VietTimes đã có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Việt Khoa – Viện trưởng Viện Ngoại ngữ thuộc Đại học Bách khoa Hà Nội.
Xin ông cho biết vì sao một trường kỹ thuật và công nghệ hàng đầu như Đại học Bách khoa Hà Nội lại bước chân sang cả lĩnh vực đào tạo cử nhân ngoại ngữ?
TS Nguyễn Việt Khoa: Hơn 20 năm trước, khi GS TS Hoàng Văn Phong còn là Hiệu trưởng, ông đã nhìn nhận trong sự phát triển của Khoa học Công nghệ (KHCN) thì ngôn ngữ chính là cầu nối giữa Việt Nam và thế giới. Nó giống như một chất xúc tác để kết nối mọi hoạt động. Khi đó, một lỗ hổng được nhìn thấy là Đại học Bách Khoa có thể có nhiều công trình, nhiều thầy cô giỏi nhưng chất kết dính là ngôn ngữ lại chưa tốt.
Đó chính là lý do đầu tiên mà Đại học Bách khoa Hà Nội muốn mở ra việc đào tạo Cử nhân tiếng Anh về KHCN. Và sau khi ra trường thì các em sẽ làm việc trong môi trường KHCN. Qua 20 năm đào tạo, chúng tôi nhận thấy Đại học Bách khoa Hà Nội đã có một hướng đi rất đúng đắn.
Ngoài ra, chúng tôi cũng nhìn ra một điểm nữa là trách nhiệm xã hội. Ngôn ngữ là cầu nối, là chất kết dính không chỉ trong KHCN mà còn trong cả nhiều lĩnh vực khác. Vì thế, khi học ngoại ngữ một cách bài bản và có hệ thống thì người học nắm bắt ngôn ngữ một cách vững chắc nhất và có thể chuyển tải được các tư duy, kiến thức một cách mạch lạc và rõ ràng.
Việc giảng dạy ngoại ngữ cho sinh viên các chuyên ngành thì Đại học Bách khoa Hà Nội cũng đã làm tốt như nhiều trường khác. Tuy nhiên, để phát triển ngoại ngữ cho sinh viên nói chung thì khi trường có đào tạo chuyên ngữ sẽ được nâng tầm. Cũng từ khi đó, việc đào tạo ngoại ngữ cho các chuyên ngành KHCN của trường tốt hơn hẳn. Và rất nhiều tri thức từ đào tạo ngoại ngữ chuyên ngành đã được đưa vào thực tế giảng dạy ngoại ngữ của các ngành KHCN khác trong trường.
Như vậy là các cử nhân ngành ngoại ngữ của ĐH Bách Khoa sẽ rất giỏi dịch thuật Khoa học Công nghệ?
TS Nguyễn Việt Khoa: Đúng vậy, xin nhắc lại là Đại học Bách khoa Hà Nội đào tạo cử nhân ngoại ngữ cho KHCN. Tôi xin lấy thí dụ một câu trong lĩnh vực CNTT là “There are many buses in the computer system”. Khi gặp phải câu này, sinh viên các trường như Đại học Hà Nội và Đại học Ngoại ngữ - ĐHQG Hà Nội có thể sẽ dịch là “Có rất nhiều xe buýt ở trong hệ thống máy tính”. Nhưng sinh viên tiếng của Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ dịch là “Có rất nhiều loại đường truyền trong hệ thống máy tính”.
Mặc dù từ “bus” thì không ai bảo là khó cả. Thế nhưng tại sao nó lại trở thành chìa khóa ở chỗ này? Vì thế, chỉ có tiếng Anh KHCN mới giải quyết được bài toán này.
Một thí dụ nữa xin được đề cập là tại một hội thảo chuyên ngành mà tôi từng dự thì một đồng nghiệp rất giỏi của tôi đã chững lại trước một câu là “There are two tanks on the roof of the building” rồi dịch là “Trên mái nhà có 2 chiếc xe tăng”. Đây là một hội thảo của ngành cơ khí và các bậc thầy đều biết chính xác đó là gì. Đương nhiên, với một trường như Đại học Bách khoa Hà Nội thì các sinh viên tốt nghiệp cử nhân tiếng Anh sẽ phải biết các thuật ngữ khoa học chuyên ngành để dịch là “Trên mái nhà, người ta lắp đặt hai bể chứa”.
Sinh viên ĐH Bách Khoa Hà Nội (ảnh: KTĐT)
|
Tại trường chúng tôi, sinh viên ngoại ngữ phải học nhập môn các kiến thức KHCN và ngoại ngữ chuyên ngành về CNTT, cơ khí, môi trường, năng lượng… Cái gốc ở đây vẫn là tiếng Anh nhưng được sử dụng cho các chuyên ngành KHCN. Và sinh viên của chúng tôi được trang bị các vốn kiến thức tiếng Anh chuyên ngành trong các lĩnh vực.
Cũng xin nói thêm, các kiến thức chuyên ngành nếu có học cả đời cũng không hết. Vì thế, chúng tôi phải tập trung trang bị cho sinh viên phương pháp luận và công cụ để tự học hỏi. Nhờ vậy, sau khi tốt nghiệp sinh viên ngoại ngữ của Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ nhanh chóng thích ứng với các môi trường chuyên môn của nhiều ngành khác nhau.
Học ngoại ngữ ở ĐH Bách Khoa đem lại lợi thế gì cho sinh viên so với các trường đào tạo ngoại ngữ khác thưa ông?
TS Nguyễn Việt Khoa: Cách đặt vấn đề của nhà báo là rất hay. Tuy nhiên, tôi xin phép được nói xa xôi một chút. Mới đây, Đại học Bách khoa Hà Nội đã được xếp hạng trong top 500 của thế giới. Trong các tiêu chí xếp hạng của các tổ chức quốc tế thì bình đẳng giới là rất quan trọng. Nhiều năm về trước, trường chúng tôi luôn kém về tiêu chí này. Nhưng hiện nay thì tỷ lệ nữ của trường là khoảng 25 - 26% và Viện Ngoại ngữ chúng tôi có công lớn cho vấn đề bình đẳng giới.
Quay trở lại câu hỏi của quý nhà báo thì sinh viên khối A lại là môi trường rất tốt cho sinh viên khối D của chúng tôi và ngược lại. Nói đến đây, tôi lại đơn cử về thực tế giảng dạy tiếng Anh chuyên ngành CNTT của mình là có những thuật ngữ rất mới phải thú thật với sinh viên là mình không biết và đã đề nghị các em giúp thầy, coi đó là bài tập về nhà. Thực ra, tôi đã có chuẩn bị trước nhưng cứ đặt ra tình huống như vậy cho sinh viên. Hôm sau, tôi rất vui vì một số em đã sang gặp sinh viên ngành CNTT, Điện tử - Viễn thông… trao đổi để vỡ ra những kiến thức mới.
Vì thế, như nhà báo đã đề cập, chính môi trường của Đại học Bách khoa Hà Nội đã tạo ra động lực học tập mang tính chuyên ngành cho sinh viên ngoại ngữ. Động lực để vươn lên cho các em với các kiến thức khoa học chuyên ngành.
Còn về đội ngũ giảng viên, ngoài việc được đào tạo bài bản ở nước ngoài thì ngay từng người trong chúng tôi cũng phải lĩnh hội nhiệm vụ trước lãnh đạo Đại học Bách khoa Hà Nội để hiểu biết sâu sắc về chuyên môn của các ngành CNTT, Năng lượng, Cơ khí, Khoa học Vật liệu…
Trong một thời đại mà CNTT đã thâm nhập rất sâu vào mọi lĩnh vực, ông nghĩ gì về tương lai của công nghệ dịch thuật?
TS Nguyễn Việt Khoa: Nếu tôi nhớ không nhầm thì khoảng năm 2014 thì sinh viên đã dùng GoogleTranslate để dịch tài liệu khá nhiều. Khi đó, tôi cũng đã lo và theo như tuyên bố của Google thì đến 2050 về cơ bản là thế giới sẽ không cần đến phiên dịch nữa. Rồi bẵng đi vài năm thì Google lại tuyên bố là chỉ cần đến năm 2026 thế giới sẽ không cần đến phiên dịch nữa!
Vì thế, tôi đã đặt ra vấn đề đáng lo cho hoạt động dịch thuật. Tuy nhiên, nói thì nói vậy nhưng ai sẽ làm chủ các hệ thống máy tính chuyên về dịch thuật nếu không phải là con người? Nói đến CNTT ngày nay đương nhiên phải nói đến trí tuệ nhân tạo. Song trí tuệ nhân tạo chưa thể làm được như con người về tâm tư, tình cảm. Do đó, trong thời gian tới thì máy dịch chưa thể cạnh tranh với con người.
Trở lại với câu hỏi của nhà báo, phải nói rằng các công cụ dịch thuật đang làm rất tốt. Máy tính có thể dịch rất tốt với các tài liệu chuyên ngành nhưng khi cần dịch với một sự uyển chuyển, linh hoạt thì đó sẽ là vấn đề…
Cho nên tôi nghĩ con người vẫn là cốt lõi của mọi thứ. Chúng ta phải đào tạo ra những con người để sẵn sàng cho những sự thay đổi. Lúc này, tôi đã nghĩ đến việc phải tiến hành đào tạo 4.0 cho sinh viên ngoại ngữ ở Đại học Bách khoa Hà Nội. Cụ thể là việc đào tạo ngoại ngữ phải kết hợp với CNTT để dịch thuật ít nhất theo các Tool có sẵn. Đó chính là thực tế mà các công ty dịch thuật đang làm để tiết kiệm công sức.
Cũng cần nói thêm, theo nhận xét của tôi thì các công cụ dịch thuật đang cung cấp trên mạng chủ yếu vẫn là của các chuyên gia CNTT nhưng bản thân họ chưa thực sự giỏi về ngôn ngữ và ngoại ngữ. Rất hiếm có phần mềm nào là của chuyên gia giỏi cả 2 lĩnh vực.