Tỷ giá và câu chuyện lỗ thực, lỗ ảo

Thoạt nhìn, đây sẽ là một gánh nặng đối với các doanh nghiệp vay bằng ngoại tệ nhưng có nguồn thu bằng đồng nội tệ, tuy nhiên nếu phân tích kỹ thì thực tế không hẳn như vậy.
Để khẳng định sự mất giá của tiền đồng có gây “thiệt hại” cho doanh nghiệp hay không cần có cái nhìn so sánh chi phí thực tế giữa việc vay nội tệ và vay ngoại tệ cộng với biến động tỷ giá.
Để khẳng định sự mất giá của tiền đồng có gây “thiệt hại” cho doanh nghiệp hay không cần có cái nhìn so sánh chi phí thực tế giữa việc vay nội tệ và vay ngoại tệ cộng với biến động tỷ giá.

Trong tuần từ 12 đến 19-8-2015, việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tuyên bố giảm giá tiền đồng (VND) thêm 1% so với đô la Mỹ (USD), đồng thời nâng biên độ giao dịch từ 1% lên 3%, đã làm cho tỷ giá giao dịch trên thị trường tăng gần 3% so với trước đó và nếu tính từ đầu năm thì tỷ giá VND/USD đã tăng tổng cộng gần 5%.

Điều này đồng nghĩa là các khoản dư nợ tính bằng ngoại tệ của các doanh nghiệp tăng 5% nếu quy đổi ra VND (do chính sách tỷ giá hiện nay của Việt Nam là neo chặt VND vào USD nên tỷ giá VND với các ngoại tệ biến động theo tỷ giá VND với USD).

Lỗ thực và lỗ ảo

Trên sàn niêm yết hiện nay, những công ty có doanh thu bằng nội tệ bị ảnh hưởng nhiều nhất xét về mặt lợi nhuận kế toán, xuất phát từ khoản lỗ chênh lệch tỷ giá hối đoái do đánh giá lại các khoản nợ phải trả có gốc ngoại tệ, là Nhiệt điện Phả Lại (PPC) với dư nợ vay hơn 25 tỉ yen (Nhật Bản), Xi măng Hà Tiên (HT1) với dư nợ vay 72 triệu euro (EU), Nhiệt điện Nhơn Trạch 2 (NT2) với dư nợ 134,8 triệu USD và 123,2 triệu euro.

Tuy nhiên, thực tế phần lớn khoản lỗ này mới chỉ là khoản lỗ kế toán chứ không phải là khoản lỗ tiền tươi thóc thật.

Giả định rằng nếu tỷ giá không có sự biến động thêm cho đến khi doanh nghiệp trả hết nợ thì các khoản lỗ ảo này sẽ biến thành lỗ thật khi doanh nghiệp thanh toán nợ gốc đến hạn cho chủ nợ, có nghĩa là khoản lỗ này sẽ được phân bổ đều đặn trong vòng hơn bốn năm đối với HT1, bảy năm đối với NT2 và 13 năm đối với PPC.

Như vậy nếu tỷ giá không thay đổi thì mỗi năm doanh nghiệp chỉ chịu khoản lỗ thật (bằng tiền) nhỏ hơn nhiều so với khoản lỗ ảo đã hạch toán trước đó.

Hơn nữa, với khoản lỗ ảo này, theo quy định của luật thuế hiện hành thì doanh nghiệp sẽ được tính vào chi phí được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN). Trong một số trường hợp, khoản “chi phí không bằng tiền” này lên đến 22% giá trị khoản lỗ ảo và do đó doanh nghiệp có “lợi” về dòng tiền thực tương ứng.

Ngược lại với trường hợp này là tình trạng doanh nghiệp lời ảo nhờ khoản lãi chênh lệch tỷ giá nhưng phải đóng thuế thật với thuế suất đa phần lên đến 22% và do vậy, doanh nghiệp bị “thiệt” dòng tiền tương ứng là 22% khoản lời ảo không được chia cổ tức này.

PPC là ví dụ điển hình cho trường hợp này. Trong năm 2014, PPC có khoản lãi tỷ giá lên đến 586 tỉ đồng và kết quả là họ phải đóng khoản thuế TNDN với thuế suất 22% cho riêng khoản lãi ảo này, lên đến gần 129 tỉ đồng, trong khi chưa thực sự được hưởng đồng lãi nào. Từ đầu năm đến nay tỷ giá VND/yen đã tăng từ 175,9 lên 184,71 VND/yen vào ngày 29-8-2015, làm doanh nghiệp bị lỗ 220 tỉ đồng.

Tuy nhiên, điều may mắn cho PPC là doanh nghiệp này có khoản lợi nhuận khác mà chủ yếu là lợi nhuận từ tiền gửi ngân hàng (vốn bị đánh thuế 22%) cao nên khoản lỗ này được khấu trừ hết với thuế suất 22%.

Nếu không, chi phí này sẽ được trừ sang cho lợi nhuận hoạt động kinh doanh chính vốn chỉ bị đánh thuế 7,5%, có nghĩa là khoản lỗ này chỉ bị khấu trừ thuế với thuế suất 7,5% trong khi năm ngoái PPC đã đóng thuế 22% cho chính khoảng thu nhập đã bị lỗ trong năm nay.

NT2 thuận lợi và may mắn hơn PPC, đó là do trong năm 2014, NT2 có khoản lợi nhuận tỷ giá hơn 400 tỉ đồng nhưng lại rơi đúng vào năm cuối cùng NT2 được miễn thuế TNDN đối với các khoản thu nhập không phải là hoạt động kinh doanh chính. Nếu không, NT2 đã phải nộp thuế lên đến gần 90 tỉ đồng (thuế suất 22%).

Tính từ đầu năm đến ngày 29-8-2015, NT2 đã lỗ tỷ giá gần 83 tỉ đồng và do công ty đang có lợi nhuận lớn từ hoạt động kinh doanh chính (sáu tháng đầu năm lãi 721 tỉ đồng) nên khoản lỗ này được trừ vào chi phí thuế TNDN với thuế suất 5%.

Điều này có nghĩa là sự biến động tỷ giá trong năm 2014-2015 đang làm lợi cho NT2 do họ không phải đóng thuế cho khoản lãi ảo từ tỷ giá trong năm 2014 nhưng lại được khấu trừ thuế khi một phần khoản lãi này biến thành khoản lỗ trong năm 2015. Đó là chưa kể phần lãi từ chênh lệch tỷ giá đã thực hiện ứng với dư nợ đã trả trong giai đoạn này khi ngoại tệ mất giá.

Trường hợp của PPC và NT2 hàm ý rằng không phải sự mất giá nào của VND đối với ngoại tệ cũng gây bất lợi cho doanh nghiệp và ngược lại, sự lên giá của VND so với ngoại tệ cũng mang lại lợi ích cho doanh nghiệp, đặc biệt là trong ngắn hạn. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng xét về dài hạn, sự mất giá liên tục của VND chắc chắn sẽ làm gia tăng nghĩa vụ nợ của doanh nghiệp, khi các khoản lỗ ảo này biến thành lỗ thật đối với các khoản dư nợ đến hạn cho dù dưới tác động của lạm phát các khoản lỗ thật này nhỏ hơn nhiều so với thời điểm kế toán ghi nhận khoản lỗ.

Tuy nhiên để khẳng định sự mất giá này có gây “thiệt hại” cho doanh nghiệp hay không cần có cái nhìn so sánh chi phí thực tế giữa việc vay nội tệ và vay ngoại tệ cộng với biến động tỷ giá.

“Lãi và lỗ” từ chênh lệch lãi suất vay nội tệ và ngoại tệ với biến động tỷ giá

Căn cứ diễn biến lãi suất VND và một số ngoại tệ chính như USD, euro, yen trong thời gian qua, chúng ta có thể thấy rằng chênh lệch lãi suất giữa VND và các ngoại tệ này thường ở mức 5% trở lên. Chênh lệch lãi suất USD và VND là một ví dụ điển hình.

Trong năm 2012, lãi suất cho vay dài hạn VND ở mức trên 18%/năm trong khi lãi suất đối với USD khoảng 9%/năm. Mức chênh lệch lãi suất này giảm dần đến thời điểm hiện tại còn dao động từ 4-5%/năm. Chênh lệch lãi suất ở mức cao như vậy nhưng trong giai đoạn này, tỷ giá VND chỉ mất giá trung bình chưa đến 2%/năm. Điều này có nghĩa là với sự biến động tỷ giá như vậy, vay USD vẫn có lợi hơn so với vay VND.

PPC là ví dụ thú vị về sự chênh lệch lãi suất vay vốn và biến động tỷ giá. Tính từ thời điểm ghi nhận khoản vay là ngày 26-12-2006, tỷ giá VND/yen đã có quá trình biến động rất mạnh mẽ. Cụ thể, trong giai đoạn từ 2006-2011, tỷ giá VND/yen tăng từ 134 lên 270 VND/yen, tức tăng hơn 100% trong năm năm.

Tuy nhiên từ năm 2011 đến nay, tỷ giá VND/yen giảm còn 184,71 VND/yen vào ngày 29-8-2015. Điều này có nghĩa là nếu tính lãi - lỗ chênh lệch tỷ giá như trên thì PPC sẽ chịu khoản lỗ (ảo) kỷ lục lên đến nhiều ngàn tỉ đồng trong giai đoạn 2006-2011, ngược lại PPC sẽ nhận được khoản lãi (ảo) kỷ lục hàng ngàn tỉ đồng trong giai đoạn từ năm 2012 đến nay.

Nhưng nếu tính tỷ giá thực tế doanh nghiệp đã mua đồng yen để trả nợ vay trong giai đoạn này thì mức tăng tỷ giá vào khoảng 50%, tức trung bình tăng 4,5%/năm. Với lãi suất vay đồng yen khoảng 2,45%/năm (bao gồm phí) và lãi suất vay VND trung bình trong giai đoạn này khoảng 10%/năm thì mức biến động tỷ giá của yen vẫn thấp hơn nhiều so với chênh lệch lãi suất (4,5% so với 7,5%).

NT2 một lần nữa, thuận lợi và may mắn hơn PPC khi mà tỷ giá VND so với USD, euro ít biến động hơn và trung bình mỗi năm VND chỉ mất giá khoảng 3% so với USD và khoảng 2% so với euro trong khi mức chênh lệch lãi suất vẫn dao động ở mức khá cao 6-7%. Tương tự như vậy là trường hợp của HT1 khi mà doanh nghiệp này chỉ vay duy nhất ngoại tệ là euro.

Một điều thuận lợi hơn nữa đối với các doanh nghiệp vay ngoại tệ là ngay cả khi khoản chênh lệch lãi suất là như nhau thì khi vay VND các doanh nghiệp phải trả lãi ngay cho phần lãi suất chênh lệch so với vay ngoại tệ, trong khi các doanh nghiệp vay ngoại tệ thì phần lỗ tỷ giá tương ứng với phần chênh lệch lãi suất lại được trả từ từ theo kỳ hạn trả nợ. Nói cách khác, có vẻ như việc vay ngoại tệ đang được lợi đơn lợi kép so với vay VND.

Những phân tích ở trên cho thấy rằng, sự giảm giá của VND chắc chắn sẽ làm gia tăng nghĩa vụ nợ của các doanh nghiệp vay ngoại tệ nhưng có nguồn thu từ nội tệ, tuy nhiên những ảnh hưởng này xấu hay tốt và mức độ đến đâu còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố và từng trường hợp cụ thể, đặc biệt là mức độ giảm giá VND so với sự chênh lệch lãi suất VND và ngoại tệ, những ảnh hưởng về dòng tiền do chính sách thuế đối với khoản lãi/lỗ do chênh lệch tỷ giá chưa thực hiện...

Do vậy, các doanh nghiệp và nhà đầu tư cần phân tích cẩn trọng để có những giải pháp phù hợp cho các hoạt động đầu tư của mình mà không nên để những con số lãi, lỗ ảo do sự biến động tỷ giá tác động, dẫn đến những hành động sai lầm, đặc biệt là trong điều kiện thị trường chứng khoán có những biến động rất mạnh do sự mất giá của VND trong thời gian vừa qua.

Sự giảm giá của VND chắc chắn sẽ làm gia tăng nghĩa vụ nợ của các doanh nghiệp vay ngoại tệ nhưng có nguồn thu từ nội tệ, tuy nhiên những ảnh hưởng này xấu hay tốt và mức độ đến đâu còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố và từng trường hợp cụ thể, đặc biệt là mức độ giảm giá VND so với sự chênh lệch lãi suất VND và ngoại tệ, những ảnh hưởng về dòng tiền do chính sách thuế đối với khoản lãi/lỗ do chênh lệch tỷ giá chưa thực hiện...

Theo TBKTVN