Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố ủng hộ NATO nếu bất kỳ nước thành viên nào bị tấn công

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu nói rằng đất nước ông sẽ phản ứng nếu một nước thành viên NATO bị tấn công.
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu (Ảnh: AP)
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu (Ảnh: AP)

Ngoại trưởng Cavusoglu tuyên bố rằng NATO “không có ý định” can thiệp vào cuộc xung đột Nga-Ukraine, nhưng tuyên bố rằng đất nước ông sẽ đáp trả trước bất kỳ vụ tấn công nào nhằm vào một đồng minh NATO. Trong suốt cuộc xung đột, Thổ Nhĩ Kỳ luôn cố gắng cân bằng mối quan hệ của họ với cả NATO và Nga.

“Quan điểm của NATO rất rõ ràng. Khối đồng minh này không có ý định can thiệp vào xung đột Ukraine” – ông Cavusogle nói với các phóng viên trong chuyến thăm Mỹ Latin hôm Chủ nhật vừa qua.

Tuy nhiên, nhà ngoại giao hàng đầu Thổ Nhĩ Kỳ thêm rằng “trong trường hợp có một đòn tấn công nhỏ nhất nhằm vào bất kỳ đồng minh nào, chúng tôi sẽ phản ứng thích đáng.”

NATO không phải một bên tham gia trực tiếp vào xung đột Ukraine, nhưng các nước thành viên của họ đã vận chuyển vũ khí và đạn dược cho chính phủ Tổng thống Volodymyr Zelensky, Mỹ chia sẻ thông tin tình báo với Kiev và binh sĩ Ukraine đang được huấn luyện tại các căn cứ của NATO ở châu Âu.

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã cáo buộc NATO “thực chất đang tham chiến với Nga thông qua lực lượng ủy thác và đang vũ trang cho lực lượng ủy thác đó”, trong khi Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo rằng những nước bên ngoài không nên can thiệp vào cuộc xung đột, đe dọa sẽ có phản ứng “nhanh như điện” nếu an ninh của Nga chịu rủi ro.

Mặc dù là một thành viên NATO, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ vẫn mua nhiều hệ thống vũ khí của Nga, và do mua hệ thống phòng không S-400 của Nga mà Thổ Nhĩ Kỳ bị Mỹ loại khỏi chương trình chiến đấu cơ F-35 vào năm 2019.

Thổ Nhĩ Kỳ đã tìm cách duy trì quan hệ với cả NATO lẫn Moscow kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine. Họ đã bán các drone Bayrakta cho Ukraine, nhưng từ chối áp lệnh trừng phạt với Moscow. Trong khi đó, Istanbul đã tổ chức các cuộc hòa đàm giữa Nga và Ukraine, và Tổng thống Tayyip Erdogan đã đề xuất tổ chức cuộc gặp trực diện giữa ông Putin và Zelensky.

Trong một cuộc phỏng vấn với CNN hồi tháng trước, ông Cavusoglu nói rằng “có nhiều nước trong NATO muốn chiến tranh tiếp tục” nhằm làm nước Nga “suy yếu”. Tuy nhiên, ông không chỉ đích danh nước nào.

Nhà ngoại giao cũng cho hay, một số lãnh đạo Nam Mỹ đã đề xuất làm trung gian hòa giải giữa Nga và Ukraine, bao gồm Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro.

“Venezuela có quan hệ tốt với Nga. Cả Brazil và Venezuela đều nói rằng cuộc chiến này nên chấm dứt” – ông Cavusoglu nói – “Chúng tôi nói rằng sẽ tiếp tục đóng góp cho những nỗ lực đó.”

Theo RT