Sông ngòi cũng như mạch máu của cơ thể, cần giải pháp khai thác phù hợp

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Đó là khẳng định của TS Đào Trọng Tứ - Chủ tịch Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam tại hội thảo “Đánh giá thực trạng và các đề xuất bảo vệ môi trường các dự án thủy điện một số tỉnh miền núi phía Bắc” vừa được Liên hiệp các hội Khoa học & Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) tổ chức ngày 14/10/2020 tại Hà Nội.
TS Phan Tùng Mậu - Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam chủ trì hội thảo
TS Phan Tùng Mậu - Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam chủ trì hội thảo

Theo TS Đào Trọng Tứ, chính vì sông ngòi không khác gì những mạch máu trong một cơ thể nên việc xây dựng các công trình thủy lợi, thủy điện nếu không có những giải pháp tổng thể phù hợp sẽ dẫn đến những hậu quả khôn lường. Đó là chưa kể có thể dẫn đến những thảm họa lũ chồng lũ cho vùng hạ du khi mà thủy điện phải xả lũ để đảm bảo an toàn hồ, đập lúc lượng mưa hoặc nguồn nước từ thượng lưu đổ về quá lớn.

Theo các số liệu tại hội thảo, cả nước hiện có 41 nhà máy thủy điện lớn, trong đó có 10 nhà máy ở miền núi phía Bắc (23,4%). Còn lượng thủy điện nhỏ của cả nước là 332 với 159 ở phía miền núi phía Bắc (48%). Tổng sản lượng thủy điện của cả nước hiện là 78.347 triệu kWh/năm, trong đó của các tỉnh miền núi phía Bắc là 33,662 triệu kWh/năm (43%).

Theo ThS Nguyễn Tuấn Cường – Phòng Thủy điện, Cục Điện lực và Năng lượng Tái tạo (Bộ Công Thương), mạng lưới sông ngòi là tài nguyên quý giá của đất nước, là nguồn năng lượng sạch cần được khai thác hợp lý. Ngoại trừ các dự án thủy điện lớn do Tập đoàn Điện lực Việt Nam đầu tư, hầu hết các chủ đầu tư thủy điện nhỏ và vừa là doanh nghiệp ngoài nhà nước (theo Quyết định 50/2002/QĐ-BCN). Cơ chế này đã huy động được nhiều nguồn lực để phát triển nguồn điện, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Tuy nhiên, các tác động của thủy điện đến môi trường sinh thái về cơ bản chưa được các chủ đầu tư và cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương quan tâm giám sát chặt chẽ đã dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.

TS Hoàng Văn Thắng – Chủ tịch Hội Đập lớn và Phát triển Nguồn nước Việt Nam - đề cập đến thực tế là một số dự án thủy điện trên dòng chính đã ảnh hưởng đến môi trường, làm gia tăng rủi ro thiên tai. Một số dự án khi xả lũ đã gây tổn thất về con người và tài sản cho nhân dân vùng hạ du. Thêm vào đó là các thủy điện ở Việt Nam đã ngăn cản đường cá đi, làm giảm đa dạng sinh học, giữ lại phù sa và bùn cát làm tăng nguy cơ sạt lở vùng hạ du…

Thủy điện Sơn La là nhà máy thủy điện lớn nhất Việt Nam hiện nay. Ảnh: VnExpress
Thủy điện Sơn La là nhà máy thủy điện lớn nhất Việt Nam hiện nay. Ảnh: VnExpress

TS Đào Xuân Học – Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam – cho rằng, vấn đề nan giải nhất là giải quyết hậu quả ngật lụt lòng hồ. Việc di dời dân cư, cơ sở văn hóa, xã hội, rừng cây, bỏ lại nguồn lợi khoáng sản,… là những vấn đề rất lớn.

TS Triệu Văn Hùng – Chủ tịch Hội KHKT Lâm nghiệp Việt Nam chỉ ra thực tế của việc xây dựng thủy điện là chủ đầu tư được phép phá rừng đầu nguồn một cách hợp pháp. Trong khi đó, rừng phòng hộ đầu nguồn có tác dụng hạn chế xói mòn, giảm bồi lấp lòng hồ, điều tiết dòng chảy và nuôi dưỡng nguồn nước, góp phần ổn định và nâng cao hiệu quả của các công trình thủy điện.

Chính vì thực tế đó, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách về bảo vệ và phát triển rừng khi chuyển đổi mục đích, trong đó có việc trồng rừng thay thế thuộc các dự án thủy điện. Qua đó, Hội KHKT Lâm nghiệp Việt Nam khuyến nghị phải hạn chế tối đa việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng tự nhiên khi xây dựng thủy điện; việc trồng rừng thay thế cần được quy định cụ thể hơn về yêu cầu kỹ thuật và chú ý chất lượng hơn là số lượng…

Sống tại địa phương có nhà máy Thủy điện Sơn La, ThS Nguyễn Thị Kim Thanh – Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Sơn La cho biết, nhà máy này cùng nhiều thủy điện nhỏ đã gây ra việc thay đổi môi trường sinh thái, đa dạng sinh học, thiếu nước vào mùa khô, ngập lụp thượng lưu sau đập vào mùa mưa, ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất, truyền thống văn hóa của nhân dân vùng dự án, đất đai canh tác nông nghiệp bị thu hẹp…

Ông Lê Đức Năm – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Tưới tiêu Việt Nam đặt vấn đề về an ninh nguồn nước và cho biết, bảo đảm an ninh nguồn nước có có thể hiểu là phải đạt được một hệ thống bền vững về quản trị nguồn nước, kết cấu hạ tầng ngành nước để cân bằng nguồn nước phục vụ mục tiêu phát triển.

Ông đề nghị phải xây dựng Chương trình hành động của Chính phủ về an ninh nguồn nước và an toàn hồ, đập. Cùng với việc đó là xây dựng và ban hành Nghị định về cấp nước sinh hoạt cho nông thôn. Chỉ đạo rà soát, xây dựng cơ chế liên ngành, cân đối hài hòa giữa thủy lợi, thủy điện; xây dựng cơ chế sử dụng, quản lý, vận hành kết nối nguồn nước để cấp nước cho nông nghiệp và sinh hoạt…

Nhà máy thủy điện Hố Hô (Hà Tĩnh) phải xả lũ để đảm bảo an toàn hồ đập nhưng đã gây tác động không nhỏ tới hạ du vì lũ chồng lũ. Ảnh: báo Hà Tĩnh
Nhà máy thủy điện Hố Hô (Hà Tĩnh) phải xả lũ để đảm bảo an toàn hồ đập nhưng đã gây tác động không nhỏ tới hạ du vì lũ chồng lũ. Ảnh: báo Hà Tĩnh

Theo ý kiến của Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, lâu nay thủy điện vẫn được coi là nguồn điện sạch và rẻ. Tuy nhiên, nếu tính đúng, tính đủ thì giá thành của thủy điện còn phải tính cả đến yếu tố sử dụng đất và Nhà nước phải đánh thuế vào sử dụng đất của các nhà máy thủy điện. Khi đó, các chủ đầu tư sẽ không thể mạnh tay đầu tư nếu giá thành thủy điện của họ cao hơn mức trung bình.

Tổng kết hội thảo, TS Phan Tùng Mậu – Phó Chủ tịch VUSTA cho biết, qua hội thảo này những tác dụng tiêu cực của thủy điện đã được làm rõ. VUSTA xin tiếp thu tất cả các ý kiến, tham luận tại hội thảo để xây dựng các kiến nghị với Chính phủ trong việc phát triển thủy điện ở Việt Nam.