Theo đó, ông Lê Đức Anh, Cục Thương Mại điện tử, Bộ Công thương cho biết, cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin và mạng xã hội, thương mại điện tử ngày càng có những bước tiến lớn, ngày càng nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam tham gia thị trường thương mại điện tử.
Tính đến nay cả nước đã có 25.000 website đăng ký kinh doanh với Bộ Công thương, số lượng doanh nghiệp thương mại điện tử tăng lên nhanh chóng từ 13.000 doanh nghiệp năm 2016 lên 19.000 doanh nghiệp năm 2017.
Tất nhiên, kèm sự tăng trưởng mạnh của thương mại điện tử là sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp cũng ngày càng lớn.
Do đó, để thị trường phát triển, thực tế đòi hỏi người kinh doanh và khách hàng tham gia thương mại điện tử cần nâng cao chất lượng bán hàng, uy tín.
Thực tế cũng do phần lớn tâm lý người Việt vẫn có suy nghĩ phải cân đo đong đếm cụ thể, cầm nắm được sản phẩm rồi mới quyết định tới việc trả tiền mua sắm. Trong khi đó các doanh nghiệp lại chưa thực sự tạo dựng được mức độ uy tín cần thiết để làm thay đổi thói quen mua sắm của khách hàng.
Từ thực trạng này, chuyên gia cho rằng hiện Việt Nam vẫn đang thiếu những hệ thống giám sát, kiểm định chất lượng hàng hóa với các doanh nghiệp Thương mại điện tử, gây khó khăn cho cả người bán và người mua. Trong thời gian tới, Bộ Công thương sẽ có tem đảm bảo chất lượng đối với những mặt hàng đã qua kiểm định, giúp người mua hàng thuận tiện hơn trong việc lựa chọn hàng hóa.
Ngoài ra, các công ty trong nước đang bỏ quên mất khâu R&D (tức phân tích, nghiên cứu sản phẩm), mà chỉ chạy theo trào lưu, theo sản phẩm đang được thị trường ưa chuộng. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp Việt Nam chỉ tập trung vào một sản phẩm mũi nhọn, quên mất mỗi sản phẩm đều có chu kỳ, tuổi thọ riêng. Nhiều doanh nghiệp không thể "thọ" quá 5 năm vì không biết để bắt đầu một sản phẩm khác và mở ra chu kỳ khác.