Thị trường bán lẻ trực tuyến sẽ đạt 10 tỉ đô la Mỹ vào 2020

Theo nhận định của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), năm 2020 quy mô thị trường bán lẻ trực tuyến của Việt Nam ước đạt 10 tỉ đô la Mỹ, chiếm khoảng 5% thị trường bán lẻ.
(C) SGTO Thị trường bán lẻ trực tuyến Việt Nam ước đạt 10 tỉ đô la Mỹ vào 2020 - Ảnh: Vân Ly
(C) SGTO Thị trường bán lẻ trực tuyến Việt Nam ước đạt 10 tỉ đô la Mỹ vào 2020 - Ảnh: Vân Ly

Qua nhiều năm phát triển, tổng doanh thu thương mại điện tử (TMĐT) của Việt Nam năm 2015 đạt 4 tỉ đô la Mỹ.

Ông Nguyễn Thanh Hưng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VECOM, cho hay, TMĐT Việt Nam đã qua giai đoạn phổ cập kéo dài từ năm 2006 đến năm 2015. Đến nay,các yếu tố tạo cơ sở phát triển cho TMĐT như nguồn nhân lực, hạ tầng công nghệ, môi trường pháp lý… đã đầy đủ để tạo đà phát triển sang một giai đoạn mới.

Ông Hưng nhận định: “Từ năm 2016 đến năm 2020 và thậm chí có thể kéo dài đến năm 2025, thương mại điện tử Việt Nam sẽ phát triển nhanh hơn với tốc độ khoảng trên 30%/năm.”

Ông Hưng cho biết, hãng nghiên cứu thị trường Ken Research đã đưa ra dự đoán quy mô thị trường TMĐT bán lẻ Việt Nam năm 2019 sẽ đạt 7,5 tỉ đô la Mỹ. Tuy nhiên, xem xét từ thực tế phát triển tại Việt Nam, trong kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT năm năm từ 2016 - 2020 đã trình Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương và VECOM nhận định đến năm 2020 quy mô thị trường bán lẻ trực tuyến Việt Nam sẽ đạt 10 tỉ đô la Mỹ, chiếm khoảng 5% thị trường bán lẻ Việt Nam.

VECOM cho rằng, nhà nước đóng vai trò rất lớn đối với sự phát triển của TMĐT. Nhà nước cần ban hành kịp thời các chính sách phát triển nguồn nhân lực, dịch vụ thanh toán điện tử, thu thuế phát  sinh từ hoạt động kinh doanh trực tuyến, bao gồm cá nhân kinh doanh thường xuyên và các giao dịch mua bán trực tuyến xuyên biên giới.

Theo VECOM, số lượng và quy mô giao dịch trực tuyến tăng lên cũng như nhiều hình thức kinh doanh trực tuyến mới xuất hiện sẽ dẫn tới số lượng và sự phức tạp của các tranh chấp trong TMĐT tăng theo. Các cơ quan quản lý nhà nước về TMĐT, quản lý thị trường và bảo vệ người tiêu dùng, các tổ chức trọng tài và tòa án cần nâng cao năng lực xây dựng và thực thi chính sách pháp luật.

VECOM và các doanh nghiệp còn cho rằng để gia tăng quy mô thị trường TMĐT Việt Nam thì cả cơ quan quản lý, doanh nghiệp và các đơn vị liên quan cần nỗ lực để phát triển hình thức kinh doanh này ở các tỉnh, thành phố khác ngoài Hà Nội và TP.HCM.

Theo chỉ số TMĐT Việt Nam năm 2015 mới được VECOM công bố, Hà Nội và TP.HCM hiện vẫn là hai thành phố có thị trường TMĐT sôi động nhất Việt Nam.

Ông Trần Trọng Tuyến, Giám đốc điều hành Công ty Công nghệ DKT, một doanh nghiệp đang cung cấp nền tảng bán hàng trực tuyến bizweb.vn cho khoảng 15.000 doanh nghiệp bán lẻ tại Việt Nam, cho biết: “Hiện 75% thị phần TMĐT đang tập trung ở Hà Nội và TP.HCM. Nếu trong những năm tới, thị trường tại các tỉnh thành phố phát triển được như Hà Nội và TP.HCM hiện nay thì quy mô thị trường TMĐT Việt Nam có thể tăng từ 3 - 5 lần. Và doanh số từ TMĐT mang lại cho các doanh nghiệp bán lẻ có thể tăng lên tương ứng con số đó.”

Theo TBKTSG