Fed: Hiệu ứng đám đông trên mạng xã hội góp phần kéo sập SVB

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Fed đã ‘không đánh giá đúng’ mức độ nghiêm trọng ở SVB, trong khi mạng xã hội và công nghệ ‘có thể đã thay đổi cơ bản tốc độ rút tiền’. Đó là 2 nội dung đáng chú ý trong báo cáo mới công bố của Fed về SVB.

Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) mới đây đã công bố báo cáo có tựa đề “Review of the Federal Reserve’s Supervision and Regulation of Silicon Valley Bank” (tạm dịch: Báo cáo đánh giá về hoạt động giám sát và quy định của Cục Dự trữ liên bang tại Ngân hàng Thung lũng Silicon). Báo cáo này được thực hiện bởi nhóm điều tra dẫn đầu bởi ông Michael Barr - Phó Chủ tịch Ủy ban giám sát Fed.

Trong đó, báo cáo chỉ ra 3 nguyên nhân chính dẫn đến sự sụp đổ của Silicon Valley Bank (SVB), gồm những thiếu sót trong hoạt động giám sát, quản trị sai lầm và sự góp sức của hiệu ứng đám đông trên các nền tảng mạng xã hội. Tất cả các tác nhân vừa nêu đã xảy ra cùng thời điểm, dẫn đến sự sụp đổ của SVB.

Phó Chủ tịch Ủy ban giám sát Fed nhấn mạnh rằng, sự kết hợp của truyền thông mạng xã hội và công nghệ “có thể thay đổi cơ bản tốc độ rút tiền” ở SVB.

“Truyền thông mạng xã hội đã góp phần lan tỏa nhanh chóng mối lo ngại về một cuộc ‘bank run’ tới người gửi tiền, trong khi sự phát triển của công nghệ cho phép họ có thể rút tiền ngay lập tức”, ông Michael Barr bày tỏ quan điểm, đồng thời cho biết “hiện tượng này là điều mà các cơ quan quản lý cần lưu ý trong tương lai”.

Ông Michael Barr - Phó Chủ tịch Ủy ban giám sát Fed (Ảnh: Internet)

Ông Michael Barr - Phó Chủ tịch Ủy ban giám sát Fed (Ảnh: Internet)

Bên cạnh đó, báo cáo cũng chỉ ra những sai lầm căn bản trong công tác quản trị rủi ro trong môi trường chính sách tiền tệ thắt chặt từ phía các lãnh đạo SVB. Nhưng những sai lầm ấy có thể đã sớm được ngăn chặn nếu như cơ quan giám sát sát sao và hiểu rõ những vấn đề mà SVB gặp phải.

Theo báo cáo, các nhà quản lý đã hành động chậm hơn những đồn thổi trên mạng xã hội – nguyên nhân chính tạo ra làn sóng rút tiền ồ ạt (bank run) ở SVB. “Sau sự cố SVB, chúng tôi sẽ thắt chặt công tác giám sát và quy định pháp lý để tránh những vụ việc tương tự”, ông Michael Barr nhấn mạnh.

Một trong những thay đổi trong thời gian tới có thể là cách tính toán vốn pháp lý tại các ngân hàng, giúp phản ánh toàn bộ các khoản lãi, lỗ chưa thực hiện (Unrealized gains and losses) đối với các loại hình tài sản “có thể chào bán bất cứ lúc nào” (Available for Sales).

Báo cáo cũng chỉ trích một đạo luật thời cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, trong đó đã hủy bỏ một số quy định đối với ngành ngân hàng, gồm các yêu cầu về vốn và thanh khoản, khiến sự giám sát và quản lý đối với lĩnh vực này trở nên lỏng lẻo.

Nên biết, ông Michael Barr là ‘kiến trúc sư trưởng’ của một loạt các quy định chặt chẽ đối với ngành ngân hàng ở Mỹ được áp dụng sau cuộc khủng hoảng năm 2008. Ông được Tổng thống Mỹ Joe Biden đề cử vào chức Phó Chủ tịch Ủy ban giám sát Fed sau sự sụp đổ của SVB.

Trước đó, vào trung tuần tháng 3/2023, khách hàng đã ồ ạt rút 42 tỉ USD tại SVB chỉ trong 1 ngày, từ đó dẫn đến vụ phá sản lớn thứ hai trong lịch sử ngân hàng Mỹ.

Sự sụp đổ của SVB đã gây nên mối lo ngại đối với sức khỏe hệ thống ngân hàng của quốc gia này trong bối cảnh Fed và các ngân hàng trung ương đẩy mạnh việc nâng lãi suất để chống lạm phát./.

Nguồn tham khảo: The New York Times, CNBC, Reuters