Công ty cổ phần Tập đoàn Thiên Long (HoSE: TLG), thương hiệu quen thuộc trong lĩnh vực văn phòng phẩm, vừa có tờ trình lấy ý kiến cổ đông về phương án phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động trong công ty (Esop). TLG sẽ tiến hành lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản.
Theo phương án này, TLG dự kiến sẽ phát hành Esop 750.000 cổ phiếu, tương đương với 1,51% số lượng cổ phiếu đang lưu hành của công ty (49.806.256 cổ phiếu).
Loại cổ phiếu phát hành là cổ phiếu phổ thông, mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, giá phát hành lại được xác định ở mức 30.000 nghìn đồng/cổ phiếu. Tương ứng, TLG sẽ thu về khoảng 22,5 tỷ đồng cho đợt phát hành. Theo kế hoạch, toàn bộ số tiền thu được sẽ được sử dụng để bổ sung vốn lưu động cho công ty; Ủy quyền cho Hội đồng quản trị lập kế hoạch sử dụng vốn chi tiết đảm bảo có lợi cho cổ đông và công ty
Mặc dù cao gấp 3 lần mệnh giá nhưng cần phải nói rằng mức giá phát hành Esop nêu trên là không đắt. Ngược lại, đây còn là một mức giá rất ưu đãi.
Bởi lẽ suốt một năm qua, thị giá TLG trên HoSE thường xuyên chốt trên ngưỡng 100.000 đồng/cổ phiếu, thậm chí, có thời điểm còn lên tới 148.000 đồng/cổ phiếu TLG (phiên 07/04/2017). Chốt phiên gần nhất (15/08/2017), cổ phiếu TLG đóng cửa ở 105.400 đồng/cổ phiếu.
Các cổ phiếu Esop sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 01 năm kể từ ngày hoàn thành đợt phát hành, nhưng những người lao động TLG được tham gia Esop sẽ vẫn có thể kiếm được một khoản lãi lớn trong thời điểm này – nếu muốn - bằng cách tính toán bán ra một số cổ phiếu đang nắm giữ. Đợi sau khi lượng cổ phiếu Esop về tài khoản, họ vẫn duy trì được quy mô sở hữu tại công ty.
Vậy ai sẽ là những người có được cơ hội tham gia Esop và kiếm về những khoản lãi gấp nhiều lần vốn bỏ ra nêu trên?
Tờ trình cho hay, đối tượng phát hành Esop được TLG lựa chọn, gồm: Thành viên Hội đồng Quản trị, Ban Kiểm soát, Ban Kiểm soát, thành viên Ban Tổng Giám đốc và các Cán bộ quản lý chủ chốt theo danh sách được Hội đồng quản trị phê duyệt. Ủy quyền cho HĐQT phê duyệt tiêu chuẩn và danh sách người lao động được tham gia chương trình, nguyên tắc xác định số cổ phiếu được phân phối cho từng đối tượng nêu trên.
Hay nói cách khác, cơ hội Esop ở TLG, dù vẫn được gọi là chương trình lựa chọn cho người lao động trong công ty (Employee Stock Ownership Plan), nhưng thực chất vẫn là được dành cho các “sếp” – những người vốn đã có sở hữu lớn và quyền lợi cao ở doanh nghiệp. Tất nhiên, cũng cần phải nhận thức rằng, họ là những nhân sự chịu trách nhiệm và đã có đóng góp lớn vào sự phát triển của công ty. Sự tưởng thưởng này, xét cho cùng, cũng là xứng đáng!
Công ty Cổ phần Tập đoàn Thiên Long tiền thân là Cơ sở bút bi Thiên Long được thành lập năm 1981. Năm 1996, Cơ sở bút bi Thiên Long chuyển đổi thành Công ty TNHH SX-TM Thiên Long. Tháng 03 năm 2005, Công ty TNHH SX-TM Thiên Long chính thức chuyển đổi thành Công ty Cổ phần SX-TM Thiên Long với vốn điều lệ là 100 tỷ đồng. Năm 2010 chính thức niêm yết tại HSX với mã TLG. Hiện, TLG có vốn điều lệ là 498 tỷ đồng.
Tính đến giữa năm 2017, TLG có hai cổ đông lớn là CTCP Đầu tư Thiên Long An Thịnh (52,44%) và ông Cô Gia Thọ (6,45%). Ngoài chức vụ Chủ tịch HĐQT TLG, ông Thọ cũng chính là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc của là CTCP Đầu tư Thiên Long An Thịnh, công ty mẹ của TLG.
Gia tộc họ Cô (gốc Quảng Đông, Trung Quốc) cũng là nhóm có ảnh hưởng lớn nhất trong cơ cấu quản trị TLG, với 3/8 thành viên HĐQT, gồm: Chủ tịch Cô Kim Thành, bà Cô Cẩm Nguyệt, bà Cô Ngân Bình. Chưa kể, vợ ông Cô Gia Thọ, bà Trần Thái Như – cũng là một người gốc Hoa – cũng đang hiện diện trong HĐQT TLG.
Ngoài ra, ban quản trị TLG còn có sự góp mặt của hai anh em doanh nhân gốc Hoa khác, là ông Trần Lệ Nguyên và ông Trần Kim Thành – những người được biết đến nhiều hơn với trọng trách tại CTCP Tập đoàn Kido (HoSE: KDC)./.