Sứ mệnh “anh cả” của Bệnh viện Bạch Mai với Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 Bạch Mai tại TP.HCM đã hoàn thành. Hàng ngàn y bác sĩ nhân viên y tế từ BV Bạch Mai và khoảng 1.000 thầy cô và sinh viên trường Cao đẳng y tế Bạch Mai vào hỗ trợ vùng dịch TP.HCM đang lần lượt trở về Hà Nội. Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 Bạch Mai tại TP.HCM nằm sát bên Bệnh viện dã chiến số 16 đang trong quá trình bàn giao. Trả lời phỏng vấn VietTimes, TS.BS. Đỗ Ngọc Sơn – Phó Giám đốc Trung tâm - nói về giai đoạn chống dịch căng thẳng nhất, bày tỏ niềm tin TP.HCM sẽ trở lại phát triển rực rỡ.
Vai trò của Trung tâm hồi sức tích cực
* Thưa bác sĩ, xin ông phân tích rõ hơn về đặc thù của bệnh nhân COVID-19 tại TP.HCM khác hẳn với các vùng dịch khác trên cả nước và đâu là bí quyết giúp cho Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 BV Bạch Mai đã hỗ trợ tốt nhất cho công cuộc chống dịch của TP.HCM?
TS. BS. Đỗ Ngọc Sơn: - Vùng dịch TP.HCM có tầm cỡ, quy mô khác hơn rất nhiều so với tất cả các vùng dịch khác. Một trong những đặc tính rất quan trọng, đó là sự lây lan nhanh chóng. Bệnh nhân COVID-19 ở TP.HCM thuộc nhiều loại cộng đồng khác nhau, có thể cả một khu phố, cả một chung cư, hoặc cả một công ty trong khu công nghiệp cùng nhiễm bệnh, lứa tuổi của bệnh nhân rất khác nhau và đa số có bệnh lý nền khác nhau đang điều trị.
TP.HCM có tất cả những gì mà chúng tôi đã chứng kiến trong các lần dịch trước, với sự lan rộng và ảnh hưởng sâu sắc của COVID-19.
Đối với nhân viên y tế thì quá trình chống dịch nảy sinh quá nhiều việc. Đầu tiên là phải phát hiện được người bệnh và tách họ ra khỏi những người còn đang âm tính. Lúc đầu dịch, việc tách F0 chưa được chỉn chu nhưng giai đoạn sau thì càng ngày càng làm tốt. Chúng ta biết được chính xác vị trí, mức độ của dịch bệnh.
TS.BS. Đỗ Ngọc Sơn tại Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 Bạch Mai TP.HCM. Ảnh: Hoà Bình |
Việc thứ hai là phải tiếp nhận được thông tin người bệnh, cách ly họ tại nhà, cơ sở y tế, trung tâm, bệnh viện… Việc này cần đầu tư rất lớn về nhân sự. Với các cơ sở thu dung, cần phân loại được bệnh nhân để cấp cứu kịp thời nhóm bệnh nhân cần theo dõi sát.
Trước đây, chúng ta chưa từng thấy dịch bệnh lan rộng với quy mô lớn đến như vậy. Với số lượng bệnh nhân lớn, cần nhiều cơ sở y tế, nhân viên y tế để điều trị COVID-19. Số bệnh nhân tại TP.HCM vượt quá tầm của cơ sở y tế, mặc dù y tế TP.HCM đã tốt nhất cả nước.
Trải qua đợt dịch vừa rồi, đoàn y bác sĩ đến từ BV Bạch Mai có thể có cái may là BV Bạch Mai là anh cả của ngành y cả nước, nên bất cứ điều gì khó khăn thì BV Bạch Mai đều trải qua. Chúng tôi đã đi qua những giai đoạn khó khăn nhất, nan giải nhất từ đầu dịch. Tất cả những kinh nghiệm tốt nhất của BV Bạch Mai, thông qua những chuyên gia hàng đầu, đều được triển khai tại TP.HCM.
Khi Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 xuất hiện tại TP.HCM đã khiến cho tâm lý của người dân thành phố và các đồng nghiệp trên địa bàn vững vàng hơn. Thậm chí trước khi vào TP.HCM, chúng tôi cũng đã nhận được rất nhiều cuộc điện thoại nói về vai trò của BV Bạch Mai cũng như điện thoại của người dân đăng ký được chuyển tới điều trị.
Nền móng xây dựng nên Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 BV Bạch Mai là một nhà máy, xưởng sản xuất, nên không có bất cứ một thứ gì. Chúng tôi đã thực sự bắt đầu từ con số không. Chúng tôi đánh giá rất cao cố gắng của chính quyền địa phương quận 7 và chính quyền TP.HCM trong quá trình triển khai. Ban đầu BV dã chiến số 16 được xây dựng chỉ để thu dung các bệnh nhân nhẹ, không triệu chứng, nhưng chỉ trong một thời gian rất ngắn, đã cải tạo một tầng để mở cửa Trung tâm hồi sức tích cực người bệnh COVID-19.
Chúng tôi làm việc quên chính mình, quên ngày tháng, quên giờ giấc; cũng có những tranh luận do văn hoá làm việc của hai miền khác nhau; nhưng cuối cùng rất may là khi có dịch thì người dân Việt Nam trở nên vô cùng đoàn kết; bỏ qua những câu chữ khó nghe để tiến tới sự thống nhất chung.
Cho đến nay, đã thấy được sự thành công của Trung tâm Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 BV Bạch Mai. Những ngày đầu, GS.TS Nguyễn Quang Tuấn - Giám đốc BV Bạch Mai, Giám đốc Trung tâm Hồi sức người bệnh Covid-19 - trực tiếp bay vào chỉ đạo công tác điều trị. Có những ngày chúng tôi phải tiếp nhận 50-60 bệnh nhân nặng vào ICU, liên tục ròng rã suốt hơn 2 tháng liền như thế. Điện thoại hot line reo 24/24 giờ mỗi ngày. Gần đây, số bệnh nhân nhiễm trong cộng đồng giảm mạnh, số bệnh nhân phải vào ICU cũng giảm xuống đáng kể, ở Trung tâm bây giờ chỉ còn lại rất ít bệnh nhân nặng, dưới 100 trường hợp.
TS.BS. Đỗ Ngọc Sơn - Phó Giám đốc Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 Bạch Mai tại TP.HCM bày tỏ tin tưởng thành phố sẽ hồi sinh. Ảnh: Hoà Bình |
Lưu ý giai đoạn hậu COVID-19
*Thưa bác sĩ, theo ông, nguyên nhân vì sao bệnh nhân COVID-19 tại TP.HCM diễn biến nặng rất nhanh so với tất cả các vùng dịch khác?
TS. BS. Đỗ Ngọc Sơn: - Tôi quan sát thấy, người bệnh COVID-19 ở TP.HCM có tỷ lệ béo phì cao so với các vùng dịch khác như Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang… Bệnh nhân COVID-19 tại Đà Nẵng nhiều trường hợp bị suy thận nên nhìn họ hơi phù lên, to hơn so với thực tế nhưng vẫn không như TP.HCM. Chúng tôi đã chứng kiến những người rất trẻ mà vẫn nặng hơn 100 ký.
Có lẽ trước đây, lúc kinh tế phát triển, thời tiết thuận lợi, thổ nhưỡng ưu đãi nên người dân TP.HCM dễ dàng trong công việc kinh doanh, kiếm sống, dẫn tới việc nạp thực phẩm vào cơ thể cũng dễ dàng hơn các vùng miền khác. Nhưng trong đại dịch COVID-19, thường thì những người gầy ít diễn biến nặng hơn người béo.
*Thưa bác sĩ, ở giai đoạn đã hoàn thành sứ mệnh của mình, chưa biết trong thời gian bao lâu nhưng chắc chắn cũng sẽ đến giai đoạn bàn giao lại Trung tâm để đoàn y bác sĩ quay trở lại BV Bạch Mai, ông có lo ngại gì không với những trường hợp còn chưa bàn giao xong di vật của những người đã khuất mà chưa kịp xác định danh tính (bệnh nhân trở thành vô danh, tử vong ngay khi nhập viện, y bác sĩ và nhân viên y tế còn chưa kịp hỏi bất cứ thông tin gì) Liệu sẽ có đơn vị nhận bàn giao lại phần công việc nặng nề này?
TS. BS. Đỗ Ngọc Sơn: - Tôi hoàn toàn tin rằng giai đoạn tiếp theo của TP.HCM sẽ tốt, bởi vì ngành y đã học được rất nhiều thứ, trong đó có cả những bài học đau thương. Trong lúc đại dịch xảy ra, với bất cứ đất nước nào cũng sẽ xảy ra những tình cảnh tương tự. Nhưng sau đại dịch, tôi tin TP.HCM sẽ vươn dậy với sức sống mới mạnh mẽ trong những năm tới. Ngay cả người dân, trải qua đại dịch, họ sẽ hiểu giá trị của cuộc sống.
Điều mà mọi người lo ngại là TP.HCM sụt giảm kinh tế mạnh thời gian qua, tôi luôn tin là kinh tế TP.HCM sẽ quay trở lại giai đoạn phát triển rực rỡ với một sự chuẩn bị tốt nhất.
Công tác đào tạo, tập huấn về y tế, phòng, chống dịch, hồi sức cấp cứu đều đã có được những bài học quý giá. TP.HCM đã phủ vaccine COVID-19 nhanh chóng, đó là những cán cân vô cùng quan trọng để cân bằng lực lượng phòng, chống dịch. Có thể sẽ có thêm những biến chủng mới, nhưng các nước phát triển cũng liên tục nghiên cứu, sản xuất thêm các vaccine mới. Và ngay cả Việt Nam cũng vẫn đang tiếp tục nghiên cứu, sản xuất vaccine, làm chủ công nghệ.
Tất cả những yếu tố thiết yếu đã được xác định, khi phát hiện dịch bệnh đợt mới, hệ thống y tế TP.HCM sẽ được đánh động, quay trở lại hoạt động trơn tru hơn.
Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 BV Bạch Mai được xây dựng trên một nhà máy, xưởng sản xuất tư nhân, nên sớm muộn cũng sẽ phải trả lại cho người chủ. Nhưng nếu dỡ bỏ sớm quá thì rất phí, nên cũng có thể là cần duy trì một năm, hai năm hay ba năm nữa, nếu chủ đầu tư cho phép, để thành phố luôn có phương án chủ động trong phòng, chống dịch. Bệnh nhân COVID-19 nhiễm biến chủng mới có thể được vào điều trị tại đây. Vì khi thiết kế, chúng tôi đã phân luồng rất an toàn cho bệnh nhân, bảo vệ cao nhất cho nhân viên y tế.
Giai đoạn trước, để ứng phó với dịch bệnh, thành phố phải duy trì hình thức BV tách đôi, nay có thể tách hẳn ra, bàn giao Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 về cho một BV lớn nào đó quản lý, như cơ sở 2, để điều trị chuyên biệt COVID-19, còn cơ sở 1 chỉ điều trị bệnh thông thường. Nên lưu ý, hậu COVID-19 mới là vấn đề, vẫn còn rất nhiều bệnh lý nguy hiểm khác cần điều trị cho người dân.
Đoàn công tác số 1 BV Bạch Mai (gần 200 y bác sĩ, điều dưỡng và 200 các em sinh viên, thầy cô trường Cao đẳng y tế Bạch Mai) tham gia chống dịch COVID-19 tại TP.HCM đã an toàn trở về Hà Nội |
Bàn giao di vật của bệnh nhân tử vong do COVID-19
Tại Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 trực thuộc BV Bạch Mai, sau khi kiểm tra đồ đạc của bệnh nhân không may không qua khỏi vì COVID-19, nhận thấy túi đồ của bệnh nhân có 60 triệu đồng - một tài sản không hề nhỏ, Phòng Công tác xã hội trực thuộc ngay lập tức tìm cách liên lạc với người thân trong gia đình để trao trả lại số tiền và kỷ vật của người đã mất.
Qua xác minh tìm hiểu, Phòng Công tác xã hội đã liên lạc được với chị Từ Huệ Tiên ở phường 6, Quận 8, TP. Hồ Chí Minh (là em gái của bệnh nhân) để đến nhận lại số tiền và kỷ vật của người anh trai không may đã tử vong vì COVID-19.
Cán bộ Trung tâm bàn giao di vật của người quá cố cùng với số tiền |
GS.TS Nguyễn Quang Tuấn - Giám đốc BV Bạch Mai, Giám đốc Trung tâm Hồi sức người bệnh Covid-19 - cho biết:
“Chúng tôi đã trải qua rất nhiều mùa dịch ở các địa phương khác nhau nên ngay từ đầu chúng tôi đã chủ động ghi lại những yếu tố liên quan đến địa chỉ, số điện thoại liên lạc với gia đình. Hàng ngày, Trung tâm đều gọi điện báo thông tin tình hình bệnh tình của bệnh nhân cho người thân, để người nhà nắm được. Nếu bệnh nhân không may không qua khỏi, Trung tâm sẽ giữ lại tất cả các tài sản của bệnh nhân đã mất, khi có thời gian phù hợp sẽ bàn giao lại cho gia đình. Để đảm bảo tất cả các tài sản được lưu giữ một cách chính xác nhất, trung thực nhất đều có sự giám sát của nhiều phòng ban tại Trung tâm”.