Vào tháng 5/2016, đất nước sẽ chào đón một sự kiện rất quan trọng đó là bầu cử Đại biểu Quốc hội. Vì vậy, có một câu hỏi luôn được đặt ra qua các kỳ bầu cử là làm thế nào lựa chọn được những đại biểu thực sự đủ phẩm chất đạo đức, có trình độ, tâm huyết, sẵn sàng bảo vệ quyền lợi của người dân tới cùng?
Trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Trung tướng Đặng Quân Thụy – nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội; nguyên Tư lệnh quân khu II bày tỏ, nếu người đại biểu không thực tâm hành động vì quyền lợi của của dân thì sớm hay muộn cũng bị phát hiện.
Đại biểu Quốc hội phải hết lòng vì dân
Trên thực tế trải qua 13 kỳ Quốc hội, đã có rất nhiều Đại biểu Quốc hội thể hiện tốt vai trò của mình, được nhân dân tin yêu, quý mến. Có thể kể ra một số thí dụ điển hình như Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, GS.TSKH Nguyễn Ngọc Trân, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, Nhà sử học Dương Trung Quốc… và nhiều đại biểu khác.
Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có những đại biểu chưa thực sự sâu sát với vai trò là Đại biểu Quốc hội, chưa đáp ứng đúng với kỳ vọng của người dân.
Trung tướng Đặng Quân Thụy nhận định: “Điều cơ bản nhất là người Đại biểu Quốc hội phải thực sự quan tâm tới dân, gắn bó với dân, thấy được sự nhiệt huyết cũng như những bức xúc của nhân dân.
Phải hết lòng vì nhân dân, cho dù rằng trong công việc thì có nhiều khó khăn, phức tạp, nhưng đã là đại biểu của dân thì phải cố gắng hết sức để giải quyết những băn khoăn, lo lắng của người dân".
Tướng Thụy nhấn mạnh, nói một cách ngắn gọn thì điểm xuất phát của người đại biểu đã phải có tâm muốn phục vụ nhân dân, vì nhân dân mà hành động, chứ không phải vì các mục đích khác.
"Nếu có bất kỳ toan tính gì khác ngoài mục tiêu phấn đấu cho quyền lợi, hạnh phúc của người dân thì không xứng đáng làm đại biểu của dân. Những người như vậy thì sớm muộn gì cũng lộ ra và nhân dân không tin tưởng", Tướng Thụy nhận định.
Thực tế trong nhiệm kỳ quốc hội vừa qua đã có một số Đại biểu Quốc hội bị miễn nhiệm vì gian dối hoặc vi phạm pháp luật. Những sự việc đáng buồn ấy lại đặt ra băn khoăn, lo lắng cho quy trình lựa chọn đại biểu vẫn còn những kẽ hở, để lọt những người không thực có tâm, không đủ tầm trở thành Đại biểu Quốc hội.
Theo Trung tướng Đặng Quân Thụy, bầu cử Đại biểu Quốc hội hiện đã có đầy đủ luật, nhưng điều quan trọng là phải quán triệt được tư tưởng lựa chọn được những người có tâm và tầm vì lợi ích của dân, vì quốc gia dân tộc.
“Tôi nghĩ rằng phải làm tốt từ cơ sở, phải chặt chẽ thì lên các cấp cao hơn mới chọn được người tốt, người giỏi. Nếu từ cơ sở mà làm qua loa, hình thức, nể nang thì càng lên trên càng nảy sinh ra nhiều vấn đề phức tạp.
Tức là chúng ta phải kiên quyết làm đúng luật, đúng quy định, trình tự, tranh thủ ý kiến của nhân dân đánh giá người đại biểu ấy thì chắc chắn sẽ chọn được những đại biểu xứng đáng”, Tướng Thụy nói.
Nên giảm số đại biểu làm việc tại khối hành pháp
Một vấn đề khác được đặt ra đó là trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII vừa qua có nhiều đại biểu đang tham gia ở bộ máy hành pháp, các cơ quan quản lý hành chính nhà nước hay không?
Rất nhiều Đại biểu Quốc hội đã lên tiếng cho rằng, cần giảm số lượng Đại biểu Quốc hội đang giữ các chức vụ thuộc khối hành pháp.
Điều này nhằm đảm bảo đại biểu chuyên tâm thực hiện nhiệm vụ tại Quốc hội, không bị ràng buộc bởi tổ chức nơi công tác, không lo lắng bị vướng vào các mối quan hệ trong công việc, dẫn tới chuyện không dám đấu tranh mạnh mẽ cho quyền lợi của người dân.
Thực tế cũng cho thấy, có những đại biểu đang giữ cương vị quản lý nhà nước tại các địa phương rất hiếm khi bấm nút phát biểu thẳng thắn tại nghị trường. Điều này hoàn toàn đối lập với các đại biểu chuyên trách, thường xuyên có những phát biểu hết sức mạnh mẽ, chỉ thẳng những tồn tại, yếu kém trong quản lý điều hành của các cơ quan quản lý nhà nước.
Và theo kinh nghiệm ở một số quốc gia phát triển thì khi ở vai của người đại biểu, họ sẽ không tham gia bất cứ công việc nào ở khối hành pháp, quản lý hành chính. Họ chỉ có thể lựa chọn một trong hai hướng để theo đuổi, chứ không được phép kiêm nhiệm.
Về vấn đề này, Trung tướng Đặng Quân Thụy nêu quan điểm: “Cần phải tìm ra được sự cân bằng khi lựa chọn Đại biểu Quốc hội. Giảm đi số đại biểu đang làm việc ở khối hành pháp là cần thiết, nhưng không có nghĩa là bỏ tất cả, vì họ cũng tham gia vào các công việc hàng ngày liên quan trực tiếp đến đời sống của người dân, nên cũng cần được tham gia vào công tác lập pháp để có đóng góp tích cực ngay từ đầu.
Thí dụ, lãnh đạo Đảng, nhà nước thì đương nhiên phải tham gia với tư cách một Đại biểu Quốc hội. Đại diện cho các bộ, ngành tại Quốc hội cũng rất cần thiết, bởi chính các cơ quan này đề xuất xây dựng luật, nghị định, thông tư… cho nên họ cần phải nắm được.
Tuy nhiên, nếu số đại biểu không làm việc tại các cơ quan hành pháp nhiều thì tính phản biện sẽ cao hơn, qua đó người dân thêm tin tưởng vào Quốc hội”.
Theo Giáo dục VN