraine. Bộ trưởng Ngoại giao Australia Marise Payne cho biết trong một tuyên bố ngày 13/2: "Trước tình hình an ninh ngày càng xấu đi do quân đội Nga tăng cường ở biên giới Ukraine, chính phủ đã chỉ đạo nhân viên đại sứ quán Australia tại Kiev sơ tán và đình chỉ hoạt động tại đại sứ quán của chúng tôi ở Kiev."
Tên lửa chống tăng Javelin là thứ vũ khí được Mỹ viện trợ nhiều cho Ukraine (Ảnh: AP). |
Theo DPA từ Stockholm ngày 12/2, Thụy Điển đã kêu gọi công dân nước này rời khỏi Ukraine càng sớm càng tốt. Bộ Ngoại giao Thụy Điển ngày 12/2 ra thông báo khuyến cáo các công dân nước này không đến Ukraine do tình hình an ninh đang thay đổi.
DPA cho biết, sau khi chính phủ Mỹ cảnh báo Nga có thể sắp "tấn công" Ukraine, một số quốc gia đã ra lệnh cho công dân của họ rời khỏi Ukraine, bao gồm Mỹ, Anh, Đức, Đan Mạch và Na Uy.
Ngoài ra, theo một bản tin của AFP từ Rome ngày 12/2, Bộ trưởng Ngoại giao Italy Luigi Di Maio hôm 12 thông báo rằng Italy đã khuyến cáo công dân của mình rời khỏi Ukraine và triệu hồi các nhân viên ngoại giao "không chủ chốt" về nước.
Ông Di Maio cho biết trong một đoạn video sau cuộc họp khẩn cấp ở Rome: “Vì sự thận trọng, chúng tôi đã quyết định kêu gọi tất cả công dân Italy ở Ukraine trở về nhà bằng phương tiện giao thông thương mại và khuyến cáo người dân hoãn tất cả các chuyến du lịch tới Ukraine”.
Bộ Ngoại giao nước này thông báo trong một tuyên bố rằng họ "quyết định triệu hồi các nhân viên không chủ chốt của phái đoàn ngoại giao được cử đến Kiev". Nhưng thông báo cũng cho biết đại sứ quán vẫn "hoạt động hoàn toàn bình thường."
Quân đội Nga và Belarus tiến hành tập trận chung 10 ngày từ 10/2 (Ảnh: Sunnews). |
Theo tin của AFP từ Brussels ngày 12/2, Bộ Ngoại giao Bỉ và Luxembourg cùng ngày cũng thông báo khuyến cáo công dân các nước này sơ tán khỏi Ukraine, đồng thời khuyến cáo không nên đến Ukraine.
Bộ Ngoại giao Bỉ đã viết trên trang web chính thức của mình rằng họ "mạnh mẽ khuyến cáo những kiều dân Bỉ hiện đang ở Ukraine nhưng không thật cần thiết, cần rời khỏi nước này", và nói rằng "đặc biệt khuyến cáo không nên đi du lịch đến bất kỳ nơi nào ở Ukraine”.
Bộ Ngoại giao Luxembourg cũng được cho là đã kêu gọi những kiều dân "không cần thiết phải ở lại" Ukraine hãy rời đi, đồng thời khuyến cáo tránh "tất cả các chuyến du lịch bên trong Ukraine". Các công dân Luxembourg có ý định ở lại Ukraine cần đến đăng ký tại đại sứ quán Bỉ ở Kiev.
Theo AFP từ Bucharest ngày 12/2, Bộ Ngoại giao Romania cùng ngày thông báo đã quyết định sơ tán những nhân viên không chủ chốt của đại sứ quán nước này tại Ukraine khỏi Kiev và khuyến cáo kiều bào nước này tránh đi du lịch đến Ukraine.
Romania, quốc gia có biên giới với Ukraine, tuyên bố trong một bản thông báo: "Trước những diễn biến tình hình an ninh mới nhất ở khu vực lân cận Ukraine và khu vực Biển Đen, Bộ Ngoại giao đã nâng mức cảnh báo đối với Ukraine."
Ngoài ra, theo tin của AFP từ The Hague ngày 12/2, Hãng Hàng không KLM ngày 12/2 ra thông báo sẽ tạm thời hủy các chuyến bay đến Ukraine cho đến khi trật tự được khôi phục trở lại.
Theo các báo, chính phủ Hà Lan cũng vừa khuyến nghị sơ tán người dân nước này khỏi Ukraine, với lý do tình hình ở Ukraine đang trở nên tồi tệ hơn.
Trong khi đó, Tổng thống Nga Putin tuyên bố việc phương Tây thổi phồng về “Kế hoạch xâm lược Ukraine của Nga” là động thái khiêu khích. Theo RIA Novosti, ngày 12/2, Văn phòng Báo chí Điện Kremlin đã đưa ra thông báo cho biết Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã gọi điện cho Tổng thống Nga Vladimir Putin, hai người đã thảo luận về tình hình ở Ukraine và vấn đề đảm bảo an ninh cho Nga. .
Thông báo viết: "Hai ông Putin và Macron cũng thảo luận về sự cường điệu khiêu khích của cái gọi là kế hoạch 'xâm lược' Ukraine của Nga, kèm theo là việc cung cấp một lượng lớn vũ khí hiện đại cho Ukraine, tạo cớ cho các hành động của lực lượng Ukraine ở khu vực Donbas".
Tổng thống Nga chỉ ra rằng các nước phương Tây không muốn thúc đẩy chính quyền Kiev thực hiện thỏa thuận Minsk, điều này cho thấy các cuộc đàm phán "Bộ tứ Normandy" được tổ chức tại Berlin ngày 10/2 không đạt kết quả.
Ngoài ra, Putin một lần nữa nhắc nhở về việc Mỹ và NATO không có phản ứng có ý nghĩa đối với sáng kiến đảm bảo an ninh của Nga.
Ngoài ra, theo tin của Reuters ngày 12/2, một quan chức của Tổng thống Pháp nói rằng ông Putin không cho thấy rằng ông chuẩn bị "xâm lược" Ukraine trong cuộc điện đàm với ông Macron.
Quan chức này nói, qua cuộc điện đàm của ông Putin với Macron, không có dấu hiệu nào cho thấy Nga đang chuẩn bị mở một cuộc tấn công chống lại Ukraine. "Chúng tôi không thấy có dấu hiệu nào cho thấy Tổng thống Putin sẽ phát động một cuộc tấn công. Tuy nhiên, chúng tôi hiện đang cảnh giác cao độ về thế trận (quân sự) của Nga để tránh xảy ra điều tồi tệ nhất."
Nga cũng chỉ trích Mỹ và Anh đang tiến hành các chiến dịch tuyên truyền chiến tranh và cung cấp vũ khí, trang thiết bị cho Ukraine. Ngày 14/2, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova đã đăng bài trên mạng xã hội, nói rằng Mỹ và Anh hiện đang tiến hành hoạt động tuyên truyền chiến tranh; theo các quy định của “Công ước Quốc tế về các Quyền công dân và Chính trị” đã được Liên Hợp Quốc thông qua năm 1966, mọi hình thức tuyên truyền chiến tranh đều bị cấm. Rõ ràng Mỹ và Anh đã không từ bỏ cách làm này và những gì họ đang làm bây giờ là thuần túy tuyên truyền chiến tranh. Đồng thời, họ cũng cung cấp vũ khí và trang thiết bị cho Ukraine, cử cố vấn quân sự, tiến hành các cuộc tập trận của NATO ở khu vực biên giới Nga, đồng thời triển khai vũ khí và trang thiết bị.
Theo Mạng Trung tâm Thông tin Quân sự Ukraine ngày 12/2, đã có thêm hai máy bay đến Kiev từ Mỹ mang theo viện trợ các vũ khí viện trợ như tên lửa chống tăng và súng phóng lựu. Tin cho biết, "đối tác" Mỹ của Ukraine đã chở các tên lửa chống tăng Javelin, đạn súng phóng lựu và các loại vũ khí phòng thủ khác cho các lực lượng vũ trang Ukraine tới thủ đô Kiev.
Dân chúng Kiev luyện tập quân sự để đối phó cuộc tấn công của Nga nếu xảy ra (Ảnh: AP). |
Báo cáo chỉ ra rằng tổng lượng của khoản viện trợ quân sự lần này vượt quá 130 tấn. Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine cho biết Mỹ đã sử dụng 15 máy bay chở hơn 1.200 tấn viện trợ quân sự cho Ukraine.
Riêng ngày 9, hai máy bay từ Mỹ đến Ukraine, mang theo hơn 80 tấn đạn dược. Cùng ngày, một máy bay chở hàng khác chở hàng viện trợ kỹ thuật quân sự đã từ Anh đến Ukraine.
Tin chỉ ra rằng Mỹ cũng chuyển giao các súng phóng lựu tự động Mk19 cho Ukraine như một phần của viện trợ quốc phòng. Ngày 28/1, mấy trăm khẩu súng phóng lựu Mk19 đã đến Ukraine.
Tin cho hay, chuyến hàng viện trợ quân sự đầu tiên từ Mỹ cho Ukraine lần này đã đến sân bay Kiev vào tối 22/1, bao gồm gần 90 tấn vũ khí sát thương, bao gồm cả đạn dược cho quân ở tuyến trước. Ngoài tên lửa chống tăng Javelin, lần đầu tiên còn bao gồm súng phóng lựu một thứ vũ khí vác vai tấn công đa năng.
Ngoài ra, các nhà lập pháp Mỹ đã đưa ra dự luật Cho thuê tài chính nhằm mục đích đơn giản hóa việc viện trợ quân sự cho Ukraine.