Thị trường chứng khoán sẽ ra sao sau kỳ nghỉ lễ 30/4 – 1/5, liệu có xảy ra “Sell in May”?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Ông Huỳnh Minh Tuấn, nhà sáng lập FIDT cho rằng thị trường chứng khoán Việt Nam sau kỳ nghỉ lễ 30/4 – 1/5/2023 sẽ khó xảy ra hiện tượng “Sell in May”.

Cụm từ “Sell in May” có lẽ không còn quá xa lạ đối với nhà đầu tư chứng khoán. Nó ám chỉ rằng thị trường trong tháng 5 thường diễn biến phức tạp và không thực sự thuận lợi cho việc đầu tư.

Tuy nhiên, thống kê của VietTimes từ năm 2003 đến nay cho thấy, xác suất tăng/giảm trong giai đoạn này của thị trường chứng khoán Việt Nam là khá cân bằng và yếu tố tâm lý không quá ảnh hưởng quá nhiều tới biến động của thị trường.

Mức tăng/giảm của VN-Index giai đoạn 2003 - 4/2023

Mức tăng/giảm của VN-Index giai đoạn 2003 - 4/2023

Cụ thể, trong 20 năm qua (2003 – 2022), số lần tăng/giảm điểm của VN-Index trong tháng 5 gần như ngang bằng nhau, với 9 lần tăng và 11 lần giảm.

Xét trong 10 năm trở lại đây(2013 – 2022), hiệu ứng “sell in May” cũng không hẳn chiếm ưu thế khi VN-Index ghi nhận 6 lần tăng và 4 lần giảm.

Trong giai đoạn này, tháng 5/2018 là tháng giảm điểm mạnh nhất khi VN-Index giảm 79,01 điểm (-7,52%) xuống 971,25 điểm. Trước đó, chỉ số này đã ghi nhận đà tăng nóng 48% trong năm 2017 và tăng 19,3% trong quý 1/2018.

Ở chiều ngược lại, tháng 5/2020, thời điểm dịch Covid-19 bùng phát nhưng thị trường chứng khoán Việt Nam lại bật tăng mạnh mẽ với mức tăng 12,4% của VN-Index, chỉ đứng sau tháng 5/2009 (+27,99%) và tháng 5/2007 (+17,06%).

Tháng 5/2021, VN-Index tiếp tục ghi nhận mức tăng 7,15% so với tháng trước. Giá trị khớp lệnh bình quân trong tháng đạt mức kỷ lục 24.145 tỉ đồng/phiên, tương đương hơn 1 tỉ USD/phiên.

Đến tháng 5/2022, VN-Index đảo chiều giảm 74,12 điểm (-5,42%) từ gần 1.367 điểm về 1.292 điểm. Giá trị giao dịch trung bình một phiên trên sàn HOSE chỉ đạt 14.950 tỉ đồng, giảm 32,4% so với tháng 4/2022.

Cũng phải lưu ý rằng, những biến động của thị trường chứng khoán phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau và những con số thống kê nêu trên chỉ mang ý nghĩa tham khảo cho nhà đầu tư.

Liệu “Sell in May” 2023 có xảy ra?

Ông Huỳnh Minh Tuấn - nhà sáng lập FIDT

Ông Huỳnh Minh Tuấn - nhà sáng lập FIDT

Trao đổi với VietTimes, ông Huỳnh Minh Tuấn – nhà sáng lập FIDT – cho rằng thị trường chứng khoán Việt Nam sau kỳ nghĩ lễ 30/4 – 1/5/2023 sẽ khó xảy ra hiện tượng “Sell in May”.

Vị chuyên gia này dự báo thị trường sẽ được hỗ trợ bởi một số yếu tố, đặc biệt là chủ trương "rã băng" thị trường bất động sản đang được Chính phủ thúc đẩy về cả pháp lý và nguồn vốn thông qua các công cụ tài chính như cung tiền và lãi suất.

Sau kỳ nghỉ lễ, ông Tuấn cho rằng cơ quan quản lý có thể ban hành một số thông tư về "giảm hệ số rủi ro cho vay bất động sản khu công nghiệp và nhà ở xã hội", qua đó thúc đẩy nguồn cung tín dụng cho lĩnh vực này.

Theo nhà sáng lập FIDT, cụm từ "Sell in May" sẽ phù hợp hơn đối với thị trường chứng khoán Mỹ khi sau kỳ báo cáo kết quả kinh doanh quý 1, nhà đầu tư thường hạ tỷ trọng danh mục và chờ đợi những động thái tiếp theo của thị trường.

Đối với thị trường chứng khoán Việt Nam, ông Tuấn đánh giá thị trường đang được định giá rẻ, cộng thêm đó là sự xoay chiều chính sách nên khả năng xảy ra "sell in May" là tương đối thấp.

Mặc dù báo cáo vĩ mô quý 1/2023 cho thấy kết quả không quá tích cực, song diễn biến này đã được phản ánh vào giá của thị trường chứng khoán trước đó vài quý.

"Khi chính sách xoay chiều, thị trường chứng khoán sẽ phản ánh triển vọng của nền kinh tế trong tương lai, khoảng 2-3 quý tiếp theo. Do đó, nền kinh tế xấu đi không có nghĩa rằng thị trường chứng khoán sẽ diễn biến xấu theo", ông Tuấn nhận định.

Theo vị chuyên gia này, nhóm cổ phiếu bị ảnh hưởng bởi chính sách thắt chặt trước đó là tài chính, ngân hàng và bất động sản sẽ quay trở lại hưởng lợi khi chính sách xoay chiều.

Những doanh nghiệp còn nội lực và sức chống chịu tốt sẽ hưởng lợi tốt, trong khi những doanh nghiệp có sức khỏe tài chính yếu sẽ khó hưởng lợi trong bối cảnh này./.