TS Đào Xuân Học: Để xảy ra hiện tượng lũ chồng lũ là do thiếu những quy trình quản lý chặt chẽ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes –  Lũ lụt ở miền Trung thời gian qua ít nhiều có nguyên nhân do sự phát triển của thuỷ điện nhỏ. Tiếp tục tìm hiểu vấn đề, VietTimes đã có cuộc phỏng vấn với TS Đào Xuân Học – Chủ tịch Hội Thuỷ lợi Việt Nam.

TS Đào Xuân Học - Chủ tịch Hội Thuỷ lợi Việt Nam
TS Đào Xuân Học - Chủ tịch Hội Thuỷ lợi Việt Nam

PV: Từ tình hình lũ lụt ở miền Trung thời gian qua, là người đứng đầu Hội Thuỷ lợi Việt Nam, ông có đánh giá gì?

TS Đào Xuân Học: Theo tôi, lũ lụt ở miền Trung thời gian vừa qua là rất nghiêm trọng. Điều đó đòi hỏi chúng ta phải có những giải pháp để thích ứng vì nếu không thì thiệt hại sẽ rất lớn. Thật ra, trong những thiệt hại của thiên tai thì liên quan đến lũ lụt rất nhiều. Tổng kết lại, nếu thiệt hại riêng về bão thì không lớn nhưng bão thì thường kèm theo mưa lũ thì thiệt hại là rất nhiều.

Lũ lụt ở miền Trung hoàn toàn khác với ở đồng bằng sông Cửu Long, vì ở Đồng bằng sông Cửu Long mức độ lên xuống chỉ 15 – 17 cm/ngày và bình quân chỉ 7 cm/ngày, mà ở đây người ta thường gọi là mùa nước nổi. Còn đối với miền Trung thì lũ lên rất nhanh, rất hung dữ và thật sự là rất khó chế ngự. Như chúng ta đều biết, dải đất miền Trung rất hẹp. Đằng sau là vách núi, phía trước là biển và toàn bộ nước từ vách núi đổ ra sông cả nên việc tiêu thoát là rất khó.

PV: Vậy xin ông giải thích đôi nét về cơ chế hoạt động của thuỷ điện.

TS Đào Xuân Học: Về thuỷ điện có 2 loại là thuỷ điện đập dâng và thuỷ điện hồ chứa. Hồ chứa thường có lòng hồ để tích nước. Có 2 loại hồ chứa tích nước theo năm và hồ chứa điều tiết nhiều năm. Dung tích hồ chứa điều tiết nhiều năm thường có dung tích rất lớn so với lượng nước về. Một năm thường không thể đầy hồ và nhiều năm thì con lũ rất khác nhau. Còn với hồ chứa điều tiết hàng năm thì cứ đến mùa lũ về cơ bản đủ nước. Tuổi thọ của hồ chứa cũng thường vào khoảng 100 năm. Và người ta phải tính lượng bùn cát nếu không xả xuống hạ lưu.

Vì thế, phải có dung tích chết của hồ chứa. Dung tích chết này phải đảm bảo trước hết là tuổi thọ công trình 100 năm. Và nếu nuôi trồng thuỷ sản thì mực nước chết này cũng phải đảm bảo để nuôi thuỷ sản. Tiếp đó là giao thông thì đó cũng là yêu cầu đặt ra cho mực nước chết. Đương nhiên, với những công trình thuỷ điện sau này đã có thêm cống xả cát để bùn cát về được hạ lưu. Tuy nhiên, cống xả này thường chỉ xả được một phần bùn cát lắng đọng ở lòng hồ.

Còn về đập dâng thì về cơ bản, nguyên tắc là dâng cao nhất để lợi dụng áp lực nước cho việc phát điện và đập dâng không có tác dụng trữ lũ và điều tiết lũ. Thế nhưng nói như thế cũng không chính xác hoàn toàn, vì ở những chỗ đó cũng có thể điều tiết lũ trong vòng 1 ngày đêm. Cụ thể, ban ngày dùng nhiều điện thì phải trữ lại và ban đêm dùng ít thì xả đi. Đương nhiên, đập dâng cũng trữ phù sa, bùn cát nhưng không lớn.

Đương nhiên, việc các nước ở thượng nguồn sông Mekong mà điển hình là Lào có kế hoạch xây dựng thuỷ điện thì chúng ta không thể ngăn cản họ. Tuy nhiên, nếu chúng ta quan hệ tốt với họ thì hạ nguồn của chúng ta sẽ ít bị ảnh hưởng khi sự điều tiết nước của họ đạt mong muốn của cả hai phía. Và ngay cả vấn đề thiếu hụt phù sa cho hạ lưu thì chúng ta hoàn toàn có thể yêu cầu họ giãn cách kế hoạch xây dựng các thuỷ điện đủ thời gian cần thiết.

PV: Quay trở lại với thuỷ điện ở miền Trung, xin ông cho biết phải làm gì để hạn chế những tác dụng tiêu cực?

TS Đào Xuân Học: Rõ ràng, việc xây dựng thuỷ điện là chúng ta phải chấp nhận mất rừng, mất đất, mất điều kiện sinh sống của muông thú. Tuy nhiên, chúng ta cũng đã có chính sách trồng rừng thay thế thì cũng là điều tốt.

Dù sao thuỷ điện cũng là năng lượng sạch thì chúng ta phải quan tâm. Có điều, chúng ta phải biết những tác động không tốt để giảm thiểu. Đương nhiên, hạ du chịu tác động rất lớn của thuỷ điện, nhưng nếu có giải pháp tốt thì sẽ hạn chế được rất nhiều. Cụ thể là phải có quy trình quản lý chặt chẽ, đánh giá và gám sát rõ ràng. Còn về thực tế lũ chồng lũ đã xảy ra thì do chúng ta thiếu những quy định chặt chẽ. Nếu muốn xả lũ thì quy xả không được lớn hơn lũ về hồ. Chúng ta phải có kết quả dự báo khí tượng thuỷ văn thật tốt để xả lũ đúng quy trình thì mới hạn chế tối đa thiệt hại với người dân vùng hạ du. Tuy nhiên, cũng cần phải nói thêm về thực tế xây dựng công trình, nhà cửa ở hạ du có tình trạng vi phạm hành lang chống lũ. Chính điều đó cũng đã gây ra thiệt hại khó tránh cho người dân.

Hiện tượng lũ chồng lũ do thuỷ điện gây ra làm gia tăng thiệt hại cho người dân hạ du. Ảnh: báo Thanh Niên

Hiện tượng lũ chồng lũ do thuỷ điện gây ra làm gia tăng thiệt hại cho người dân hạ du. Ảnh: báo Thanh Niên

Nguyên tắc của thuỷ điện là chứa nước lúc thừa để xả vào lúc thiếu. Nếu có nhiều thuỷ điện thì lưu lượng bình quân mùa lũ phải giảm, lưu lượng bình quân mùa kiệt sẽ tăng, như vậy có lợi cho hạ du trong việc sử dụng nguồn nước. Tuy nhiên, nếu quản lý không tốt thì lưu lượng lũ lớn cực đoan vẫn sẽ tăng vào mùa lũ.

Nhân đây, chúng tôi cũng xin nhắc lại quan điểm phải đưa quản lý thuỷ lợi về một mối. Hiện tại, thuỷ lợi ở các địa phương là do Sở Tài nguyên và Môi trường quản lý, nhưng chỉ đếm trên đầu ngón tay các sở này có kỹ sư thuỷ lợi. Cũng phải nói thêm là chưa chắc các kỹ sư thuỷ lợi nắm chắc kiến thức về thuỷ điện. Vì thế, họ không đủ trình độ để thẩm định và chỉ đạo hoạt động của các thuỷ điện cũng là thực tế đã chỉ cho thấy khá rõ ràng.

PV: Nhân đây, xin được hỏi, việc xây dựng các thuỷ điện lớn có tác động thế nào với hạ lưu thưa ông?

TS Đào Xuân Học: Các thuỷ điện giữ lại lượng lớn bùn cát ở long hồ, giảm lượng bùn cát về hạ du đã làm mực nước mùa kiệt của các con sông ở hạ lưu hạ thấp xuống. Điển hình có thể thấy là sông Hồng, sông Đuống, mực nước sông Hồng thấp không thể lấy nước tự chảy vào sông Nhuệ và sông Đáy nay đang dần thành những dòng sông chết do Thuỷ điện Hoà Bình. Tuy nhiên, còn một nguyên nhân thứ hai là khai thác cát. Đây là một quy luật tất yếu của quá trình đô thị hoá. Cát cần dùng để san nền và để xây dựng công trình. Và như thế thì các dòng sông cứ bị đào sâu thêm, dẫn đến mực nước bị hạ thấp xuống.

Cũng cần nói thêm, nhu cầu cát cho xây dựng đang là rất lớn. Với các toà nhà 6 tầng trở xuống cùng mật độ xây dựng từ 40% trở xuống thì nhu cầu cát san nền chiếm tới 60 đến 80%. Liệu rằng có giảm được lượng cát đó không? Vì thế, nếu mỗi khu đô thị 30 ha trở lên phải đào hồ điều hoà sâu 5 m với diện tích tối thiểu 7 – 10% thì hoàn toàn đủ đất san nền cho các toà nhà. Khi đó, đương nhiên nhu cầu về cát cũng giảm ngay 80% và nhà đầu tư không thiệt gì cả. Và điều quan trọng hơn là chính hồ điều hoà sẽ góp phần giảm thiểu rất lớn được úng ngập thành phố mỗi khi có mưa lớn. Dĩ nhiên, người dân ở các khu đô thị mới này cũng được lợi vì môi trường của họ hài hoà với thiên nhiên.

PV: Xin cám ơn ông!