Theo TS. Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu chiến lược Mekong – Trung Quốc (MCSS), kinh tế nền tảng thực ra là một sân chơi cho các thực thể hoạt động. Lịch sử của kinh tế thế giới đã trải qua nhiều sân chơi mà mỗi sân chơi lại mang một lõi công nghệ riêng.
Đơn cử như sân chơi nông nghiệp dựa trên các tài nguyên hoàn toàn mang tính tự nhiên trong khi nền kinh tế công nghiệp là sân chơi của máy móc, của loại hình tổ chức mới tập trung hơn với mức độ chuyên môn hóa cao hơn.
Sân chơi hiện nay ngày càng được nhìn thấy rõ hơn là sân chơi của kinh tế kỹ thuật số với hai yếu tố lõi là Internet và dữ liệu, trong đó dữ liệu phải được tập hợp, phân tích để đưa ra quyết sách kinh doanh, tạo ra các hành vi kinh tế.
“Kinh tế kỹ thuật số là việc chúng ta sử dụng các công nghệ mới giúp các nguồn lực vật lý được tận dụng hiệu quả hơn, thậm chí hơn rất nhiều nền kinh tế công nghiệp do sự lan tỏa thông tin không gặp trở ngại về biên giới cứng. Lợi ích của kinh tế số là khiến chi phí giao dịch của rất nhiều ngành tiến dần về 0”, ông Sỹ Thành phân tích tại tọa đàm chính sách “Tầm nhìn cho Việt Nam trong kỷ nguyên chuyển đổi số” tổ chức bởi Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR).
Lợi thế của Việt Nam trong bối cảnh mới
Theo ông Trịnh Minh Giang, Chủ tịch Venture Management Consulting Group, nhà đồng sáng lập Strategy Academy, Việt Nam sở hữu nhiều lợi thế trong chuyển đổi số, trong tiến trình bước vào kỷ nguyên số như lượng dân số trẻ, được tiếp cận và kết nối trên mạng Internet sớm; sự quyết liệt của Chính phủ, của các đơn vị thể hiện qua các sự kiện, hội thảo cho thấy sự thay đổi về nhận thức.
Do vậy, Việt Nam hoàn toàn có thể tư duy chuyển đổi số từ trên xuống dưới và có thể sử dụng ngay những thứ có sẵn, không cần thiết phải lập tức tạo ra những công nghệ mới.
Ông Vũ Tú Thành, Phó giám đốc điều hành khu vực của Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ – ASEAN, cho biết lợi thế của Việt Nam trước hết nằm ở chất lượng nguồn nhân lực.
Theo đánh giá của một số doanh nghiệp thành viên như Apple hay Google, Việt Nam đứng đầu Đông Nam Á về phần viết ứng dụng bán trên các cửa hàng ứng dụng thuộc nền tảng Android hay IOS. Thị trường Việt Nam cũng được đánh giá cao trong khu vực xét về khía cạnh nguồn nhân lực thuộc thị trường nào có thể tải nhiều ứng dụng lên nền tảng và có nhiều giao dịch nhất.
“Chỉ là điều kiện khởi nghiệp, điều kiện kinh doanh của họ kém quá nên họ mới phải chạy sang Singapore để làm”, ông Tú Thành chia sẻ.
Không chỉ vậy, Việt Nam còn là điểm sáng tại Đông Nam Á khi độ tiếp cận công nghệ, thích ứng với công nghệ của người dân ở mức cao, đóng góp đáng kể vào tăng trưởng của các nền tảng như Facebook, Google tại khu vực.
Pháp luật phù hợp sẽ “tháo vòng kim cô” cho sự sáng tạo
Theo ông Đinh Tuấn Minh, Giám đốc nghiên cứu Trung tâm nghiên cứu các giải pháp thị trường cho các vấn đề kinh tế - xã hội (MASSEI), mấu chốt của quá trình dịch chuyển sang kỷ nguyên số là các quyền như tự do kinh doanh, tài sản hay mới nhất là tài sản dữ liệu, hợp đồng giao dịch được xã hội bảo vệ.
Nếu quá trình bảo vệ được diễn ra nghiêm túc và nghiêm khắc, những cá nhân, doanh nghiệp trong xã hội sẽ tự thích nghi, chớp được cơ hội nhờ việc được thử nghiệm.
Chia sẻ đồng quan điểm, người sáng lập và cố vấn trưởng VEPR Nguyễn Đức Thành đánh giá Việt Nam có tiềm năng về con người nhưng cho đến nay vẫn chưa được khai thác bởi vấn đề về môi trường pháp lý – môi trường được tạo ra để con người ứng xử, tạo ra hành vi.
“Khi làm việc cá nhân hoặc được đặt vào một môi trường khác cho phép khai thông về năng lực thì tự nhiên người Việt trội lên ngay. Sáng tạo không phải bước đầu tiên là năng lực trong não của những cá nhân kiệt xuất mà phải là việc khơi và tháo bỏ những rào cản của các cá nhân”, ông Đức Thành chia sẻ.
Các công nghệ mà Việt Nam muốn theo đuổi, muốn vượt lên và muốn sở hữu trước hết cần phải có luật pháp bảo vệ những người sẽ sáng tạo trong tương lai – những người cần được đảm bảo có nguồn lực khổng lồ như thời gian, trí tuệ, sự nỗ lực của một tập thể cũng như cần được bảo vệ thành quả của sự sáng tạo.
Những điều này chỉ luật pháp mới có thể bảo vệ thông qua bảo vệ quyền. Việt Nam hiện nay vẫn còn chưa ý thức rõ về các vấn đề quyền con người, như quyền tài sản mà một trong những tài sản lớn nhất là sở hữu trí tuệ, vị cố vấn trưởng VEPR nhấn mạnh.
Ông Đức Thành nhấn mạnh: “Hơn bao giờ hết, trong kỷ nguyên số mang lại nhiều cơ hội cho lớp trẻ và ngay cả những người không còn trẻ, Việt Nam cần phải chuẩn bị nền tảng về pháp luật, pháp lý, xã hội và nếu được bảo vệ, năng lực trí tuệ của người Việt sẽ bùng nổ”.
Theo TheLeader