Bùng nổ thương mại điện tử Đông Nam Á

Thương mại điện tử tại Đông Nam Á sẽ bùng nổ trong năm 2016 và sớm trở thành thị trường lớn thứ 3 thế giới.
76% người dùng Internet tại VN lên mạng hằng ngày bằng các thiết bị di động. Ảnh: Reuters.
76% người dùng Internet tại VN lên mạng hằng ngày bằng các thiết bị di động. Ảnh: Reuters.

Các chuyên gia thương mại số tại Đông Nam Á mới đây đưa ra dự báo cho biết thị trường bán lẻ trực tuyến tại khu vực sẽ vượt mặt Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước Bắc Âu để trở thành thị trường lớn thứ 3 thế giới vào năm 2020, sau Trung Quốc và Mỹ.

“Điểm tới hạn”

Giao dịch điện tử tại Việt Nam, Malaysia, Thái Lan, Philippines và Indonesia trong năm 2014 mới chỉ chiếm chưa đầy 1% tổng số lượng giao dịch bán lẻ tại các nước này, theo một báo cáo của Hãng tư vấn quản lý toàn cầu AT Kearney. Tỷ lệ tương ứng tại châu Âu là 7,8%, Trung Quốc 7,2% và Mỹ 5,8%.

Sheji Ho, Giám đốc tiếp thị của Diễn đàn thương mại số toàn cầu ClickZ Live tại Bangkok, cho biết tỷ lệ tại Đông Nam Á có thể tăng lên 10 hoặc 12% trong 5 năm tới, đồng nghĩa với việc cạnh tranh mạnh mẽ hơn. Giám đốc Ho cho biết năm 2016 sẽ là “điểm tới hạn” của thương mại điện tử trong khu vực và một số doanh nghiệp chủ chốt sẽ phải bứt phá, nếu không muốn để cho các thương hiệu ngoại tiếp tục dẫn đầu thị trường.

Tanutda Vacharaphol, Phó chủ tịch phụ trách mảng hoạt động trực tuyến của King Power - công ty kinh doanh du lịch hàng đầu Thái Lan, cho biết thị trường thương mại điện tử tại Đông Nam Á còn manh mún và chưa có một tên tuổi thống lĩnh thị trường như Taobao ở Trung Quốc hay Amazon ở Mỹ.

Nhà đầu tư ASEAN vẫn còn đang chật vật cạnh tranh với các đối thủ ngoại, chẳng hạn như Lazada của Đức, vốn đang đứng vững tại 6 thị trường Đông Nam Á. Tại Việt Nam, Lazada đang thống lĩnh thị trường khi chiếm tới 36% thị phần trong số 217 trang bán hàng online, nhờ liên tục đổ các gói đầu tư khổng lồ.

Lời khuyên từ người Thái

Theo trang ClickZ Live, thay vì cố cạnh tranh với Lazada, các doanh nghiệp nên xem xét làm đối tác của thương hiệu này để phát triển mạnh ở thị trường trong nước và từ đó xâm nhập sang các thị trường trong khu vực. Bà Vacharaphol cho biết doanh nghiệp có thể dùng Lazada như một phép thử. “Chẳng hạn chúng tôi muốn tham gia thị trường tại Indonesia, chúng tôi có thể dùng Lazada để thử phản ứng của khách hàng lên sản phẩm của chúng tôi”, bà nêu ý kiến.

Harprem Doowa, Giám đốc điều hành cửa hàng thời trang online Moxy nổi tiếng tại Thái Lan, cho biết doanh nghiệp sẽ phải đổi mới trong chiến lược và đánh vào các thị trường ngách (phân khúc thị trường có tính chuyên biệt cao) nhiều hơn, bởi thương mại điện tử sẽ không dừng lại ở hình thức bán lẻ mà sẽ mở rộng ra nhiều lĩnh vực khác. “Doanh nghiệp phải chọn cho mình một thị trường ngách, nghĩa là phải tập trung vào nhóm khách hàng cụ thể,” ông phát biểu trên ClickZ Live.

Doowa lấy ví dụ từ lĩnh vực bán lẻ thời trang, hiện là một hình thức kinh doanh phổ biến trên mạng với sự tham gia của hàng chục triệu tiểu thương, đa phần là phụ nữ, tại Việt Nam, Thái Lan, Indonesia và Philippines. Ông gợi ý một nhãn hàng thời trang có thể nhắm vào nhóm khách hàng cụ thể là nữ doanh nhân. Tất cả các sản phẩm giới thiệu trên mạng, màu sắc trang trí, biểu bảng, ngôn ngữ, hình ảnh, và các chiêu thức tiếp thị khi đó sẽ đi theo một khuôn mẫu chung và tạo ấn tượng nhận diện rất tốt. Ông cho biết nhà đầu tư cũng nên ưu tiên theo sát các thay đổi trong thói quen người tiêu dùng và một thói quen mới của người dùng tại Đông Nam Á là dùng di động để lướt web, mua sắm thường xuyên hơn.

Khảo sát của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam năm 2014 cho thấy 76% người dùng internet tại Việt Nam lên mạng hằng ngày bằng các thiết bị di động, so với 59% người lên mạng hằng ngày bằng máy tính. “Rất nhiều người dùng hiện nay dò hàng và giá cả trên điện thoại di động. Họ có thể vừa đi vừa tìm hiểu sản phẩm. Họ tra cứu cả khi đang mua sắm tại cửa hàng để xem có lựa chọn nào tốt hơn trên mạng không”, Doowa cho biết.

Liệu các doanh nghiệp bán lẻ có nên dẹp hết các cửa hàng truyền thống để tập trung bán hàng trên mạng? Câu trả lời là không, vì hiện tại hai hình thức bán lẻ cần bổ trợ cho nhau hơn là thay thế nhau. Doowa cho rằng người tiêu dùng Đông Nam Á vẫn rất coi trọng việc phải kiểm tra hàng hóa tận tay rồi mới trả tiền. “Cửa hàng thật tạo lớp tin tưởng thứ hai cho người dùng vì khi chỉ có một cửa hàng ảo, họ sẽ lo ngại rằng trả tiền xong thì người bán có thể cao chạy xa bay”, ông nhận xét.

Cũng vì lý do sợ mất tiền mà nhiều khách hàng tại Đông Nam Á vẫn thích trả tiền mặt sau khi nhận hàng hơn là trả bằng tài khoản tín dụng, và đó là một khúc mắc lớn chưa có lời giải cho thị trường thương mại điện tử trong khu vực.

Tiềm năng khổng lồ

Tại Việt Nam, nơi doanh thu bán lẻ trực tuyến đạt gần 3 tỉ USD trong năm 2014, hơn 80% giao dịch vẫn dùng tiền mặt, theo số liệu của Bộ Công thương. Tỷ lệ tại Thái Lan cũng không khá hơn, khoảng 70%.

Grzegorz Florków, Giám đốc kinh doanh của Nescafé Dolce Gusto, cho biết các giải pháp thanh toán di động có thể được xây dựng từ nền tảng truyền thông vốn đã được người dùng tin cậy, như ứng dụng gọi điện nhắn tin Line hay mạng xã hội Facebook. “Tiềm năng cho nhà đầu tư di động và truyền thông là khổng lồ. Nếu có ai giải được bài toán này, họ sẽ trở thành tỉ phú”, ông Florków nói.

Theo Báo Thanh Niên