Từ tăm tre đến phụ tùng ô tô ở VN đều bị làm giả

Đại tá Hoàng Văn Trực, Phó cục trưởng Cục cảnh sát Kinh tế (Bộ Công an) cho biết, tất cả các mặt hàng tại Việt Nam đều bị làm giả ‘từ mặt hàng đơn giản là tăm tre cho đến những mặt hàng đòi hỏi công nghệ cao như phụ tùng ô tô, mỹ phẩm…’.
Đại tá Hoàng Văn Trực cho biết việc làm giả hàng hóa tại VN rất nhiều- Ảnh: Lê Đình Dũng.
Đại tá Hoàng Văn Trực cho biết việc làm giả hàng hóa tại VN rất nhiều- Ảnh: Lê Đình Dũng.

Chuyên gia Pháp phải bất ngờ

Thông tin được đại tá Trực đưa ra tại buổi tọa đàm ‘Nâng cao hiệu quả thực thi quyền sở hữu trí tuệ và vai trò của báo chí’ diễn ra tại TP.Đà Nẵng vào sáng nay, 28.10.

Theo cục Cảnh sát Kinh tế, trong thời gian qua, tình hình xâm phạm sở hữu trí tuệ (SHTT), sản xuất, buôn bán hàng giả ở VN vẫn diễn ra phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi trong mọi lĩnh vực của nền kinh tế. Hàng giả xâm phạm SHTT không những sản xuất trong nước mà còn từ nước ngoài rồi tuồn vào tiêu thụ.

Trong năm 2014, cảnh sát Kinh tế đã phát hiện 665 vụ xâm phạm SHTT, sản xuất, buôn bán hàng giả. Trong đó đã khởi tố 120 vụ, 196 bị can. So với năm 2013, số vụ việc phát hiện tăng 130 vụ.

Trong 6 tháng đầu năm 2015 phát hiện 316 vụ xâm phạm SHTT, sản xuất và buôn bán hàng giả, khởi tố 32 vụ, 51 bị can.

Công tác chống tội phạm buôn bán hàng giả, hàng nhái hiện nay gặp nhiều khó khăn vướng mắc từ những cơ chế, chính sách, pháp luật.

Đại tá Trực cho biết: “Tội phạm về hàng giả thì nhiều nhưng không có cơ quan nào chuyên trách. Do vậy, đã có nhiều vụ việc gây ra tranh cãi do sự bất nhất ý kiến của các cơ quan liên quan như quản lý thị trường, hải quan, bộ đội biên phòng, thanh tra chuyên ngành. Các quy phạm pháp luật về bảo hộ quyền SHTT còn chồng chéo, trùng lặp”.

Ông Trực ví dụ, để giám định được rượu ngoại là không hề đơn giản và hiện rượu ngoại nhái, giả đang tràn lan tại Việt Nam. Các chuyên gia Pháp khi cùng Cục cảnh sát Kinh tế đi thực tế tại cửa khẩu Lao Bảo (Quảng Trị) đã khẳng định 98% rượu bày bán là rượu giả và 99% mỹ phẩm là giả. Nhiều chuyên gia Pháp không khỏi bất ngờ và ngạc nhiên vì có nhiều loại rượu thậm chí ở Pháp không sản xuất mà ở các cửa khẩu này lại có và dán tem xuất xứ từ Pháp.

Đại tá Trực khuyến cáo không nên mua hai mặt hàng này tại cửa khẩu Lao Bảo và cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh).

Nhật Bản phát triển nhờ biết bảo vệ quyền SHTT 

Ông Nishiyama Tomohiro,cố vấn trưởng dự án JICA của Nhật Bản- Ảnh: Lê Đình Dũng.
Ông Nishiyama Tomohiro,cố vấn trưởng dự án JICA của Nhật Bản- Ảnh: Lê Đình Dũng.

Phát biểu chia sẻ tại tọa đàm, ông Nishiyama Tomohiro, cố vấn trưởng dự án JICA của Nhật Bản nói: “Quý vị biết rằng đất nước Nhật Bản chúng tôi không giàu về tài nguyên nhưng nhờ bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ tốt nên chúng tôi có sự phát triển tốt như hiện nay”.

Ông Nishiyama Tomohiro đưa ra ví dụ về ông tổ sáng lập ra thương hiệu Toyota, ông Sakichi Toyoda (SN 1867). Ông là một nhà phát minh sáng chế, ông nghĩ ra cái máy dệt lụa và là nhà máy dệt đầu tiên được đăng ký bằng sáng chế. Nhờ có quyền phát minh sáng chế này, ông chuyển nhượng cho các nhà máy ở Anh quốc thời kỳ đó nên được một số tiền rất lớn.

Nhờ số tiền nhận được từ việc chuyển nhượng quyền bảo hộ nên con cháu ông này đã thành lập doanh nghiệp Toyota lớn như hiện nay, là đại diện điển hình của Nhật Bản trong sản xuất và chế tạo xe ô tô.

Như vậy, câu chuyện đã xảy ra cách đây 150 năm, và người Nhật Bản đã tính đến việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.

“Tôi mong chờ ngoài việc thực hiện của cơ quan quản lý thì người dân họ cũng ý thức được việc không sử dụng sản phẩm nhái ở ngoài thị trường. Giống như hai cái bánh xe lửa, thì ngoài chức trách của cơ quan chức năng thì còn ý thức của người dân”, ông Nishiyama Tomohiro mong muốn.

Ông cũng cho rằng: “Việc để người dân hiểu được bảo vệ quyền SHTT và ý thức bảo vệ quyền SHTT phải cần một thời gian dài, nó là một việc khó khăn chứ không phải đơn giản. Nên tôi mong rằng các cơ quan thông tấn chuyển tải, tuyên truyền tới công chúng Việt Nam  bằng một cách dễ hiểu nhất. Người dân phải hiểu việc bảo vệ quyền SHTT là góp phần giúp cho doanh nghiệp VN phát triển”.

Thực tế người tiêu dùng ở VN hiện nay, theo đại tá Hoàng Văn Trực phân tích là “sính” hàng ngoại mà lại không quan tâm đến việc đó là mặt hàng vi phạm quyền SHTT. Đó là hạn chế lớn tạo ra mảnh đất màu mỡ cho vi phạm SHTT phát triển.

Theo Một thế giới