Tiền to có thể được 'bơm' trở lại hệ thống trong vài tuần tới

VietTimes – Với kỳ hạn 28 ngày, lượng tín phiếu mà NHNN phát hành từ ngày 21-29/9 sẽ lần lượt đáo hạn từ ngày 19/10 - 27/10, đồng nghĩa lượng tiền tương ứng có thể được 'bơm' trở lại hệ thống trong 2-3 tuần tới.

Tiền to có thể được 'bơm' trở lại hệ thống trong vài tuần tới
Tiền to có thể được 'bơm' trở lại hệ thống trong vài tuần tới

Trong ngày làm việc cuối cùng của tháng 9/2023, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết đã phát hành thành công 3.800 tỉ đồng tín phiếu kỳ hạn 28 ngày, lãi suất trúng thầu là 1%/năm.

Trước đó, từ ngày 21-28/9, NHNN cũng liên tục thực hiện 6 đợt phát hành tín phiếu với tổng khối lượng trúng thầu đạt 90.000 tỉ đồng, lãi suất dao động từ 0,49-0,7%/năm.

Lũy kế 7 phiên giao dịch, NHNN đã 'hút' ròng 93.800 tỉ đồng qua kênh tín phiếu. Các lô tín phiếu này đều có kỳ hạn 28 ngày, đồng nghĩa lượng tiền NHNN hút về trong tuần qua có thể quay trở lại hệ thống trong 2-3 tuần tới (trong trường hợp nhà điều hành không có động thái mới để hút tiền về).

Trong báo cáo mới công bố, CTCP Chứng khoán BIDV (BSC) ghi nhận động thái phát hành tín phiếu của NHNN diễn ra trong bối cảnh thanh khoản hệ thống đang dư thừa.

Theo đó, số dư của hệ thống ngân hàng trên tài khoản Citad của NHNN đã đạt khoảng 400.000 tỉ đồng, trong khi tiền gửi dự trữ bắt buộc chỉ ở mức 280.000 tỉ đồng.

BSC nhận định, hoạt động hút ròng tín phiếu của NHNN ở thời điểm hiện tại chủ yếu nhằm điều tiết và hỗ trợ thị trường, trong khi mục tiêu dài hạn của chính sách tiền tệ vẫn là ổn định tỷ giá, lãi suất, thanh khoản...

“NHNN bắt đầu phát hành tín phiếu trở lại từ ngày 21/09/2023 hướng đến mục tiêu điều tiết tỷ giá trong khi vẫn duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng trong năm 2023”, báo cáo của BSC nêu.

Theo BSC, thông qua việc phát hành tín phiếu, NHNN có thể điều tiết thanh khoản hệ thống đang dư thừa mà tổ chức tín dụng chưa dùng đến. Bên cạnh đó, hoạt động này có thể hạn chế hiện tượng đầu cơ tỷ giá.

bsc.PNG
Thống kê giao dịch hút ròng tín phiếu giai đoạn 2018 - 2023 (Nguồn: BSC)

BSC nhấn mạnh, hoạt động phát hành tín phiếu là nghiệp vụ bình thường, cơ bản của ngân hàng trung ương.

Tại Việt Nam, trong giai đoạn 2018 – 2023, NHNN đã thực hiện nghiệp vụ này đều đặn nhiều lần trong năm, trung bình khoảng 9,7 lần/năm với số ngày trung bình/đợt là khoảng 13,4 ngày. Giá trị hút ròng trung bình/chu kỳ đạt 43.385 tỉ đồng, trong khi giá trị hút ròng lớn nhất trên chu kỳ là 191.100 tỉ đồng vào năm 2022.

“Ở giai đoạn hiện tại, công cụ hút ròng qua kênh tín phiếu khả năng sẽ là công cụ chính được NHNN sử dụng để điều tiết thị trường, vì thế khối lượng hút ròng có thể sẽ tiếp tục tăng cho đến khi lãi suất liên ngân hàng tăng trở lại và tỷ giá phần nào được điều chỉnh ổn định hơn”, BSC nhận định./.