VietTimes đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Hoàng Liên - Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam về các dịch vụ trực tuyến đã diễn ra thời gian qua.
PV: Như ông đã biết, các dịch vụ trực tuyến ở Việt Nam và nhiều quốc gia khác trên thế giới được sử dụng rất phổ biến trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát. Xin ông cho một vài nhận xét, đánh giá về các dịch vụ này?
Ông Vũ Hoàng Liên: Dịch vụ trực tuyến ngày càng đa dạng. Các dịch vụ mạng xã hội đã trở nên phổ biến. Có cả nhà cung cấp trong và ngoài nước tham gia cung cấp dịch vụ. Có cả giao tiếp xã hội trên các ứng dụng cung cấp dịch vụ kinh doanh. Các loại hình messaging, OTT phát huy hiệu dụng rất tốt. Các ứng dụng meeting, conferencing đang ngày càng được quan tâm hơn. E-Commerce và dịch vụ logistics cũng rất phát triển.
Công nghệ cho các dịch vụ trực tuyến cũng ngày càng thông minh hơn, tương tác rộng hơn nhờ có AI, Big Data, IoT cũng như liên kết giữa các dịch vụ, hệ thống công nghệ với nhau. Tuy nhiên chất lượng, dung lượng và an ninh - an toàn vẫn luôn là thách thức.
Dịch vụ trực tuyến được sử dụng trên mobile và các thiết bị người dùng khác nhau. Đây là lợi thế để các dịch vụ trực tuyến trở nên phổ biến và được gọi là thiết yếu. Việt Nam có tỷ lệ sử dụng điện thoại di động cao, đồng thời với văn hóa tiêu dùng, các dịch vụ trực tuyến đã đem lại cho người dân cơ hội rút ngắn khoảng cách số.
Các nhà phát triển công nghệ và cung cấp dịch vụ đã đón được nhu cầu của thị trường, đem lại sự thỏa mãn cho người dùng. Thường các dịch vụ đáp ứng trải nghiệm khách hàng có tính toàn cầu nhưng mức độ sử dụng có khác nhau ở từng cộng đồng, từng quốc gia, từng khu vực. Cùng với kịch bản của dịch bệnh như Covid-19, các doanh nghiệp Việt Nam có thêm cơ hội để nghiên cứu, phát triển và cung cấp các dịch vụ mới, các dịch vụ cho người Việt Nam.
Trong thời kỳ dịch bệnh phát tán, nhu cầu với một số dịch vụ đã tăng lên rấy nhiều, chẳng hạn như hội nghị, hội thảo, giáo dục từ xa, giải trí, thương mại điện tử, giao hàng. Tác động của Covid-19 cũng làm cho các doanh nghiệp, hệ thống giáo dục và chính phủ quan tâm hơn đến ứng dụng CNTT và sử dụng các dịch vụ trực tuyến. Mặc dù vậy, có thể vẫn còn là khó khăn với một số người dân ở vùng xa và những người ít có khả năng tiếp cận công nghệ. Chi phí sử dụng dịch vụ cũng là vần đề cần quan tâm đối với họ.
Cho đến nay, Chính phủ đã tận dụng rất tốt các dịch vụ trực tuyến để chỉ đạo, tuyên truyền phòng chống Covid-19. Các nhà cung cấp dịch vụ trực tuyến cũng đã đóng góp rất tích cực vào phục vụ Chính phủ và người dân.
Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị trực tuyến về Du lịch khối G20 trong bối cảnh Covid-19. Ảnh: Tổng cục Du lịch
|
PV: Tuy nhiên, việc sử dụng các dịch vụ trực tuyến thời gian qua cũng chỉ là giải pháp tình thế. Theo ông, chúng ta cần phải làm gì để dịch vụ trực tuyến có thể phát huy tác dụng tốt hơn?
Ông Vũ Hoàng Liên: Theo tôi các dich vụ trực tuyến đã là hiện hữu và thiết thực. Tình thế Covid-19 hay tình thế của bất cứ đại dịch hay thảm họa nào cũng cần biết tận dụng tối đa các dịch vụ trực tuyến. Nếu có thể lường trước kịch bản của các tình huống thảm họa có thể xảy ra thì các nhà cung cấp dịch vụ sẽ nghiên cứu, phát triển để sẵn sàng các giải pháp ứng phó. Cần có sự quan tâm của Chính phủ đối với nghiên cứu và phát triển (R&D) cho mục tiêu này. Cũng có thể phải nhìn nhận công nghệ thông tin quốc gia như một nguồn lực cần có dự trữ chiến lược.
PV: Trên cương vị Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam, xin ông cho biết Hiệp hội sẽ làm gì để thúc đẩy dịch vụ trực tuyến và chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực?
Ông Vũ Hoàng Liên: Hiệp hội cần có biện pháp động viên, khuyến khích doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trực tuyến đóng góp cho biện pháp phòng, chống và khôi phục của Chính phủ. Cùng các hội viên có biện pháp lâu dài về R&D cũng như cung cấp dịch vụ để đối phó với các tình huống tương tự. Giữ mối quan hệ chặt chẽ với cộng đồng và xã hội để nắm bắt đòi hỏi và hướng dẫn, hỗ trợ sử dụng cũng như cùng người dân tận dụng hiệu quả các dịch vụ trực tuyến đồng thời xây dựng một môi trường Internet văn minh.
PV: Xin cảm ơn ông