Thao túng báo cáo tài chính có dễ phát hiện?

VietTimes – Trước tình trạng thao túng báo cáo tài chính (BCTC) đang gây ra nhiều thiệt hại nghiêm trọng đến các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán (TTCK), ảnh hưởng đến chức năng huy động vốn của kênh đầu tư này, Hội thảo đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các chuyên gia, giảng viên, nhà quản lý và nhà đầu tư.
Ông Phan Lê Thành Long - Giám đốc Viện Kế toán Quản trị Công chứng Úc (CMA Australia) tại Việt Nam
Ông Phan Lê Thành Long - Giám đốc Viện Kế toán Quản trị Công chứng Úc (CMA Australia) tại Việt Nam

Hội thảo Khoa học với chủ đề “Thao túng báo cáo tài chính của các công ty niêm yết và tác động đến thị trường chứng khoán Việt Nam” được trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức, đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp từ các chuyên gia.

Hội thảo tập trung vào các chủ đề chính như: (1) Nhận diện các hành vi thao túng BCTC của các công ty niêm yết; (2) Nghiên cứu dấu hiệu nhận biết và các nhân tố ảnh hưởng đến thao túng BCTC của các công ty niêm yết; (3) Đánh giá tác động kinh tế của thao túng BCTC trên TTCK Việt Nam; (4) Đánh giá thực trạng thao túng Báo cáo tài chính ở Việt Nam giai đoạn 2000-2016; (5) Phân tích thực trạng cơ sở pháp lý trong việc kiểm soát và giám sát thông tin công bố và thông tin báo cáo tài chính của các Công ty niêm yết (CTNY) trên TTCK Việt Nam.

Mở đầu hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Trúc Lê, hiệu trưởng Trường Đại học kinh tế - ĐHQG Hà Nội, nhận định: Hành vi thao túng BCTC là chủ đề được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm, bao gồm các hành vi làm sai lệch BCTC trên khía cạnh trọng yếu một cách có chủ ý hoặc thiếu thận trọng, dẫn đến tình trạng thông tin bất cân xứng trên TTCK, gây thiệt hại cho các nhà đầu tư và các cơ quan quản lý cần phải vào cuộc.

Thao túng báo cáo tài chính có dễ phát hiện? ảnh 1PGS.TS. Nguyễn Trúc Lê, hiệu trưởng Trường Đại học kinh tế - ĐHQG Hà Nội, phát biểu khai mạc hội thảo (Ảnh: P.D)

Phát hiện thao túng BCTC như thế nào?

Làm rõ hơn vấn đề này, ông Phan Lê Thành Long - Giám đốc Viện Kế toán Quản trị Công chứng Úc (CMA Australia) tại Việt Nam đã có những chia sẻ với tham luận: “Thao túng BCTC đối với các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam.”

Xuất phát từ khái niệm Quản trị lợi nhuận (earning management), ông Long đã chỉ ra trung tâm của các phương pháp phát hiện quản trị lợi nhuận là chất lượng các khoản dồn tích (accrual quality) trên BCTC. Trên thế giới đã có nhiều nghiên cứu và phát triển mô hình nhằm phát hiện vấn đề này như mô hình M-Score của Beneish (1999) và F-Score của Dechow (2011). Các mô hình đã phần nào trợ giúp đánh giá các khả năng công ty đang bóp méo lợi nhuận hay không. 

Các phương pháp phát hiện quản trị lợi nhuận hay gian lận BCTC là rất cần thiết trong bối cảnh các thành viên tham gia thị trường chứng khoán Việt Nam đang nỗ lực nâng hạng thị trường lên Thị trường mới nổi (Emerging market).  Với các chủ thể tham gia thị trường cần trang bị phương pháp phát hiện ra các gian lận và hành vi thao túng BCTC nhằm tránh những thiệt hại tài chính có thể xảy ra. Với cơ quan quản lý thị trường việc ngăn ngừa và phát hiện ra hành vi thao túng BCTC sẽ góp phần bảo vệ nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nhỏ.

Giải pháp hạn chế thao túng BCTC

Trong khi đó tham luận của TS. Hà Thị Ngọc Hà (Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam) về “Giải pháp hạn chế thao túng báo cáo tài chính tại Việt Nam từ góc độ hiệp hội nghề nghiệp”,  cũng đã khuyến nghị một số giải pháp nhằm giải quyết vấn đề thao túng BCTC trên quan điểm của hiệp hội nghề nghiệp.

Theo TS. Hà Thị Ngọc Hà, cần phải áp dụng chuẩn mực lập và trình bày BCTC quốc tế (IFRS) vào Việt Nam. Bởi vì, chuẩn mực IFRS yêu cầu các giao dịch phải được phản ánh theo đúng bản chất, thúc đẩy các đơn vị có lợi ích công chúng tăng cường trách nhiệm giải trình, công bố thông tin và nâng cao tính minh bạch của BCTC.

Đối với các đơn vị có lợi ích công chúng, bài tham luận cũng chỉ ra một số giải pháp như: Cần quy định và nâng cao vai trò của bộ phận kiểm toán nội bộ trong các doanh nghiệp đối với việc kiểm tra, soát xét BCTC trước khi công bố; Yêu cầu thiết lập Ủy ban kiểm toán trong các đơn vị có lợi ich công chúng, …

Đóng góp vào buổi hội thảo là một số bài tham luận về “Ảnh hưởng của kiểm soát nội bộ đến chất lượng thông tin tài chính của các công ty niêm yết phi tài chính trên thị trường chứng khoán Việt Nam, “Lý thuyết trò chơi với gian lận báo cáo tài chính” và nhiều đề tài tham luận hấp dẫn khác.

Tại buổi hội thảo cũng đã diến ra lễ ký kết Biên bản ghi nhớ (MoU) giữa Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội và Viện Kế toán Quản trị Công chứng Úc (CMA Australia). Theo đó, chương trình đào tạo CMA sẽ được tích hợp và chương trình thạc sỹ do Đại học Quốc gia Hà Nội thực hiện.

Buổi hội thảo diễn ra ngày 15/12/2017, tại Trường Đại học kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội.