TS.BS Lưu Quang Thuỳ: Trận chiến khốc liệt nhất đã qua, TP.HCM sẽ hồi sinh

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – TS.BS Lưu Quang Thuỳ - Phó Giám đốc Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 Bệnh viện Việt Đức tại TP.HCM - bày tỏ tin tưởng vùng dịch sẽ hồi sinh trong thời gian tới.
Giữa rất nhiều cuộc họp và công tác chỉ đạo chuyên môn, TS.BS Lưu Quang Thuỳ dành chút thời gian trò chuyện với phóng viên VietTimes. Ảnh: Hoà Bình
Giữa rất nhiều cuộc họp và công tác chỉ đạo chuyên môn, TS.BS Lưu Quang Thuỳ dành chút thời gian trò chuyện với phóng viên VietTimes. Ảnh: Hoà Bình

Thần tốc, chạy đua với thời gian

* Thưa bác sĩ, được biết đoàn bác sĩ từ Bệnh viện Việt Đức là một trong những đoàn y bác sĩ đầu tiên đã đến với điểm nóng TP.HCM trong những ngày đầu tháng 8, thần tốc xây dựng Trung tâm Hồi sức tích cực để giảm tử vong cho vùng dịch?

TS.BS Lưu Quang Thuỳ: - Ngay từ cuối tháng 7 khi diễn biến dịch ở phía Nam rất phức tạp, Bộ Y tế chủ trương thành lập các Trung tâm Hồi sức tích cực để giảm tỷ lệ tử vong cho người bệnh COVID-19 tại TP.HCM. Ngày 28/7, đoàn công tác BV Việt Đức, do GS.TS Trần Bình Giang – Giám đốc Bệnh viện -dẫn đầu, đã vào khảo sát và thành lập Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 BV Việt Đức tại TP.HCM, đặt tại Bệnh viện dã chiến số 13 xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh.

Sau 10 ngày thần tốc xây dựng, Trung tâm đã được thiết lập, chính thức đi vào hoạt động và nhận bệnh nhân đầu tiên ngày 11/8/2021. Cho đến nay, tròn 2 tháng, chúng tôi đã điều trị được 971 bệnh nhân nặng; có gần 600 bệnh nhân ra viện.

Cấp cứu bệnh nhân COVID-19 nặng tại Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 BV Việt Đức tại TP.HCM

Cấp cứu bệnh nhân COVID-19 nặng tại Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 BV Việt Đức tại TP.HCM

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng thực hiện sự phân công của Bộ Y tế, hỗ trợ chuyên môn cho 8 bệnh viện trên địa bàn huyện Bình Chánh và quận Bình Tân, hai vùng tâm dịch của TP.HCM. Công việc giữa cuối tháng 8 đầu tháng 9 vô cùng căng thẳng, số lượng bệnh nhân trên địa bàn quá lớn, có những ngày thành phố lên tới hơn 10.000 ca nhiễm, tử vong hơn 300 người. Số lượng bệnh nhân cực kỳ lớn, đặc biệt là các bệnh nhân cần được điều trị tại tầng 3. Tuy nhiên, trung tâm vẫn đứng vững, bình tĩnh nhận tiếp nhận người bệnh và tích cực điều trị chăm sóc người bệnh Covid-19 đến ngày hôm nay.

*Thưa bác sĩ, đã có bao nhiêu y bác sĩ, nhân viên y tế từ Bệnh viện Việt Đức vào với vùng dịch TP.HCM?

TS.BS Lưu Quang Thuỳ: - Đợt đầu tiên chúng tôi vào hơn 300 người, sau 8 tuần làm việc chúng tôi đã “đổi quân” 3 lần, luân chuyển hơn 306 người để đảm bảo sức chiến đấu trong mùa dịch, bản thân tôi đăng ký ở lại đến khi thành phố hết dịch để cố gắng duy trì hoạt động của trung tâm một cách ổn định nhất.

Tổng số y bác sĩ đến từ Bệnh viện Việt Đức làm việc tại trung tâm là 605 người. Kết hợp với 80 người từ Bệnh viện Phụ Sản Trung ương, 30 người từ Bệnh viện Bưu điện nữa và một chuyên gia đến từ Bệnh viện nhiệt đới trung ương. Như vậy, tổng số y bác sĩ, nhân viên y tế tại Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 Việt Đức tại TP.HCM là hơn 700 người.

TS.BS Lưu Quang Thuỳ vào với vùng dịch TP.HCM từ những ngày căng thẳng đầu tiên. Ảnh: Hoà Bình
TS.BS Lưu Quang Thuỳ vào với vùng dịch TP.HCM từ những ngày căng thẳng đầu tiên. Ảnh: Hoà Bình
Chạy đua với thời gian để cứu bệnh nhân COVID-19 tại Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 BV Việt Đức

Chạy đua với thời gian để cứu bệnh nhân COVID-19 tại Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 BV Việt Đức

“Trận chiến” khốc liệt nhất đã qua

* Những khó khăn thách thức đối với Trung tâm hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 BV Việt Đức tại TP.HCM mà y bác sĩ vào với vùng dịch đã phải đối mặt là gì thưa bác sĩ?

TS.BS Lưu Quang Thuỳ: - Từ con số không, chúng tôi xây dựng cả một bệnh viện dã chiến điều trị tầng 3 nhưng chỉ có 10 ngày đã phải xong và đi vào hoạt động. Với tốc độ thần tốc đó, đương nhiên khó đảm bảo sự hoàn hảo như một bệnh viện thông thường.

Dịch bệnh COVID-19 giai đoạn tháng 8 xảy ra ở TP.HCM diễn biến phức tạp, bệnh nhân đến nhập viện đông, tình trạng nặng chủ yếu ở tầng 3. Điều kiện làm việc ở bệnh viện dã chiến rất khắc nghiệt, thời tiết nóng nực, hoàn toàn không có máy lạnh, dưới mái tôn thấp, nhân viên y tế phải mặc trang phục bảo hộ cả ngày, nhiều người đã bị ngất trong quá trình làm việc.

Đại dịch quá khắc nghiệt, chúng tôi đã phải huy động tất cả các chuyên ngành tham gia chống dịch, phải cố gắng có cả bác sĩ hồi sức, gây mê, bác sĩ sản khoa, y học cổ truyền… được huy động từ Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Phụ Sản Trung ương và Bệnh viện Bưu điện cùng phối hợp làm việc. Ngoài ra, chúng tôi còn được sự hỗ trợ chuyên ngành từ Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương để tăng hiệu quả điều trị.

TS.BS Lưu Quang Thuỳ - Phó Giám đốc Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 BV Việt Đức tại TP.HCM. Ảnh: Hoà Bình
TS.BS Lưu Quang Thuỳ - Phó Giám đốc Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 BV Việt Đức tại TP.HCM. Ảnh: Hoà Bình

Tâm lý của nhân viên y tế sau khi đối mặt với thảm kịch ở vùng dịch thì nhiều người bị sốc, nhiều người đã khóc sau khi chứng kiến những đau thương của người bệnh Covid-19. Ngay cả chính tôi, đôi lúc đã cảm thấy bất lực trước đại dịch vì có những người bệnh diễn biến rất nhanh, vài hôm trước còn đang chuẩn bị làm thủ tục xuất viện thì sau đó diễn biến nặng, phải thở máy và không qua khỏi, đặc biệt là những người béo, tuổi cao và nhiều bệnh nền.

Để khắc phục khó khăn, chúng tôi phải phân vòng điều trị rất rõ ràng, khoa học, tập huấn kỹ lưỡng để nhân viên y tế không bị nhiễm bệnh. Vòng 1 là các bác sĩ điều trị trực tiếp cho bệnh nhân, vòng 2 là tiếp xúc với bệnh phẩm, chẳng hạn như khoa vi sinh, vòng 3 là khối hành chính và bộ phận điều hành; từ làm việc chuyên môn đến sinh hoạt đều phải tuân thủ nguyên tắc phân vòng như thế để tránh lây nhiễm chéo, nếu có 1 nhân viên bị lây chéo chúng tôi sẽ cách ly ngay mà không ảnh hưởng đến hoạt động của toàn đoàn. Đến nay, hơn 2 tháng làm việc chưa có 1 nhân viên nào bị lây chéo covid 19

Bên cạnh đó, phải setup hệ thống hoạt động tốt bằng việc xây dựng các quy trình làm việc, từ lúc người bệnh Covid-19 nhập viện đến khi ra viện, thậm chí cả quy trình xử lý bệnh nhân tử vong, trao trả tài sản, di vật thế nào… Đến nay đã có hơn 30 quy trình được xây dựng để vận hành hoạt động của trung tâm.

Phối hợp với các chuyên gia truyền nhiễm để nâng cao chất lượng điều trị, y bác sĩ và nhân viên y tế ở đây đều tích cực học tập, vừa học vừa làm, ban ngày làm việc, tối về học online trong suốt 3 tuần đầu tiên, sau khi có kiến thức cơ bản rồi thì lại tham gia đào tạo cho các nhóm mới vào.

Chúng tôi động viên nhau đồng sức đồng lòng xây dựng Trung tâm với mục đích giảm tử vong cho người bệnh Covid-19. Đến ngày hôm nay, có thể coi như chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ, chỉ còn lại một số ít bệnh nhân nặng sẽ được bàn giao về Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM để đoàn bác sĩ có thể quay về Hà Nội.

Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 BV Việt Đức tại TP.HCM. Ảnh: Hoà Bình
Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 BV Việt Đức tại TP.HCM. Ảnh: Hoà Bình

* Thưa bác sĩ, mặc dù hiện tại dịch bệnh ở TP.HCM đã giảm nhiệt nhưng mỗi ngày vẫn có hàng ngàn ca bệnh mới. Ở giai đoạn này, bác sĩ có còn cảm thấy lo lắng cho TP.HCM giai đoạn sắp tới?

TS.BS Lưu Quang Thuỳ: - Tôi cũng có nỗi lo khi người dân được mở ra quá nhiều lĩnh vực dịch vụ và nếu một số người ý thức chưa cao, không tuân thủ khuyến cáo của Bộ Y tế thì cũng có thể tỷ lệ mắc bệnh lại tăng lên. Tuy nhiên, thời điểm này, mức độ nhiễm mới so với lúc đỉnh dịch đã ít đi rất nhiều vì TP.HCM đã nhanh chóng gần như phủ được vaccine mũi 1 là 100%, mũi 2 cũng đã phủ được 68% (cho người từ 18 tuổi trở lên). Khi tiêm vaccine như vậy tỉ lệ nhiễm sẽ giảm, và nếu có bị nhiễm Covid-19 thì mức độ cũng nhẹ đi nhiều chứ không như giai đoạn trước.

Thời gian qua ở TP.HCM đại dịch xảy ra quá nhanh, số lượng quá nhiều, nhưng cũng rất nhiều thành phố lớn trên thế giới, với hệ thống y tế cực kỳ hiện đại, khi bị Covid-19 tấn công cũng bị khủng hoảng. Tuy nhiên, để đối phó với đại dịch thì cả hệ thống chính trị, hệ thống y tế và toàn thể người dân TP.HCM đều vào cuộc để đẩy lùi đại dịch và hôm nay chúng ta đã làm được điều đó. Những tia nắng đầu tiên đã xuất hiện đẩy đi những đám mây u ám trên bầu trời TP.HCM, báo hiệu những bình minh trong trẻo, người dân thành phố đang dần trở lại cuộc sống bình thường.

Tôi rất hy vọng và tin rằng TP.HCM sẽ hồi sinh trong thời gian tới!

* Cám ơn ông đã trò chuyện!