Thông tin này nhận được sự tán đồng của các diễn giả tham dự Diễn đàn: Thực hiện Quyết định số 2545/QĐ-TTg- Thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) trong doanh nghiệp - do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp vừa tổ chức chiều ngày 26/8. Diễn đàn được tổ chức trong bối cảnh thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch COVID-19.
Trong báo cáo đề dẫn, ông Lê Anh Dũng – Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam – cho biết đề án phát triển TTKDTM tại Việt Nam đã được triển khai từ năm 2016 và đến nay đã đạt được một số kết quả nhất định. Tuy nhiên vẫn còn tồn tại một số hạn chế về cơ chế chính sách cùng thói quen sử dụng tiền mặt vẫn còn phổ biến với người dân.
Ông Lê Anh Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước
|
Với những tồn tại và thách thức đó, Ngân hàng Nhà nước đã đề ra một số phương châm chỉ đạo mới, với trọng tâm là tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện hành lang pháp lý cho TTKDTM. Cùng với đó là thúc đẩy phát triển hạ tầng thanh toán thế hệ mới, đóng vai trò nền tảng cho thanh toán số với hướng tiếp cận mở và đảm bảo kết nối liên thông. Khẩn trương ban hành Thông tư mới về mở và sử dụng tài khoản thanh toán mà trong đó nhắm đến cả các đối tượng ở vùng sâu, vùng xa.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước sẽ cùng các ngân hàng thương mại và tổ chức thanh toán trung gian đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức về TTKDTM, nâng cao nhận thức người tiêu dùng…
Theo chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu, ngay cả tại Mỹ thì vẫn còn đến 20% dân chúng không có tài khoản ngân hàng và vẫn duy trì thói quen sử dụng tiền mặt. Vì vậy, Chính phủ đã phải đưa vào chương trình của các cấp giáo dục về tiêu dùng thông minh (Money Smart) để giáo dục ý thức về TTKDTM.
Ông cho rằng, Việt Nam phải đặt mục tiêu đến 2025 phải có 80% dân số sử dụng tài khoản ngân hàng và các phương tiện thanh toán phải chiếm ít nhất 40%. Theo ông, để thúc đẩy TTKDTM, các doanh nghiệp tham gia phải làm sao tạo được niềm tin cho cộng đồng.
Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cũng chỉ ra Ngân hàng Nhà nước và Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam cần phải thực hiện các cuộc điều tra trên diện rộng để có những con số chính xác về thực trạng TTKDTM của người dân trên phạm vi toàn quốc.
Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu
|
Ông Đinh Thanh Sơn - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Bưu chính Viettel (Viettel Post) - cho biết, dịch vụ chủ yếu của Viettel Post là giao nhận hàng hóa trong thương mại điện tử. Tuy nhiên, hình thức thanh toán chủ yếu cho dịch vụ này vẫn là giao hàng thu tiền (COD).
"Với hình thức thanh toán này các doanh nghiệp làm dịch vụ giao nhận luôn gặp rủi ro rất lớn về nạn cướp tiền. Đặc biệt, nếu làm dịch vụ ở các vùng sâu, vùng xa. Chính vì vậy, Viettel Post đã thực hiện chính sách giảm phí nếu khách hàng thanh toán không dùng tiền mặt" - ông Đinh Thanh Sơn bày tỏ.
Ông Đinh Thanh Sơn - Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Viettel Post
|
Theo ông Huỳnh Ngọc Huy - Chủ tịch Ngân hàng LienvietPostBank - TTKDTM phụ thuộc vào hạ tầng thanh toán, pháp lý và quan trọng nhất là thói quen của người dân. Ông cũng cho biết, các dịch vụ tài chính điện tử (fintech) ngày nay không còn là đối thủ cạnh tranh với ngân hàng mà đã có những sự hợp tác rất tốt vì fintech rất linh hoạt.
Ông Huỳnh Ngọc Huy - Chủ tịch Ngân hàng LienvietPostBank
|
Tổng hợp các báo cáo và ý kiến tại diễn đàn, ông Trần Kim Chung – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương – cho rằng, TTKDTM đang là vấn đề quốc tế và có thể lấy ra những ví dụ cụ thể như mua hàng hóa ở nước ngoài, chi trả học phí cho người thân đi du học và sử dụng các dịch vụ từ xa.
Theo ông Chung, việc TTKDTM tại Việt Nam hiện nay còn tồn tại nhiều vấn đề. Trong đó phải kể tới thực trạng hiện tại của hệ thống thanh toán, cần mở rộng hình thức, thời gian giao dịch, giá trị giao dịch, đối tượng giao dịch, mở rộng quy mô kinh tế, chất lượng giao dịch được nâng cao.
Cùng với đó, văn bản pháp lý chưa đầy đủ, chưa hệ thống cùng nhận thức người dân còn hạn chế nhất định. Hạn chế về hạ tầng kỹ thuật, lưu lượng và quy mô chưa đạt đến tầm mong muốn và tính an toàn, liên tục, liên thông hiện nay vẫn là vấn đề làm đau đầu không chỉ nhà quản lý mà cả các doanh nghiệp trong ngành.
Ông Trần Kim Chung - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương
|
Nói về nguyên nhân, ông cũng đưa ra 5 thành tố: Tâm lý sử dụng tiền mặt vẫn còn; hệ thống thể chế đang chuyển đổi; hạ tầng đang cập nhật nâng cấp; kinh tế phát triển vượt tầm của hệ thống ngân hàng có thể tự đổi mới; nguy cơ tiềm ẩn đe dọa.
Từ thực trạng trên, ông Chung cho rằng cần làm đồng thời nhiều việc, như nâng cấp hệ thống hạ tầng, nâng cao năng lực hệ thống bảo mật, lệ phí phải đủ hấp dẫn người dùng...
"Đặc biệt, cần nâng cao niềm tin với người tiêu dùng; người dân và ngân hàng cần chung tay và ứng xử tốt nhất có thể" - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương nói.