Được biết trong tháng 5/2015, cơ quan chức năng của Úc và Mỹ sẽ trực tiếp sang Việt Nam để kiểm tra và thống nhất về tiêu chuẩn chất lượng trước khi nhập khẩu các lô vải đầu tiên của Việt Nam.
Đây thực sự là tin vui cho người trồng vải cho vụ vải 2015. Để đáp ứng yêu cầu chất lượng, Cục Bảo vệ thực vật cho biết sẽ có hướng dẫn cụ thể để thực hiện đúng các yêu cầu kỹ thuật đối với quả vải tươi xuất khẩu đi Úc đảm bảo các yêu cầu về vùng trồng, cơ sở đóng gói, xử lý chiếu xạ và kiểm dịch.
Như vậy trái cây Việt đang dần được các thị trường khó tính chấp nhận. Trước đó, ngày 8/12/2014, lô hàng nhãn tươi đầu tiên của Công ty Ánh Dương Sao (TP.HCM) đã được xử lý chiếu xạ và xuất khẩu sang Mỹ bằng đường hàng không.
Tiếp theo công ty Ánh Dương Sao, nhiều doanh nghiệp khác cũng đang chuẩn bị đưa nhãn VN vào Mỹ bằng cả đường hàng không và đường biển.
Theo quy định của Bộ Nông nghiệp Mỹ để nhãn, vải đạt đủ tiêu chuẩn xuất sang Mỹ là hết sức ngặt nghèo. Bộ Nông nghiệp Mỹ đã liệt kê 16 loại sâu, côn trùng, nấm có thể có trong vải tươi và 17 loại có thể có trong nhãn tươi mà phía Việt Nam phải loại bỏ thông qua phương pháp chiếu xạ.
Đến nay, Việt Nam đã có bốn loại trái cây được xuất khẩu vào Mỹ là thanh long, chôm chôm, nhãn và vải.
Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, trong sáu tháng đầu năm, Việt Nam đã xuất khẩu sang thị trường Mỹ được 1.000 tấn thanh long và 180 tấn chôm chôm.
Theo dự kiến, mỗi năm Việt Nam có thể xuất khẩu sang Mỹ khoảng 600 tấn vải và 1.200 tấn nhãn.
Bên cạnh đó, việc Nhật Bản đã nhập thanh long ruột trắng từ Việt Nam cũng đang mở ra kỳ vọng mới cho các doanh nghiệp xuất khẩu trái cây tươi trong nước.
Ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục BVTV cho biết, Cục BVTV cũng đang đàm phán với phía Nhật Bản để nối lại việc xuất khẩu thanh long, xoài.
Những tín hiệu ban đầu về xuất khẩu trái cây tươi sang một số thị trường khó tính và có nhu cầu tiêu thụ lớn như Mỹ, Australia, Hàn Quốc… đã khá rõ, nhưng theo phản ánh của các doanh nghiệp xuất khẩu, thì các doanh nghiệp phải tính toán chặt chẽ để giảm thiểu chi phí, do chi phí vận chuyển trái cây bằng đường hàng không hiện quá cao…
Ngoài ra, TS. Nguyễn Hữu Đạt, Giám đốc Trung tâm kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu II (Cục bảo vệ thực vật) cho rằng "Phải rất khó khăn thì quả vải và nhãn mới được phép xuất khẩu vào thị trường Mỹ và một số thị trường khó tính như Nhật, Hàn Quốc, Úc. Chính vì vậy, Việt Nam phải làm tốt từng công đoạn để giữ uy tín".
TS. Đạt cho rằng, với trái cây khi xuất khẩu sang các thị trường khó tính cũng có những cái phải rút kinh nghiệm. Doanh nghiệp nên có sự đồng lòng, không phá giá lẫn nhau”.
Theo Đất Việt